Đoạn NLXH 200 chữ từ câu chuyện đáng suy ngẫm

Đoạn văn nghị luận dưới đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều tư liệu và góc nhìn cho việc học văn, viết văn.

Đoạn NLXH 200 chữ từ câu chuyện đáng suy ngẫm

Đoạn văn nghị luận dưới đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều tư liệu và góc nhìn cho việc học văn, viết văn.

ĐỀ BÀI:

Đọc câu chuyện sau:

"Tên bạn là gì?" Coraline hỏi chú mèo. "Tên tớ là Coraline."

"Mèo không có tên", con mèo đáp.

"Không có tên á?", Coraline hỏi lại.

"Không. Chỉ con người mới có tên, vì con người không biết mình là ai. Bọn mèo chúng tôi tự biết mình là ai, nên không cần tên..."

Viết một đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh (chị) về lời thoại: "Không. Chỉ con người mới có tên, vì con người không biết mình là ai. Bọn mèo chúng tôi tự biết mình là ai, nên không cần tên...".

BÀI LÀM:

“Không. Chỉ con người mới có tên, vì con người không biết mình là ai. Bọn mèo chúng tôi tự biết mình là ai, nên không cần tên..." Câu nói này của nhân vật chú mèo trong câu truyện giả tưởng huyền bí “Coraline” đã làm tôi giật mình tự hỏi: Trong cuộc sống, liệu mỗi chúng ta đã định vị được chính bản thân mình hay chưa? Định vị bản thân tức là biết mình đang có gì, muốn làm gì và cần làm gì. Trong guồng quay gấp gáp của xã hội ngày nay đôi lúc ta chưa thực sự hiểu được chính mình mà chỉ đang mải chạy theo những điều số đông theo đuổi. Định vị bản thân sẽ giúp ta nghe được chính giọng nói của mình trong vô vàn tiếng ồn trộn lẫn, giúp ta thấy được chính mình trong hàng ngàn chiếc bóng thành công của kẻ đi trước. Tương lai không phải là một con đường mà là một mảnh đất trống. Ta luôn cần tiến về tương lai đó nhưng cũng cần là người mở đường cho chính hành trình của mình. Suy cho cùng, cái tên hay định danh cũng chỉ có giá trị khi nó phục vụ cho việc ta định vị được chính bản thân mình. Một khi bạn “tự biết mình là ai”, ta sẽ kiên cường hơn trước những khó khăn, “cứng đầu” hơn trước những thử thách và tin tưởng hơn vào những gì bản thân mình đang sở hữu. Câu nói của chú mèo làm tôi chợt nhớ tới nhà thiên văn học Galileo Galilei. Ông đã dành cả cuộc đời và tính mạng mình để đấu tranh cho thuyết nhật tâm. Ông tin đó là sự thật bởi ông có cơ sở nghiên cứu, ông định vị được bản thân, biết mình làm gì giống như cách ông định vị mặt trời và trái đất vậy. Nhìn lại bản thân khi 16, 17, tôi vẫn thường hay quay cuồng trong mơ câu hỏi “Mình là ai?”, “Mình sống vì mục đích gì?”. Nhưng tôi của hiện tại đã khác hơn, đã biến mình phải phấn đấu như thế nào cho mục tiêu phía trước. Không điều gì tự nhiên xuất hiện, tự nhiên mà thành. Tôi và bạn hãy cứ từng bước cố gắng thử thật nhiều thứ, cố gắng thật nhiều việc mỗi ngày để tìm ra bản thân, rồi để bản thân tìm ra những tọa độ cho riêng mình. Có như vậy thì thành công mới mỉm cười với chúng ta.

Xem thêm: NLXH 200 chữ: Ý nghĩa khát vọng sống của con người