Mục sở thị "phim trường" chính của Bố Già: Một 'lát cắt' chân thật và đầy thú vị của Sài Gòn

Con hẻm ở đường Nguyễn Kiệm (quận 4) là bối cảnh chính trong bộ phim Bố Già. Hẻm là "đặc sản" của Sài Gòn.

Mục sở thị "phim trường" chính của Bố Già: Một 'lát cắt' chân thật và đầy thú vị của Sài Gòn

Con hẻm ở đường Nguyễn Kiệm (quận 4) là bối cảnh chính trong bộ phim Bố Già. Hẻm là "đặc sản" của Sài Gòn.

"Mấy anh chị có sống ở hẻm chưa? Bất kì con hẻm nào ở Sài Gòn cũng chứa đựng vạn điều kì thú ở trong đó". Trấn Thành đã mở đầu câu chuyện về cuộc sống của Bố con Ba Sang, Woắn, Bù Tọt bằng câu nói đặc biệt này. Dưới hàng chục mái nhà san sát, có hàng trăm con người cùng sinh sống, trưởng thành trong những con hẻm quanh co, nối đuôi nhau. Hẻm là một "đặc sản" của Sài Gòn.

Bối cảnh chính trong phim Bố Già là con hẻm ở đường Nguyễn Kiệm (quận 4). Nó nằm dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ. Con hẻm bao năm yên bình tĩnh lặng trở nên nhộn nhịp hơn khi có đoàn làm phim Bố Già về quay. Nhưng khi phim đóng máy, nó lại trở về với đúng bản thân nó: yên ắng, nên thơ theo cách đặc trưng của Sài Gòn.

Con hẻm "Bố Già" được giới thiệu trong trailer phim Bố Già của Trấn Thành

Được biết, cảnh quay one shot đặc biệt của phim với hơn 100 diễn viên, quay trong 100 giờ, tốn khoảng 1 tỷ đồng được làm trong chính con hẻm này. Góc quay của đạo diễn lia từ cầu Nguyễn Văn Cừ đổ xuống con hẻm khiến khán giả cảm giác như mình đang được "mục sở thị" một "xã hội thu nhỏ" trong lòng con hẻm.

Đó là con hẻm với rất nhiều những đứa con nít nghịch ngợm, là tiếng ồn ào của cặp vợ chồng gây gổ sáng đêm, là cơm sườn nép trong góc hẻm... Cảnh vật, con người được tái hiện trong Bố Già tạo nên một bức tranh chân thật về 1 trong vô số những con hem của Sài Gòn. 

Sau khi phim Bố Già công chiếu, rất nhiều khán giả thắc mắc không biết cuộc trong con hẻm đó đời thường sẽ ra sao, liệu có thực sự ồn ào như trong phim không? Đặt chân vào trong con hẻm, bạn sẽ nghe thấy tiếng con nít, tiếng rao cà phê, tiếng chào hỏi, tiếng quạt tay... rất đặc trưng của Sài Gòn.

Theo một số thông tin có được, hẻm "Bố Già" thuộc khu vực đang giải tỏa nên thưa dân, nhiều nhà đã di dời đi nơi khác sinh sống. Hiện chỉ còn khoảng 65 hộ gia đình. Con hẻm "Bố Già" mang đặc trưng rất Sài Gòn. Có quán cóc nhỏ, có trẻ con nô đùa, buổi trưa các vụ già ngồi trước hiên phe phẩy cánh quạt.

Phim Bố Già quả thực đã giúp chúng ta nhìn thấy một con hẻm rất Sài Gòn, rất nên thơ, bình yên. Một con hẻm mang bao ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ Sài Thành. 

Nhà bà Thủy (người dân trong hẻm) chính là ngôi nhà "hàng xóm" cạnh nhà cô Cẩm Lệ (Lê Giang thủ vai trong phim Bố Già). Khi được hỏi chuyện về con hẻm, bà kể: "Tôi sinh ra và lớn lên trong con hẻm này, đến nay đã 70 tuổi. Tôi đã có biết bao kỷ niệm với con hẻm này, từ thời con gái cho đến lúc tóc đã điểm bạc. Ở đây muốn vào chợ lớn rất gần, sang phía cầu Ông Lãnh cũng thuận tiện. Cuộc sống ở đây rất êm đềm". 

Bà Thủy sinh ra, lớn lên và già đi ở trong con hẻm "Bố Già"

Theo bà Thủy, do nhà bà có người lớn tuổi nên không cho đoàn phim Bố Già thuê được. Nhưng những ngày đoàn phim về xóm đông vui, náo nhiệt hơn hẳn. Thậm chí có gia đình ăn ngủ cùng đoàn do họ cho đoàn phim mượn nhà để diễn.

Người dân trong hẻm mến người, nhiệt tình. Cứ đoàn phim thiếu cái gì là lại cho mượn cái đó. Cái tính hào sảng của người Sài Gòn thể hiện rõ nhất trong những ngày đoàn làm phim đến. Người ta mến đoàn phim, quý Trấn Thành nên nhờ gì cũng giúp, thân tình lắm.

Trong suốt 2,3 tháng đoàn làm phim ở đây, người dân cũng dần quen với nếp sống ồn ào. Giờ có ai đến, người ta gọi căn nhà Trấn Thành, Lê Giang từng ở là "nhà của ba Sang", "nhà may cô Cẩm Lệ"... Người dân trong hẻm còn sẵn sàng làm "hướng dẫn viên" miễn phí khi có người đến "mục sở thị" phim trường của đoàn phim Bố Già. Người ta chỉ: "Chỗ này là chỗ diễn cảnh trong buổi tiệc nè", "Khúc kia là làm nhà bà Hai (NSND Ngọc Giàu thủ vai", "Khúc này là khúc diễn cảnh nước ngập"... 

Người dân hẻm "Bố Già" nhiệt thành, chất phác, khi được hỏi đã xem phim Bố Già chưa, họ  trả lời: Rất quý Trấn Thành nhưng bao giờ có tiền thì sẽ ra rạp xem phim. Khi nghe kể về sự thành công của phim Bố Già, ai nấy trong hẻm cũng vui mừng. Họ nói, chưa được ra rạp xem nhưng vẫn hay xem các đoạn trailer của phim, cập nhật tin tức về bộ phim và chẳng ngờ, hẻm lên phim đẹp thế.

Chắc chắn, ai nấy vào hẻm "Bố Già" cũng cảm nhận được sự chân thành, hào sảng đặc trưng của người Sài Gòn. Ai nấy bước ra khỏi con hẻm cũng sẽ cảm thấy vương vấn về một con hẻm rất Sài Gòn.

Diễn viên nào trong phim Bố Già không được xem phim mình đóng?