Giải đáp mọi thắc mắc về tàu điện Cát Linh - Hà Đông: Giá vé bao nhiêu, cách mua vé thế nào?
Sáng nay (6/11) tàu điện Cát Linh - Hà Đông được bàn giao, vận hành. Người dân sẽ được trải nghiệm miễn phí 15 ngày.
- Lễ bàn giao tàu điện Cát Linh - Hà Đông
- Giá vé tàu điện Cát Linh - Hà Đông là bao nhiêu?
- Mua vé tàu điện Cát Linh - Hà Đông như thế nào?
- Dọc hành lang đường sắt Cát Linh - Hà Đông có bao nhiêu tuyến xe bus hoạt động
- Bao nhiêu lâu sẽ có 1 tàu dừng ở ga?
- 16 khuyến nghị 'phòng ngừa rủi ro' cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Lễ bàn giao tàu điện Cát Linh - Hà Đông
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư từ tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư lên đến hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD). Trong quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD). Dự án này đã nhiều lần lùi lịch bàn giao, vận hành.
Vào sau rất nhiều năm tháng, sáng nay (6/11/2021), TP Hà Nội nhận bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Tại sự kiện nhận bàn giao, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thay mặt Chủ đầu tư gửi lời cảm ơn các ban ngành, địa phương đã hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Lãnh đạo Hanoi Metro cho biết trong 6 tháng đầu, giờ mở tuyến là 5h30-22h. Một tuần đầu, các đoàn tàu chạy với tần suất 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 chạy 10 phút/chuyến. Nếu khách đông, Hanoi Metro sẽ lập tức điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu.
Được biết, lối vào ga Cát Linh với có hệ thống thẻ từ. Hanoi Metro cho biết, sẽ có 733 vị trí nhân sự vận hành dự án, gồm 651 nhân sự gốc và 82 nhân sự bổ sung sau khuyến cáo của Tư vấn ACT.
Lãnh đạo Hanoi Metro cũng cho biết, trong 6 tháng đầu, giờ mở tuyến là 5h30-20h. Một tuần đầu, các đoàn tàu chạy với tần suất 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 chạy 10 phút/chuyến. Nếu khách đông, Hanoi Metro sẽ lập tức điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu. Sau 6 tháng, giờ hoạt động của tàu sẽ tăng lên từ 5h30 đến 22h30. Giờ bình thường chạy 10 phút/chuyến, giờ cao điểm là 6 phút/chuyến. Và một điểm đáng lưu ý khác, người dân sẽ được trải nghiệm miễn phí trong 15 ngày.
Giá vé tàu điện Cát Linh - Hà Đông là bao nhiêu?
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin, dự kiến giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của khách. Trong đó, tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất.
Giá vé ngày 30.000 đồng/người không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày. Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé.
Phía Hanoi Metro cho biết, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành, chở khách miễn phí trong 15 ngày đầu khai thác, vận hành chính thức. Ngay sau đó, Metro Hà Nội sẽ bán vé tháng tại các nhà ga. Thời gian sử dụng của vé tháng được tính theo thời gian thực trong 30 ngày, kể từ ngày phát hành vé.
Mua vé tàu điện Cát Linh - Hà Đông như thế nào?
Để mua vé tại quầy bán vé tự động, khách hàng dùng tiền mặt đưa vào khe nhận tiền, chọn ga đến. Các nút bấm trên máy dạng cảm ứng tay. Sau khi nhận tiền, máy sẽ nhả vé (thẻ nhựa) và tiền thừa nếu có. Theo thiết kế, hệ thống máy bán vé tự động chưa có chế độ cài đặt tích hợp mua bằng thẻ thanh toán (ngân hàng) nên ban đầu chỉ vận hành bán theo hình thức nhận tiền mặt.
Hanoi Metro cho biết, tại các quầy bán vé tự động có nhân viên nhà ga trực hỗ trợ khách hàng mua vé. Trường hợp khách không mua tại máy bán vé tự động có thể mua trực tiếp tại quầy bán vé tại sảnh.
Để lên tàu, khách dùng vé đi qua cổng soát vé tự động (bằng cách quẹt thẻ) để lên ga đợi tàu. Tại ga xuống, hành khách cũng phải dùng thẻ quẹt (đưa vào khe cổng soát vé) tại sảnh ga tầng 2 (nơi bán vé, kiểm soát vé) để đi qua cổng soát vé chiều ra.
Dọc hành lang đường sắt Cát Linh - Hà Đông có bao nhiêu tuyến xe bus hoạt động
Lãnh đạo Sở giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận vào ngày 6/11, Hanoi Metro sẽ cho tàu chạy ngay và miễn phú 15 ngày đầu cho tất cả các hành khách, trước khi thu tiền đi tàu của người dân. Các tuyến xe bus sẽ được kết nối ở mức thuận tiện để hành khách đi lại thuận lợi, trung chuyển từ đường sắt sang xe buýt.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Tramoc) cho biết thêm, hiện dọc tuyến đường sắt Cát Linh - tuyến có 52 tuyến buýt bằng gần 40% số lượng tuyến của toàn mạng buýt Hà Nội công cộng kết nối. Trong đó, riêng khu vực ga cuối tuyến đường sắt (ga Yên Nghĩa), xe buýt đang vận chuyển được 14.072 hành khách/giờ; còn tại ga đầu tuyến (ga Cát Linh), xe buýt đang vận chuyển được 6.180 lượt hành khách/giờ.
Gần đây, một số tuyến buýt dọc đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng được điều chỉnh để tăng hiệu quả kết nối.
Theo đó, hiện dọc hành lang tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 52 tuyến buýt hoạt động, với 48 tuyến trợ giá (bao gồm: số 01, 02, 05, 09B, 16, 18, 19, 21A, 21B, 22B, 22C, 23, 24, 25, 27, 29, 30, 33, 37, 38, 39, 44, 50, 57, 60A, 60B, 62, 66, 72, 84, 85, 89, 90, 91, 99, 102, 103A, 103B, 104, 105, 106, 114, 123, 124, BRT01, CNG02, CNG05, CNG07) và 4 tuyến không trợ giá (số 75, 78, 213, 214).
Đối với khu vực hai ga đầu, cuối tuyến đường sắt (ga Cát Linh và Yên Nghĩa) có năng lực vận chuyển buýt lớn, đủ đáp ứng giải tỏa khách đi bằng tàu điện. Cụ thể, tại ga Yên Nghĩa có 21 tuyến buýt kết nối (01, 02, 21A, 27, 37, 57, 62, 66, 72, 89, 91, 102, CNG02, BRT, CNG07, 114, 123, 124, 75, 213, 214), với 19 tuyến buýt có điểm đầu cuối tại đây và 2 tuyến thông qua (số 37, 57).
Các tuyến buýt kết nối với ga Yên Nghĩa bao gồm cả các tuyến buýt kết nối ra khu vực ngoại thành (Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Túc, Vân Đình, Thanh Oai, Xuân Mai, Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất…) và các tuyến buýt kết nối với khu vực nội thành đi vào trung tâm thành phố.
Tại ga Yên Nghĩa có bố trí cầu vượt đi bộ kết nối trực tiếp với các tuyến buýt có điểm đầu cuối tại bến xe Yên Nghĩa.
Còn tại ga Cát Linh, có 8 tuyến buýt kết nối (số 18, 23, 50, 90, BRT01, 25, 99, 38). Trong đó, kết nối với ga Cát Linh trên đường Giảng Võ có 5 tuyến là 38,18, 23, BRT01, 90.
Kết nối với ga Cát Linh (đường sắt Cát Linh - Hà Đông) trên đường Hào Nam có 4 tuyến là 90, 25, 50, 99 riêng đối với tuyến buýt số 38 chỉ kết nối với ga Cát Linh theo một chiều từ Giảng Võ đi Núi Trúc.
Các tuyến buýt kết nối với ga Cát Linh hiện nay hầu hết là các tuyến buýt thông qua, chỉ có tuyến buýt số 90 (Hào Nam - Nội Bài) có điểm đầu cuối tại ga Cát Linh.
Tuyến có tần suất cao nhất từ 3 - 5 phút/ lượt là tuyến BRT, còn lại các tuyến dao động từ 12 - 15 - 20 phút/ lượt....
Bao nhiêu lâu sẽ có 1 tàu dừng ở ga?
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 4 toa, mỗi toa chở 240 hành khách, mỗi chuyến chở 960 hành khách.
Về tần suất, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có biểu đồ hoạt động giờ cao điểm 6 phút/chuyến, bình quân có 10 chuyến/giờ/hướng.
Trong 15 ngày chạy miễn phí, 7 ngày đầu vận hành 4 đoàn tàu, giãn cách 15 phút, 8 ngày tiếp theo vận hành 6 đoàn tàu, giãn cách 10 phút. Sau đó, trong 6 tháng đầu khai thác, dự kiến vận hành 6-9 đoàn tàu, tương ứng thời gian giãn cách 6 phút, 10 phút/chuyến. Khi vận hành 6 đoàn, sau 10 phút lại có tàu dừng tại ga, còn vận hành 9 đoàn tàu, chỉ sau 6 phút sẽ có tàu dừng tại ga đón, trả khách.
16 khuyến nghị 'phòng ngừa rủi ro' cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Trước đó, tư vấn ACT của Pháp đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ phạm vi công việc bao gồm công trình và thiết bị. Theo báo cáo của Tư vấn ACT, phần hệ thống thiết bị có 16 khuyến nghị bao gồm: Nhóm liên quan đến hồ sơ tài liệu; nhóm liên quan đến thiết kế cần khắc phục hiện trường và có thể tiếp tục cải tiến, nâng cao mức độ an toàn trong tương lai; nhóm liên quan đến sự sẵn sàng vận hành của các nhân sự. Đây là những khuyến nghị mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác dự án.
Bộ GTVT cũng khẳng định, các đoàn tàu đã đầy đủ hồ sơ chứng minh chất lượng theo chỉ dẫn kỹ thuật được duyệt về độ bền, khả năng ứng cứu trong các trường hợp khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn.
Đơn vị sản xuất và nhà thầu cung cấp đoàn tàu cũng cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn đoàn tàu.
Về một số nội dung khác, như hệ thống hút gió riêng biệt sử dụng khi có sự cố cháy nổ; chưa có hệ thống cảnh báo cháy tự động; không có hệ thống tự động mở cửa khoang khách trong tình huống khẩn cấp, một số khuyến cáo cần đầu tư thêm (hỗ trợ người khuyết tật, lắp thêm rào chắn ke ga…)… Bộ GTVT cho biết, một số nội dung sẽ được bổ sung khi đưa tàu vào khai thác, một số nội dung sẽ được bố trí thêm nhân sự, biển báo để hướng dẫn hành khách.
Xem thêm: Kinh đô Thăng Long - Hà Nội và ký ức về những lần thành trống, nhà không trong lịch sử
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận