Đi trên chập trùng các giải cát uốn lượn của vùng hoang mạc, nơi quả trà là như món quà của thượng đế, nhà văn Paulo Coelho trong cuốn “Nhà giả kim” đã đưa ra lời khẳng định là một chân lý như thế này “ Bí mật của cuộc sống là ngã bảy lần và đứng dậy tám lần”. Cuộc sống dường như luôn tiềm ẩn những cơn bão. Nó sẵn sàng xô đổ con người bất cứ lúc nào chúng ta chủ quan. Trong mọi hoàn cảnh, mọi khó khăn chỉ có dựa vào sức của ta mà đứng dậy, dựa vào sức của ta mà bước tiếp. Đổ lỗi cho người khác chẳng làm cho ta trưởng thành hay thành công. Bởi vậy trong cuốn tự truyện “ không gục ngã” nhà văn Nguyễn Bích Lan cho rằng “ Đổ lỗi cho hoàn cảnh cho người khác là bạn từ chối cơ hội được rèn luyện để trưởng thành”
Trưởng thành là lúc ta tự ý thức về trách nhiệm của bản thân đối với những hành động ta làm. Trưởng thành là lúc ngừng đổ lỗi cho người khác, mong muốn rèn luyện hoàn thiện bản thân. Quả thật trong cuộc sống cần phải luôn rèn luyện, luôn tự ý thức về hành động của mình. Câu nói của nhà văn Nguyễn Bích Loan là câu nói hoàn toàn đúng trong mọi hoàn cảnh. Muốn trưởng thành, muốn thành công, muốn hạnh phúc thì trước hết cần phải có ý thức về hành động của bản thân. Đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác như một sự đớn hèn đến cực điểm, là mong muốn giải thoát, trốn tránh nhưng hiện thực thì chẳng bao giờ có thể biến mất chỉ vì con người ta mong muốn nó biến mất. Hiện thực vẫn còn đó nếu con người ta chẳng thể biết vươn lên.
Đức phật trước lúc nhập niết bàn ngài đã nói với đệ tử của ngài những lời cuối cùng “ Này các tỳ kheo tăng, các tỳ kheo ni đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các ngươi….”. Con đường đi đến sự giải thoát chỉ có thể đi trên đôi chân của con người đó chứ không thể đi bằng hoàn cảnh hay trên vai của bất kỳ ai. Mọi nhân quả tuần hoàn đều do nhân tâm cùng hành động của người đó quyết định. Hoàn cảnh hay người khác chỉ như một phép thử, một thử thách để con người có thể vươn lên. Một con người sinh ra trong một hoàn cảnh không thuận lợi, bên cạnh những con người đầy độc hại mà thành công thì đó như một viên ngọc được phát hiện toả sáng trong vũng bùn lầy, càng được trân quý càng được ngợi ca bấy nhiêu. Câu chuyện về Ngu Công phá núi trong thần thoại Trung Hoa như một biểu tượng cho việc không đổ lỗi cho hoàn cảnh mà luôn luôn ý thức tập trung hoàn thiện bản thân. Ngu Công phá núi đâu có để ý đến núi cao và cứng thế nào, đâu để ý đến mảnh dăm đá cứa đứt da thịt ra sao, càng đâu chú ý đến lời nói của người trong thiên hạ. Phá núi, lời người trong thiên hạ bàn tán như khó khăn mà con người cần phải đối mặt. Nhưng nếu ta cứ đổ lỗi cho người khác, cho quả núi ấy quá to thì công việc chẳng những không bao giờ thành công mà ta còn luôn đau khổ như chẳng tìm được lối thoát để đi đến hạnh phúc cùng trưởng thành. Ta đâu thể kiểm soát được những khó khăn bất trắc nơi cuộc sống, cái ta có thể kiểm soát hay và dựa vào chỉ có thể là chính ta. Hạnh phúc ở trong tay ta, nhưng hạnh phúc cũng chỉ đẹp và xuất hiện sau nỗi đau của trưởng thành. Mà trưởng thành lại là đoạn đường cô đơn một mình ta đi.
Tập trung thời gian, công sức, trí tuệ cho việc rèn luyện bản thân để đi đến con đường hạnh phúc ta mong muốn luôn hiệu quả hơn việc dành thời gian đổ lỗi cho người khác. Con người là động vật thông minh nhất trên trái đất, nhưng con người dù có thông minh hơn nữa, hoàn thiện đến mức tinh vi hơn nữa cũng không thể hoàn thành hiệu quả nhiều việc cùng một lúc. Đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác đôi khi rất đơn giản, đó như một sự quên đi thất bại, đau khổ của bản thân. Bởi lẽ đổ lỗi cho người khác luôn dễ hơn việc con người ta dám nhìn thẳng vào phần xấu xí nhất của bản thân mình. Nhưng chỉ khi dám nhìn thẳng vào phần xấu xí ấy, con người ta tập trung khắc phục thì nó mới dần trở lên tốt đẹp hơn được. Phạm Tuấn Anh – người thanh niên bị cụt mất hai chân sau khi tai nạn giao thông, hiện nay anh vẫn đam mê chơi bóng đá và bơi lội. Những bộ môn cần dùng đến chân, nhưng đâu phải cứ vận động viên nào có đôi chân tốt sẽ đá hay, bơi giỏi. Anh dùng tay cũng có thể di chuyển linh hoạt khắp nơi. Anh tâm sự “ người ta chỉ tập trung vào cái mình mất chứ có mấy khi tập trung vào cái mình đang có. Biết đâu rằng cái mình có mới là cái tốt nhất, cái mình chưa có đôi khi không hợp với mình”. Có những người sinh ra trong gia đình nghèo khó hơn ta, bất hạnh hơn ta nhưng với họ thế vẫn là may mắn hơn những con người còn cùng cực đến sự nghèo khó hơn nữa. Ta không thể lựa chọn môi trường sống nhưng ta hoàn toàn có thể lựa chọn cách sống. Càng biết yêu thương nhiều hơn ta càng thấy vui tươi hơn, càng chăm chỉ cố gắng thì thành công càng lớn, càng chăm chăm đau khổ thì sự bất hạnh sẽ chỉ ở bên ta như một người bạn tri kỷ chẳng lìa xa phút giây nào.
“Nhân sinh hữu hạn” tức đời người ngắn ngủi. Nếu sự ngắn ngủi chỉ chất chứa đầy nỗi căm giận bực tức về người khác thì đời người chỉ là sự nuối tiếc đắng cay. Nếu đời người ngắn ngủi “ nhân sinh như mộng” nhưng lấp đầy bởi khát vọng, đam mê, nỗ lực, niềm tin… thì đời người coi như trọn vẹn mà chẳng hề hối tiếc. Dẫu biết trăm năm là hữu hạn tại sao con người không sống thật sâu, thật đẹp. Một người sống lâu có lẽ không nên đo bằng số tuổi của người ấy. Sống lâu nên đo bằng quãng thời gian ta thực sự sống chứ không phải tồn tại. Có người chỉ dừng lại với tiêu chí tồn tại chứ chưa đi đến, chạm đến, sờ đến khái niệm sống sao cho đúng đắn nhất. Không phải vì hôm nay trời mưa mà tôi đổ lỗi cho việc tôi không thể đi tắm nắng, vì ngày mưa tôi cảm nhận thấy không khí mát mẻ. Không phải vì điểm kém mà tôi đổ lỗi cho thầy cô không giảng kĩ, tôi vẫn vui vì kiến thức của tôi còn lỗ hổng để đến nay tôi bù đắp. Không phải vì tôi chia tay, thất tình mà tôi đổ lỗi cho người khác chưa đủ tốt, mà tôi chỉ có thể vui khi hai người không hợp nhau sẽ tìm đến mảnh ghép khác hợp với mình hơn…..Đôi khi ta cần thay đổi góc nhìn để phát hiện ra vẻ đẹp của cuộc sống thay vì thấy được cái xấu của nó. Cuộc đời vì vậy để dành ra để yêu thương thay vì căm giận tức tối với người khác
“Sự ở đời có mấy ai đủ sâu để thấy rõ nhân sinh, để rồi vượt qua nhân sinh” (Khổng Tử) và quả thật trên đời cũng vẫn còn nhiều người luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác mà không bao giờ thấy cái lỗi sai của bản thân. Họ tự cho mình là đúng, cho mình cái quyền cao hơn người khác, thích sự phán xét và áp đặt lên người khác. Vậy liệu rằng đến khi nào họ mới tìm kiếm thấy hạnh phúc đích thực của bản thân, bao giờ trong lòng họ mới thôi dạt dào đau khổ. Có lẽ chỉ khi buông bỏ, chỉ khi con người ta thấy biết ơn cuộc sống này họ mới nhìn thấy vẻ đẹp đa thanh hữu sắc mà cuộc đời này luôn ẩn giấu
“Nếu là chim hãy làm chim bồ câu, nếu là hoa hãy làm hoa hướng dương, nếu làm người hãy làm người cộng sản” – Cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và với tôi, tôi chọn sống là một người bao dung, một người không đổ lỗi cho người khác, một người luôn có ý chí cầu toàn, cầu tiến. Bởi cuộc đời chẳng khi nào thắm lại hai lần như Xuân Diệu hằng mong muốn. Cuộc đời chỉ có một, chỉ có một thì càng phải trân trọng từng phút giây như đó là phút giây cuối cùng.