Muốn hết tội chúng ta phải y theo 4 pháp sám hối chân chính của Đạo phật

Đức Phật dạy rằng, tội lỗi do tâm của người tạo ra, không ai có quyền thưởng phạt được. Để hết được tội lỗi thì nên thực hành 4 pháp sám hối dưới đây.

Đỗ Thu Nga
06:00 13/02/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Có pháp sám hối chủ về sự, có pháp sám hối chủ về lý, có pháp cao, có pháp thấp. Vậy tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của mỗi người mà áp dụng. Người thượng căn thì quán pháp vô sinh sám hối. Người không gặp cảnh thuận tiện, không có giới đàn, không gặp cao Tăng thì dùng pháp thủ tướng sám hối.

Người được cảnh thuận tiện có giới đàn thanh tịnh, có cao Tăng Đại đức thì dùng pháp tác pháp sám hối. Còn nếu thấy mình tội chướng nặng nề và thấy các pháp trên đều khó thực hành thì cứ đêm, hay trong những bữa ăn chay và ngày sóc vọng, đến chùa hay ở nhà chí tâm lạy Hồng Danh sám hối hoặc tiểu sám hối cũng tốt.

Đức Phật dạy, tội lỗi do tâm của con người tạo ra, không ai có quyền thưởng phạt được. Kẻ gieo giống xấu thì ăn trái dở, người trồng giống quý thì hưởng quả thơm. Tội lỗi đã từ tâm tạo thì cũng phải từ tâm mà sám. Muốn hết tội, chúng ta phải y theo những pháp sám hối chân chính của Đạo Phật mà thực hành.

Muon-het-toi-phai-y-theo-4-phap-sam-hoi-chan-chinh-cua-Dao-phat

Trong Đạo Phật, có 4 pháp sám hối sau đây, có pháp thuộc về sự, có pháp thuộc về lý:

1. Tác pháp sám hối

Pháp sám hối này thuộc về sự, phải lập giới đàn và thỉnh thanh tịnh Tăng chứng minh, nên gọi là tác pháp. 

Khi vào giới tràng, mình phải thành thật tỏ bày tội lỗi một cách thành khẩn, chí tâm ăn năn và nguyện về sau không tái phạm nữa. Một lòng thành kính sám hối như vậy, khi giới thể được thanh tịnh, tức là hết tội.

2. Thủ tướng sám hối

Pháp này thuộc về sự và khó hơn pháp trước. Phật chế pháp này là sám hối thuộc quán tưởng, cho những người tu hành có trình độ cao, hoặc ở chỗ không có Tăng, hay có nhưng không được thanh tịnh. 

Muon-het-toi-phai-y-theo-4-phap-sam-hoi-chan-chinh-cua-Dao-phat-9

Muốn tu pháp này, hành giả phải đến trước Tượng Phật hay Bồ tát, thành tâm lễ bái, trình bày những tội lỗi đã phạm, và nguyện ăn năn chừa bỏ. Làm như thế từ 1 ngày, 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày, và mãi mãi đến khi nào thấy được hảo tướng: như thấy hào quang, hoa sen báu, thấy Phật, Bồ tát đến xoa đầu v.v... thì mới thôi.

3. Hồng danh sám hối

Pháp sám hối này cũng thuộc về sự, do Ngài Bất Động Pháp Sư đời nhà Tống bên Trung Hoa soạn ra. Ngài rút 53 danh hiệu Phật trong Kinh "Ngũ Thập Tam Phật" tức là từ Đức Phật Phổ Quang cho đến Đức Phật Nhất Thế Pháp Tràng Mãn Vương và rút 35 danh hiệu Phật trong Kinh "Quán Dược Vương, Dược Thượng", với Pháp thân Đức Phật A-Di-Đà, sau thêm vào kệ Phổ Hiền Đại Nguyện thành nghi thức sám hối này, tổng cộng là 108 lạy, để ám chỉ trừ 108 phiền não. 

Nghi thức sám hối này, nếu ai chí thành kính lễ, thì sẽ diệt trừ được những phiền não và tội lỗi đã tạo, trong đời hiện tại cũng như nhiều đời quá khứ. Đức Phật Tỳ-Bà-Thi nói: "Nếu chúng sinh nào nghe danh hiệu 53 vị Phật này, thì trăm ngàn ức kiếp không đọa vào ba đường ác".

Muon-het-toi-phai-y-theo-4-phap-sam-hoi-chan-chinh-cua-Dao-phat-6

Đức Phật Thích Ca nói: "Thuở xưa, đời Phật Diệu Quang, ta đi tu nhằm đời mạt pháp, nhờ được nghe danh hiệu 53 vị Phật này và thành tâm lễ bái mà tránh khỏi những đau khổ trong đường sinh tử luân hồi nhiều kiếp". Còn 35 danh hiệu Phật sau, từ Đức Phật Thích Ca cho đến Đức Phật Bửu-Liên-Hoa Thiện-Trụ-Ta-La-Thọ Vương thì trong Kinh Bửu Tích nói: "Nếu tất cả chúng sinh, hoặc phạm tội ngũ nghịch hay thập ác, đến muôn kiếp không thể sám hối, chỉ xưng danh hiệu 35 vị Phật này và lễ bái thì bao nhiêu tội chướng đều tiêu trừ".

Hồng danh của Chư Phật có công đức không thể nghĩ bàn như vậy nên Ngài Bất Động Pháp sư mới soạn ra để làm nghi thức sám hối. Pháp hồng danh sám hối hiện nay hầu hết các chùa đều thực hành theo. Về sau Ngài Từ Vân Pháp sư vì những người yếu đuối hoặc không quen lạy nhiều, nên đã soạn ra một nghi thức sám hối, rất gọn dễ và đầy đủ ý nghĩa, cũng gọi là pháp tiểu sám hối, để cho Phật tử hằng ngày có thể sám hối tội lỗi của mình.

4. Vô sinh sám hối

Pháp này thuộc về lý sám hối, rất cao và khó, bậc thượng căn mới có thể thực hành được.

- Quán tâm vô sinh: Nghĩa là quan sát tự tâm mình hiện tiền không sinh. Như trong Kinh Kim Cương nói: "Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại chẳng có, tâm vị lai cũng không". Quán trong ba thời gian đều không có tâm thì vọng niệm không từ đâu mà có, nếu vọng niệm không có thì các tội lỗi cũng không. Kinh nói: "Tội từ nơi tâm sinh mà cũng từ nơi tâm diệt. Nếu tâm này không sinh thì tội cũng chẳng còn, thế mới thật là sám hối".

- Quán pháp vô sinh: Nghĩa là quan sát thật tướng (chân tính) của các pháp không sinh. Chữ "thật tướng", nghĩa là cái tướng ấy không sinh không diệt, không hư dối; từ xưa đến nay nó vẫn thường như thế, không bị thời gian thay đổi, hay không gian chuyển dời, suốt xưa thấu nay, nên gọi là thật tướng (Tướng chân thật). Nó cũng có tên là chân như hay chân tâm... Khi nhận được thật tướng rồi thì các giả tướng đều không còn. Lúc bấy giờ những tội lỗi (giả tướng) kia không còn gá nương vào đâu mà tồn tại. Trong Kinh Quán Phổ Hiền có chép: "Muốn sám hối, phải quán thật tướng của các pháp thì tội mới hoàn toàn tiêu diệt".

(Nguồn: "Phật Học Phổ Thông"

Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 1997)

Xem thêm: Chấp niệm là sự cố chấp trường tồn trong lòng, chỉ khi vứt bỏ được thì đời người mới thanh thản, tự do

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận