F0 bị tiêu chảy có cần uống thuốc không?

Tiêu chảy là 1 trong những triệu chứng dễ gặp ở F0. Vậy khi bị tiêu chảy, F0 cần phải làm gì, có nên uống thuốc không?

Đỗ Thu Nga
10:56 17/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

3 khả năng khiến F0 bị tiêu chảy

Virus làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa khiến cho F0 bị tiêu chảy. Kể cả sau khi âm tính, nhiều người vẫn bị tiêu chảy. Trường hợp này có thể do niêm mạc đường tiêu hóa bị tổn thương kéo dài, chưa thể phục hồi ngay.

Nói về nguyên nhân F0 bị tiêu chảy, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ:

- Thứ nhất, F0 bị tiêu chảy có thể do uống quá nhiều thuốc. Có nhiều trường hợp thấy mình là F0 lo lắng quá vội uống nhiều thuốc, nhiều kháng sinh dẫn đến tiêu chảy. Để xử lý tình trạng này, F0 nên ăn sữa chua, men tiêu hóa.

F0-bi-tieu-chay-co-can-uong-thuoc-khong-8
Tiêu chảy là một trong những triệu chứng khá phổ biến của người bệnh mắc COVID-19

- Thứ hai, nhiều F0 lo lắng, tập trung bồi bổ sức khỏe, có người không hợp sữa cũng cố uống, có người uống nhiều vitamin gây đầy bụng, đủ các loại dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ Khanh cho rằng, những trường hợp thế này không nên cố ăn để tránh gây tiêu chảy. F0 có thể tự điều chỉnh thức ăn, bù nước để cải thiện tình trạng.

- Thứ ba, F0 bị tiêu chảy do virus. Người bệnh khi nhiễm virus SARS-CoV-2 ngoài các biểu hiện về hô hấp còn có các triệu chứng về bệnh đường tiêu hóa như nôn ói, tiêu chảy. Đây cũng là hiện tượng bình thường vì khi nhiễm virus, tiêu chảy là cách đào thải virus ra bên ngoài thông qua đường tiêu hóa. Khi thải ra đường tiêu hóa thì virus kích thích đường tiêu hóa gây tiêu chảy. 

F0 bị tiêu chảy có cần uống thuốc không?

PGS Trần Ngọc Ánh - trưởng khoa nội tổng hợp, chuyên ngành tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ: Tiêu chảy là triệu chứng thường gặp ở các bệnh nhân sau khi nhiễm virus. Một số nghiên cứu cho thấy, COVID-19 khiến tăng men gan gây rối loạn tiêu hóa.

Người bệnh có thể bị tiêu chảy 3 - 5 lần trong ngày. Với trường hợp tiêu chảy dưới 5 lần, bệnh nhân có thể uống nước, bù điện giả, không cần dùng kháng sinh. Sau 3 - 5 ngày sẽ khỏi bệnh.

F0-bi-tieu-chay-co-can-uong-thuoc-khong-7
F0 bị tiêu chảy cần bù điện giải

Với trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy trên 5 ngày hoặc phân có dịch nhầy hay máu thì cần phải chú ý hơn. Lúc này, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám xem nguyên nhân là gì để có phương án điều trị.

Để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy sau khi bị COVID-19, bác sĩ Tiến khuyến cáo: Người bệnh chỉ dùng kháng sinh khi được sự chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, hậu COVID-19 cần có chế độ ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, hạn chế đồ ăn dầu mỡ… để hệ tiêu hóa phục hồi.

Trẻ F0 bị tiêu chảy phải làm sao?

Theo Tiêu hóa Canada (Canadian Digestive Health Foundation), triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, nôn gặp ở hơn 50% số các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Trong số các bệnh nhân có vấn đề về tiêu hóa thì đến 67% số bệnh nhân có tiêu chảy. Nguyên nhân là do virus xâm nhập và làm tổn thương tế bào đường ruột, tăng tính thấm của tế bào đường ruột gây tiêu chảy. Ngoài ra, SARS- CoV-2 cũng gây thay đổi thụ thể tiếp nhận của các enzyme gây thay đổi hệ vi sinh đường ruột.

Đối với tình trạng trẻ bị tiêu chảy do COVID-19, bác sĩ Vũ Thị Việt Chinh - nhóm Bác sĩ hướng dẫn điều trị bé F0, khuyến cáo phụ huynh cần cho trẻ uống thêm dịch, bổ sung kẽm, tiếp tục cho ăn và theo dõi các dấu hiệu để đưa trẻ đi khám ngay khi thấy các dấu hiệu bất ổn. Dưới đây là những lưu ý cụ thể từ bác sĩ:

1. Uống thêm dịch

Đối với trẻ nhỏ, trẻ cần được bú mẹ thường xuyên và mỗi cữ bú lâu hơn. Trẻ lớn hơn cần uống thêm các loại nước như: dung dịch oresol, canh, nước cháo, hoa quả, nước đun sôi để nguội; tránh cho con uống nước đường, nước ngọt công nghiệp. 

Các mẹ cần chú ý khi tự pha oresol khi mua dạng gói, pha đúng tỷ lệ theo khuyến cáo trên bao bì. "Nhiều mẹ có suy nghĩ pha đặc để uống được nhiều hơn, điều này là sai lầm và sẽ làm tình trạng mất nước của con thêm nặng nề", bác sĩ Chinh chia sẻ.

Cách uống:

- Cho trẻ uống thường xuyên từng ngụm nhỏ bằng cốc hoặc thìa.

- Nếu trẻ nôn, đợi 10 phút, sau đó tiếp tục cho trẻ uống nhưng chậm hơn.

- Tiếp tục cho uống thêm các loại nước cho đến khi ngừng tiêu chảy.

Lượng dịch cần bù theo số tuổi:

F0-bi-tieu-chay-co-can-uong-thuoc-khong-6

2. Bổ sung kẽm

Theo nghiên cứu, kẽm có tác dụng tốt trong việc phục hồi biểu mô ruột. Do đó, việc bổ sung kẽm sẽ giúp giảm thời gian chảy, giảm số lượng phân, độ nặng và thời gian mắc bệnh của trẻ. Các mẹ có thể bổ sung kẽm cho con theo liều lượng như sau:

- Trẻ bằng hoặc nhỏ hơn 6 tháng: 10mg kẽm một ngày.

- Trẻ lớn hơn 6 tháng: 20mg kẽm một ngày.

Dùng trong 10-14 ngày và cần theo sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

3. Thực phẩm nên dùng cho trẻ bị tiêu chảy

Cha mẹ nên cho trẻ ăn theo nhu cầu, khuyến khích trẻ con chán ăn, cho ăn từng lượng nhỏ, cần tránh đưa một khối lượng lớn thức ăn vì tăng gây kích thích ở ruột. Ngoài ra, cha mẹ nên bổ sung lipid từ dầu thực vật; giảm chất xơ và đồ ngọt trong những ngày đầu; và sử dụng các thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất khoáng như: chuối nhiều K, thịt gà nhiều kẽm, cà rốt, bí đỏ nhiều vitamin A.

Một số thực phẩm nên dùng cho trẻ tiêu chảy:

- Chuối: dễ tiêu hóa và hấp thu, bổ sung K do mất đi trong tiêu chảy. Chuối cũng giàu pectin và inulin là chất xơ hòa tan giúp hấp thu dịch trong lòng ruột.

- Gạo: ít chất xơ nên dễ tiêu hóa và hấp thu.

- Táo: giàu pectin, nên đun chín nước táo thì chất xơ sẽ dễ hấp thu hơn.

- Sữa chua: cung cấp hệ vi khuẩn cho đường ruột.

- Thịt: là nguồn dinh dưỡng cung cấp rất tốt protein và các dưỡng chất quan trọng khác.

Một số thực phẩm không nên dùng:

- Đồ ăn nhanh.

- Sản phẩm từ sữa: bơ, phomat, kem, sữa. Vì khi bé tiêu chảy, một phần men tiêu hóa đường lactose sẽ bị mất đi gây nên tình trạng không dung nạp đường làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột.

- Sản phẩm có nhiều đường đơn: nước ngọt, kẹo, bánh.

- Thực phẩm sinh hơi: đậu đỗ, cải bắp, súp lơ, hành, cải xanh.

- Thực phẩm nhiều chất béo: làm tăng co bóp ruột.

Sau khi trẻ khỏi tiêu chảy, cha mẹ cho con ăn thêm một bữa ngoài những bữa ăn bình thường trong ngày khoảng 2 tuần để đảm bảo hồi phục cân nặng.

Một lưu ý rất quan trọng: Trong quá trình trẻ bị tiêu chảy do COVID-19, cha mẹ cần theo dõi sát sao, khi có biểu hiện khác thường thì cần xin tư vấn ngay từ phía bác sĩ.

Xem thêm: Khi nào cần đi khám hậu COVID-19?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận