Giáo viên trường chuyên bật mí kỹ năng giải quyết bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT để đạt điểm cao

Để "giải quyết" gọn bài thi Ngữ văn thì trước đó, các bạn học sinh cần có lộ trình ôn tập kiến thức thật logic.

Đỗ Thu Nga
09:00 11/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mới đây, Báo điện tử Đại biểu nhân dân đã chia sẻ bài viết về kỹ năng làm bài thi Ngữ văn đạt điểm cao ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Tác giả đã phỏng vấn Tiến sĩ Hồ Thị Giang, giáo viên bộ môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Ngoại ngữ - Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) để đưa ra những kỹ năng làm bài sát nhất dành cho các bạn thí sinh. Hãy cùng tìm hiểu nhé:

Kỹ năng làm bài rất quan trọng

Nói về phương hướng làm bài thi, TS Hồ Thị Giang chia sẻ 3 kỹ năng quan trọng:

Thứ nhất, kỹ năng phân loại câu hỏi: Theo đó, thí sinh sẽ nhóm được kiến thức và kỹ năng trả lời tương ứng để tránh nhầm lẫn, sai sót.

Ví dụ, nhóm câu hỏi nhận biết (câu hỏi thường gặp và cách giải quyết), nhóm câu hỏi thông hiểu (câu hỏi thường gặp và cách giải quyết), nhóm câu hỏi vận dụng (câu hỏi thường gặp và cách giải quyết), nhóm câu hỏi tạo lập văn bản (câu hỏi thường gặp và cách giải quyết).

Thứ hai, kỹ năng xây dựng đoạn văn/bài văn. Đề thi tốt nghiệp THPT có câu hỏi tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội và câu hỏi tạo lập bài văn nghị luận văn học, thí sinh không được nhầm lẫn về hình thức, nội dung. 

Giao-vien-truong-chuyen-bat-mi-ky-nang-thi-Ngu-van-dat-diem-cao
TS. Hồ Thị Giang, giáo viên bộ môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Ngoại ngữ - Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN)

- Đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ, thí sinh cần đọc kỹ, gạch chân cụm từ chính trong câu lệnh để viết trúng tâm vấn đề nghị luận và xác định đúng phạm vi dẫn chứng. Thí sinh cũng cần có vốn kiến thức về cuộc sống để có dẫn chứng nổi bật.

- Bài văn nghị luận văn học, học sinh cần có hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng, mạch lạc. 

Thứ ba, kỹ năng làm chủ thời gian. Thí sinh cần đọc bao quát đề thi, xác định lượng thời gian phân bố cho các câu hỏi để giải quyết tròn trịa, đầy đủ từng phần. Các ban cũng nên dành 5 phút để soát bài, sửa lại ngữ pháp câu, thay đổi/bổ sung các câu trả lời của phần đọc hỏi.

"Môn Ngữ Văn là môn học có sự kết hợp tư duy khoa học, khách quan và yếu tố cảm xúc. Việc trình bày bài thi Ngữ văn theo đó cũng cần có sự kết hợp giữa mạch lạc, sáng rõ về tư duy và sự tinh tế, sáng tạo trong cảm nhận. Bên cạnh hệ thống kiến thức bài học trong chương trình, kiến thức thể loại và văn bản ngoài chương trình, học sinh cũng cần lắng nghe rung động của mình đối với văn bản", TS. Hồ Thị Giang chia sẻ.

Theo TS Giang, việc này giúp học sinh có thể khám phá được cách nhìn mới hoặc nhận ra cảm xúc của mình, từ đó cách viết bớt khô cứng, máy móc mà uyển chuyển, sinh động hơn. Với hình thức bài thi tự luận - nơi học sinh có cơ hội bộc lộ sinh động khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, những lưu ý trên góp phần đảm bảo bài viết đúng và hay.

Mặt khác, ôn tập môn Ngữ Văn cũng như các môn khác, cần có sự sắp xếp thời gian hợp lý để đủ hiểu tác phẩm, đủ biết kỹ năng, đủ ngấm vẻ đẹp, đủ chuẩn thời gian làm bài.

Chia kiến thức theo lộ trình

Về quá trình ôn tập, TS Giang chia nội dung theo 2 cách: Chia lộ trình thời gian; xây dựng chủ đề - thể loại và nhóm kỹ năng, từ đó giúp học sinh không bị ngợp giữa biển kiến thức.

Chia theo lộ trình nghĩa là căn cứ theo tiến trình bài viết, giai đoạn thi cử và mức độ quan trọng để xác lập quá trình ôn tập: giai đoạn đắp nền - giai đoạn bồi dưỡng kiến thức - giải đoạn luyện đề. 

Chia theo chủ đề - thể loại nghĩa là nhóm các tác phẩm theo chùm để tập hợp về một vấn đề tư tưởng hoặc đặc trưng thể loại. Như thế, học sinh không chỉ ôn một văn bản mà luôn có cái nhìn so sánh, kết nối, liên hệ, vừa mở rộng tri thức ngữ văn vừa đào sâu hơn điểm đặc sắc của từng tác phẩm.

Chia theo nhóm kỹ năng làm bài là căn cứ trên thực tế cấu trúc đề thi hiện hành để xác lập từng nhóm kỹ năng khác nhau, giúp giải quyết tối ưu nhất bài làm của học sinh. Ví dụ, nhóm kỹ năng đọc hiểu văn bản, nhóm kỹ năng nghị luận xã hội, nhóm kỹ năng nghị luận văn học. Trong từng nhóm, có phân tích mẫu, có xác định cách tư duy, cách trả lời, có thực hành các đề thi khác nhau để nhuần nhuyễn kỹ năng.

Giao-vien-truong-chuyen-bat-mi-ky-nang-thi-Ngu-van-dat-diem-cao-

TS Giang cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc ôn tập kiến thức trong chương trình học, thí sinh cũng cần chú trọng khâu chọn lọc ngữ liệu ngoài chương trình. Các ngữ liệu đó không đơn thuần là một văn bản phục vụ mục đích thực tế và tức thì, là dùng để xây câu hỏi theo cấu trúc đề thi, mà qua ngữ liệu, phần nào hình thành được nhãn quan thẩm mĩ của thí sinh. Việc này đòi hỏi giáo viên chịu đọc và có khả năng phát hiện ngữ liệu hay để giới thiệu, thảo luận cùng người học.

Qua những ngữ liệu chứa đựng góc nhìn mới mẻ, sâu sắc, học sinh có cơ hội mở rộng hiểu biết, trưởng thành hơn nhiều về tư duy và tình cảm. Một cách âm thầm, điều đó tạo nên những người viết sắc sảo, có cách nhìn sáng, đồng thời gia tăng đáng kể vốn sống cho học sinh.

Ngoài ra, TS Giang cho rằng, tâm lý trước và trong lúc thi cũng rất quan trọng. Thí sinh giữ được tâm lý tốt sẽ tập trung và tự tin hơn vào mục tiêu của mình. 

Và quan trọng hơn cả, TS Giang lưu ý các bạn học sinh phải chuẩn bị sức khỏe tốt, loại trừ bớt những rủi ro hay sự cố bất ngờ. Dinh dưỡng ăn uống và giấc ngủ tạo nên sự sáng suốt, minh mẫn.

(Theo BĐT Đại biểu nhân dân)

Xem thêm: "Hung thần" giao thông - Bức thư đạt giải nhất UPU lần thứ 52

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận