Ly kỳ truyền thuyết "tượng đất hóa vàng" ở cổ tự hơn 1.500 năm tuổi

Chùa Sùng Bảo chính là cổ tự có truyền thuyết "tượng đất hóa vàng". Sát chùa còn có giếng thiêng bị Cao Biền trấn yểm hòng chặn long mạch nước Việt ta.

Đỗ Thu Nga
10:00 25/07/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Tượng đất hóa vàng"

Theo tờ Giáo dục thời đại, làng Xuân Dục chính là quê hương của nhà yêu nước Nguyễn Thiện Thuật - thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy vào cuối thế kỷ XIX. Còn theo các bậc cao niên trong làng, mảnh đất này còn ẩn chứa rất nhiều câu chuyện huyền diệu ẩn trong những trầm tích rêu phong: cây đa, giếng nước, ngôi chùa.

Báo Pháp luật Việt Nam từng viết, xưa kia, bãi đất giữa cánh đồng Quân (làng Xuân Dục) còn hoang vu, chỉ để lau, lách, dứa dại mọc nên thích hợp cho việc chăn thả trâu bò. Lũ mục đồng trong làng đi chăn trâu, lúc rảnh rỗi thường tiêu khiển bằng việc lấy đất nặn tượng chơi trò làm chùa. 

Hồi đó, cánh đồng Quân gần nơi lũ trẻ chơi đùa có bụi dứa to, xanh. Thấy địa thế thuận lợi, lũ trẻ chặt cây lau làm cột dựng lều, lấy lá dứa cuốn quanh làm mái rồi chui vào trong nghỉ ngơi, chơi đùa. Sau chúng lấy đất nặn một pho tượng, đặt trong ngôi nhà lau bày trò làm chùa thờ Phật.

ly-ky-truyen-thuyet-tuong-dat-hoa-vang-o-co-tu-hon-1500-nam-tuoi-7
Chùa Sùng Bảo nhìn từ đằng sau

Hàng ngày, chúng lấy gạo tẻ đóng thành oản, mang ra ngôi nhà lau cúng Bụt rồi chia nhau ăn. Thời ấy, chưa biết đến Phật pháp nên bọn trẻ chăn trâu chỉ nhớ hình tượng Bụt trong truyện cổ tích nên đặt tên Bụt cho bức tượng và thành tâm cúng Bụt. Chúng lấy bát ở nhà mang ra, treo dưới những lá dứa để làm chuông, rồi cũng gõ vào chuông để tạo không khí trang nghiêm mỗi lần cúng lễ.

Những ngày không có oản tẻ thì chúng mang đồ ăn được bố mẹ cho ra khấn vái Bụt. Không có đồ ăn từ nhà thì chúng bẻ chuối xanh mang ra cúng. Đại loại, ngày nào cũng phải có lễ vật dâng lên Bụt. 

Các cụ cao niên trong làng Xuân Dục còn kể, mấy anh em chăn trâu cũng phân chia anh lớn nhất là sái cả, được ngồi cúng chính trước Bụt, còn những đứa trẻ nhỏ hơn thì ngồi bên canh, lễ theo, chờ làm lễ xong mới cùng thụ hưởng. 

ly-ky-truyen-thuyet-tuong-dat-hoa-vang-o-co-tu-hon-1500-nam-tuoi-4
Một góc chùa Sùng Bảo

Ngay trước chùa có một con kênh nhỏ, bên phải có giếng làng lúc nào nước cũng đục ngầu và luôn sủi tăm nên có tên là giếng Sủi. Dân làng đã tìm cách lấp nhiều lần nhưng lần nào cũng xảy ra chuyện. Người thì bị ngã gãy chân, người thì bị ốm nặng trong ngày khuân đá lấp giếng. Dân làng lo sợ tai ương ập xuống nên không dám động vào. Ngoài ra còn mời thầy về cúng và đến giờ giếng này vẫn sủi tăm.

Bọn trẻ chăn trâu biết chuyện giếng thiêng cũng không dám phạm. Chúng chỉ chí thú cúng lễ ông Bụt của chúng. Cho đến một buổi tối ngay trước ngày rằm tháng 2 Âm lịch, giông bão nổi lên khiến cây cối bị quật đổ ngổn ngang. Lũ trẻ chăn trâu lo lắng cho "ngôi chùa" bằng lau nên sáng sớm hôm sau chạy ra xem thì thấy Bụt đất đã biến mất. 

Nhưng lạ lùng là ở giữa ngôi chùa lá - nơi đặt tượng đất lại xuất hiện 1 pho tượng màu vàng.Thấy kỳ lạ, đám trẻ về kêu dân làng ra xem. Dân làng chạy ra thấy tượng tỏa ánh hào quang nên đã đặt tên cho bức tượng là Đức Phật Bà Đồng Quân, mang vào chùa Sùng Bảo thờ cúng. Sau này, trong dân gian đã truyền khẩu câu thơ về sự tích ngôi chùa và tượng phật như sau: “Bụi lau lá dứa dựng lên làm chùa”.

Từ đó đến nay, những câu chuyện nửa hư nửa thực liên quan đến bức tượng này cứ thế lan xa. Trong đó có chuyện kể về việc vua Đinh Tiên Hoàng đánh giặc ngang qua chùa mới vào thắp hương cầu khấn. Phật Bà Đồng Quân đã phù hộ cho vua đại thắng dù lúc đó, lực lượng của nhà vua so với giặc chỉ như trứng chọi đá.

Tượng vàng bị lấy cắp báo mộng bắt kẻ gian

Các bậc cao niên kể lại rằng: "Khi mưa gió sấm chớp vừa tan thì thấy Ngài điềm nhiên an tọa giữa quán, toàn thân màu vàng, tỏa hào quang sáng bừng cả một vùng. Trông Ngài đẹp và uy nghi”. 

Điều kỳ lạ là, ban đầu khi dân làng quỳ lạy và bàn nhau rước ngài vào một cung trong chùa thì không thể nào dời bức tượng đi được. Y như bức tượng nhỏ có sức nặng ngàn cân. Biết có điềm lạ, mọi người bàn nhau xây một am nhỏ tại nơi Ngài hóa để thờ tự. Nhưng chưa kịp xây thì Ngài về báo mộng cho các cao niên đưa vào chùa. Lúc ấy mới rước được Ngài vào một cung trong chùa và đặt tên pho tượng là Đức Phật bà Đồng Quân. 

Người dân địa phương lại có tục thờ Phật Bà Đồng Quân để phù trợ mùa màng tốt tươi. Ni sư Thích Nữ Huệ Hạnh - trụ trì chùa Sùng Bảo cho hay: Ngày xưa khi mương máng tưới tiêu nội đồng chưa có, hạn hán liên miên, người dân đã lập đàn cầu mưa và rước tượng Phật Bà Đồng Quân từ chùa Sùng Bảo đi xung quanh đồng ruộng để cầu mưa gió.

ly-ky-truyen-thuyet-tuong-dat-hoa-vang-o-co-tu-hon-1500-nam-tuoi
Bí ẩn Hậu cung, nơi thờ Đức Phật bà Đồng Quân

Hàng năm vào rằm tháng 2, cứ 5 năm một lần, dân làng làm lễ rước Phật Bà phải làm lễ xin phép Ngài để được chiêm bái và tắm rửa cho Ngài rồi mới rước cầu Đảo cầu mưa.  

Xung quanh truyền thuyết đất hóa vàng chùa Sùng Bảo còn nhiều câu chuyện ly kỳ khác. Tượng vàng Phật Bà Đồng Quân từng bị kẻ gian đánh cắp vài lần nhưng thật kỳ lạ, mất rồi vẫn tìm về được. Một lần Ngài bị đánh cắp, bọn trộm trên đường mang đi bán gặp ngáng trở nên đành đưa Ngài đến giấu ở bến sông. Mấy ngày sau các già được Phật báo mộng đến chiếc giếng Sủi bên sông để đón Ngài về. Sáng hôm ấy các già quẩy đôi quang gánh như đi làm đồng, đến bên sông thì đã thấy Ngài ngồi đợi sẵn ở đấy. Lần khác tượng phật bị kẻ gian đánh cắp đưa lên tận Hà Nội, nhưng thật vi diệu là cuối cùng tượng vẫn tìm được về chùa làng. Những kẻ cắp sau đó đều bị bắt, thậm chí có kẻ "không khảo mà xưng" tự ra thú tội. 

Câu chuyện “tượng đất hóa tượng vàng” được người dân xã Xuân Dục truyền tụng hàng ngàn năm qua, đến nay vẫn được tiếp tục lưu truyền, kể cho con cháu nghe để cùng giữ gìn để nối tiếp truyền thống văn hóa của các thôn, làng từ bao đời nay với tục lệ thờ Đức Phật bà Đồng Quân cầu mùa màng tươi tốt, bội thu, xây dựng cuộc sống sung túc, no đủ.  

Giếng cổ bị Cao Bền trấn yểm

Ở thôn Xuân Bản sát chùa Bảo Sùng còn có một chiếc giếng cổ nghìn năm tuổi. Chiếc giếng này còn khá nguyên vẹn và là nguồn nước sinh hoạt cho cả làng. Điều kỳ lạ, chiếc giếng cổ lúc nào nước cũng trong mát, không bao giờ cạn.

Các vị cao niên trong làng kể rằng, trong một lần Cao Biền đi xem long mạch các vùng giáp thành Đại La phát hiện một mạch phát vương có tia năng lượng rất mạnh. Đó chính là chiếc giếng cổ của Xuân Bản.

Cao Biền nhiều lần tính toán để triệt hạ long mạch giếng nhưng đều thất bại. Mỗi lần Cao Biền vứt bùa xuống giếng đều bị nguồn nước sủi tăm cuốn trôi. Vì thế, người dân địa phương thường gọi giếng cổ này là giếng Sủi.

ly-ky-truyen-thuyet-tuong-dat-hoa-vang-o-co-tu-hon-1500-nam-tuoi-5
Giếng Sủi

Nói về giếng cổ này, ông Vũ Văn Yên – Chủ tịch UBND xã Xuân Dục cho hay: “Nước trong giếng không bao giờ cạn là sự thật. Còn việc nước sủi bọt khi chưa giải thích được, người ta thường hay thần thánh hóa thành truyền thuyết. Sau này, chúng tôi mời chuyên gia về khảo sát thì phát hiện khí metan dưới đó mới tạo ra hiện tượng sủi bọt”.

Ở Hưng Yên vẫn còn lưu truyền câu chuyện kể về giếng cổ này như sau: Người phụ nữ ở làng Xuân Nhân lấy chồng làng Xuân Đào, bị gia đình nhà chồng cay nghiệt, đày đọa khiến bà vô cùng uất ức.

Trong một lần đi gánh nước, bà ngồi dưới gốc cây đề khóc than thân trách phận và nói lời nguyền: “Nếu người dân 2 làng Xuân Đào và Xuân Nhân lấy nhau thì chết 1 đời cha, 3 đời con. Khi nào nối được con đường từ Xuân Đào ra tới gốc đề thì mới lấy được nhau”.

Nói lời nguyền xong, bà khuất núi, khi quan huyện tới nơi mối đã xông thành đống lớn. Người dân liền lập miếu thờ, khắc 4 chữ Hán: “Chạt chạt quyết linh”, nghĩa là miếu thiêng.

Kể từ khi lời nguyền đó lan truyền, người dân hai làng không ai dám lấy nhau. Cách đây khoảng hơn chục năm, người dân đắp đường nối Xuân Đào ra cây đề và làm lễ giải lời nguyền thì mới có đám cưới của hai thôn.

Xem thêm: Chuyện chưa kể về thiếu nữ người Pháp quy y trong ngôi chùa Việt, âm thầm giúp đỡ cách mạng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận