Duy ngã độc tôn nghĩa là gì?

"Duy ngã độc tôn" khởi nguồn từ sự kiện Bồ tát ra đời. Theo đó, khi Bồ tát vừa sinh thì bước đi 7 bước, dưới mỗi bước chân nở ra một đóa hoa sen, đến bước thứ bảy thì dừng lại, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất nói: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn".

Đỗ Thu Nga
07:32 19/01/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Duy ngã độc tôn nghĩa là gì?

Hình ảnh đức Phật lúc sơ sinh đi trên 7 hoa sen và khẩu hiệu "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" thường xuất hiện nhiều trong mùa Phật đản. Khẩu hiện đó được xem là phổ biến trong Phật  giáo. Tuy nhiên, khi tra cứu Kinh tạng thì hầu hết trong các kinh điển Hán tạng rất ít (hoặc không) dùng "duy ngã độc tôn - 唯我獨尊” mà chủ yếu là "duy ngã vi tôn - 唯我為尊",  chẳng hạn như:

1) Trong kinh Tu Hành Bản Khởi, Q1 – ĐCTT, T3, tr 463C có chép bài kệ cho lễ Phật đản sau:

“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn // Tam giới giai khổ, ngô đương an chi”  – có nghĩa:  Trên trời dưới trời, chỉ nơi bậc giác ngộ là tôn quý // Ba cõi đều khổ, sự giác ngộ sẽ làm cho chúng sanh an lạc.

2) Trong kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi, q1, ĐCTT, T3, tr 473C, có chép bài kệ cho lễ Phật đản sau:

“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn. Tam giới giai khổ, hà khả lạc giả?” –  có nghĩa:  Trên trời dưới trời, chỉ nơi bậc giác ngộ là tôn quý // Ba cõi đều khổ, ai là người có thể đem lại sự an lạc?

3) Trong kinh  Sơ-Ðại Bản-Duyên - Trường A hàm Q1, có chép bài kệ cho lễ Phật đản sau:

“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn // Yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử”  –  có nghĩa:  Trên trời dưới trời, chỉ nơi bậc giác ngộ là tôn quý // Việc cần yếu là độ chúng sanh chủ động trong sanh già bệnh chết.

duy-nga-doc-ton-nghia-la-gi
Hình ảnh Phật vừa được sinh ra đã đi trên 7 đài hoa sen và chỉ tay lên trời

4) Theo kinh Trường A Hàm I, “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử” (Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tôn quý, việc quan trọng nhất ‘của ta’ là độ chúng sanh thoát ly sanh già bệnh chết – Kinh Đại Bổn Duyên).

5) Kinh Tu Hành Bản Khởi ghi: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Tam giới vi khổ, ngô đương an chi” (Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tôn quý nhất. Ba cõi đều khổ, Ta sẽ làm cho chúng sanh an lạc – Đại Chính Tân Tu [ĐCTT], T3, tr.463C) (Phật pháp bách vấn (PPBV) – tập II).

6) Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi quyển Thượng chép: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn. Tam giới giai khổ, hà khả lạc giả?” (Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tôn quý nhất. Ba cõi đều khổ, ai là người có thể đem lại sự an lạc? – ĐCTT, T3, tr.473C) (PPBV – tập II).

7) Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi thuật: “Thiên thượng thiên hạ, tôn vô quá ngã giả” (Trên trời dưới trời, bậc tôn quý nhất không ai bằng Ta – ĐCTT, T3, tr.618A) (PPBV – tập II).

8) Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả, “Ngã ư nhất thiết thiên nhân chi trung tối tôn tối thắng. Vô lượng sanh tử ư kim tận hỷ” (Ta, đối với tất cả hàng trời người là bậc tối tôn tối thắng. Vô lượng sanh tử từ nay chấm dứt – ĐCTT, T3, tr.625A) (PPBV – tập II).

9) Kinh Phật Bản Hạnh Tập, “Thế gian chi trung, ngã vi tối thượng. Ngã tùng kim nhật, sanh phần dĩ tận” (Ở trong thế gian, Ta là bậc cao nhất. Từ nay, việc sanh tử của Ta đã đoạn tận – ĐCTT, T3, tr.687B) (PPBV – tập II).

Qua các đoạn kinh trích dẫn, chúng ta hiểu được chữ Ngã trong các ngữ cảnh trên chỉ Đức Phật (Ngã = Ta = Phật). Đến nay, duy ngã đã được giải thích nhiều nhưng chưa thỏa đáng. Câu "duy ngã độc tôn" nhằm thần thánh hóa cho một ý nghĩa triết học nào đó hơn là giá trị lịch sử.

Lịch sử đã cho biết, khi Thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhattha) chào đời chưa chắc ngài đã đi tu, vì tiên A Tư Đà (Asita) tiên đoán, có hai con đường để Thái tử lựa chọn: “Ở đời làm chuyển luân thánh vương; xuất gia làm Phật”. 

duy-nga-doc-ton-nghia-la-gi-9
Tượng Phật đản sanh

Do đó có thể thấy rằng, về mặt hiện thực, Thái tử đã sinh ra đời cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, như thế sẽ không thể cất được tiếng nói vào lúc sinh ra. Vậy, chúng ta có thể đặt vấn đề là, vì sao câu ấy được nêu trong các kinh? Có từ thời nào? Nó mang ý nghĩa gì? Và, đó cũng là điều nghi vấn về sự mâu thuẫn giữa lịch sử và triết lý Phật giáo. Tác giả cho rằng, câu “Duy ngã độc tôn” có thể được thêm vào trong những trường hợp sau:

- Một là sau sự kiện thành đạo vĩ đại của Đức Phật, được người đương thời tôn xưng dệt nên sự kiện siêu phàm đó; 

- Hai, sau khi Đức Phật Niết Bàn, hàng đệ tử biên tập kinh điển đã thêm vào, nhằm đề cao nhân cách của một bậc vĩ nhân phải khác với con người trần thế; 

- Ba, tư tưởng Đại thừa đã đạt đến trình độ cao, đưa ra triết lý Phật tính bình đẳng trong tất cả chúng sanh. Và, tác giả thấy ý nghĩa thứ ba là làm nổi bậc nhất trong cụm từ “Duy ngã độc tôn”.

Nhưng đến giai đoạn Phật giáo Đại thừa phát triển thì các vấn đề được mở rộng hơn: Vô ngã chưa phải là điểm dừng, chưa phải là mục đích tối thượng. Theo quan niệm của Đại thừa: vô ngã chưa phải thật là Niết Bàn, vô ngã chỉ là tiền đề quan trọng để đạt đến Niết Bàn. Kinh Đại Bát Niết Bàn cho rằng, Thường – Lạc – Ngã – Tịnh mới là thật nghĩa của Niết Bàn. Vì vậy, cái gì được gọi là Ngã thì phải đáp ứng với các yếu tố: Thường nhất bất biến, không do yếu tố khác để tồn tại, tự tại tự chủ, vượt ngoài đối đãi. Vô ngã không phải là không có, nếu chân không mà không diệu hữu thì không có tác dụng.

Kinh Đại Bát Biết Bàn nói rằng: “Vô ngã là sanh tử, ngã là Như Lai”. Vì vô ngã là tiền đề vào Niết Bàn, phải vượt qua các khái niệm về vô ngã, phá vỡ bức màn the “vô ngã” thì chúng ta mới thật đạt được sự giải thoát rốt ráo, tức Niết Bàn. Đây là ý nghĩa quan trọng để làm sáng tỏ được cụm từ “Duy ngã độc tôn”.

Từ đó có thể thấy, duy ngã có nhiều ý nghĩa:

1/ Duy ngã là chỉ có sự giác ngộ, bởi giác ngộ là thành Phật. Đó là sự tối tôn ở đời;

2/ Duy ngã là chỉ có chân ngã, là cái diệu hữu mầu nhiệm, tức là khi đạt được chân không rốt ráo;

3/ Duy ngã là chỉ có Phật tánh trong mỗi chúng ta ‘là tôn quý nhất’, vì mỗi chúng sanh đều có Phật tánh và sẽ thành Phật;

4/ Duy ngã là pháp thân thường trụ, là bản thể của ba đời chư Phật và của tất cả chúng sanh. Với ý nghĩa này nên, kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Ai thán, Đức Phật đã nêu: “Ngã” chính là thật nghĩa của Phật, “Thường” chính là thật nghĩa của Pháp Thân, “Lạc” là thật nghĩa của Niết Bàn, “Tịnh” là thật nghĩa của Pháp.

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận