Lan tỏa việc tốt: Đội công tác xã hội thanh niên TP.HCM - chiếc nôi kết nối bạn trẻ giàu lòng nhân ái

35 năm ra đời, Đội công tác xã hội thanh niên TP.HCM có thể nói là mô hình đầu tiên tại TP.HCM gắn kết những bạn trẻ giàu lòng nhân ái cùng mong ước làm việc thiện giúp đời giúp người.

Lan tỏa việc tốt: Đội công tác xã hội thanh niên TP.HCM - chiếc nôi kết nối bạn trẻ giàu lòng nhân ái

35 năm ra đời, Đội công tác xã hội thanh niên TP.HCM có thể nói là mô hình đầu tiên tại TP.HCM gắn kết những bạn trẻ giàu lòng nhân ái cùng mong ước làm việc thiện giúp đời giúp người.

"Ra đời ngày 24-9-1988 và thuộc Thành Đoàn TP.HCM với 20 thành viên đầu tiên mong muốn tự nguyện góp sức chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh. 

Đội như một cách thức tập hợp thanh niên mới ở thời điểm ấy" - ông Phan Thế Lực, đội trưởng thứ hai của đội, nhớ lại.

"Những lứa đội viên đầu tiên của 35 năm trước vẫn gắn kết, cùng nhau thực hiện những chuyến đi đến các vùng miền còn khó khăn. Ngọn lửa nhân ái trong tim mỗi chúng tôi và các bạn hôm nay vẫn chung nhịp, góp sức cho cộng đồng, giúp những mảnh đời tươi sáng hơn", ông PHAN THẾ LỰC (đội trưởng thứ hai của đội) chia sẻ.

Những trái tim chung nhịp đập

Đội viên ngày ấy có học sinh, sinh viên, họa sĩ, bác sĩ, công nhân viên và cả người chưa có việc làm. 

Họ đến cùng nhau vì chung mong ước phải làm gì đó trước nỗi đau của những em sống lang thang các vỉa hè, nỗi khổ của bà con gặp thiên tai hỏa hoạn bất ngờ. 

"Nhiệm vụ của đội không chỉ hoạt động riêng lẻ mà còn khơi lên lòng nhân ái trong xã hội, chung tay chăm lo cho những hoàn cảnh bất hạnh", ông Lực nói.

Bà Thu Ba - một trong những cánh chim đầu đàn của đội - đến giờ vẫn lưu giữ bao ký ức của những chuyến tổ chức đón trung thu cho trẻ ngoại thành, đi thăm hỏi thương bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng... dù điều kiện khi đó nhiều khó khăn lắm. 

Khá nhiều hoạt động được đội tham gia như một đội hình phản ứng nhanh, sẵn sàng lên đường tham gia khắc phục hậu quả bão lũ khắp mọi miền đất nước.

Anh Nguyễn Cao Lễ, đội trưởng giai đoạn 1995 - 2006, cho biết mô hình của đội đã được nhân rộng ra các quận huyện, trường học của TP.HCM. 

Các bạn Đội công tác xã hội thanh niên TP.HCM làm sân chơi từ vật liệu tái chế tặng trẻ em ở nơi còn khó khăn

Một số tỉnh lân cận cũng đã học hỏi kinh nghiệm rồi thành lập mô hình tương tự tại địa phương. Anh Lễ nói đội không chỉ mời gọi thanh niên mà nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

"Hễ có tình huống cần trợ giúp, dấu chân của các đội viên đều xuất hiện kịp thời. Chính sự lan tỏa cách làm của đội đến nhiều nơi nên càng về sau đội càng có nhiều nội dung đi vào chiều sâu, thực hiện các dự án, chương trình dài lâu cho trẻ em, bà con các vùng khó khăn tại TP.HCM và các tỉnh thành, biên giới", anh Lễ nói.

123 ngày "tại chỗ" chống dịch

Những ngày TP.HCM oằn mình chống dịch COVID-19 hồi năm 2021 là những ngày nhiều đội viên của đội có mặt tại địa chỉ số 5 Đinh Tiên Hoàng (quận 1) trực chiến cùng gian bếp. Mỗi ngày, khoảng 15 - 30 người nấu 4.000 - 6.000 suất ăn gửi đi các khu cách ly, bệnh viện dã chiến.

Huỳnh Thị Hương, lúc ấy đang là sinh viên, đã xung phong ở tại chỗ suốt những ngày này. "Tôi cùng các bạn không thể nào quên những ngày đó, có hôm làm gần như kiệt sức. 

Lúc đầu nghĩ đi chừng một vài tuần, chứ đâu ai biết kéo dài thành 123 ngày dịch mới tạm ổn. Ngoài nấu ăn, chúng mình còn lo các túi an sinh gửi về khu phong tỏa, giãn cách", Hương kể.

Với Đỗ Đăng Khoa, thời điểm dịch là sinh viên năm cuối, đã biết đến đội qua fanpage liền đăng ký hỗ trợ bếp ăn và sau đó chính thức được kết nạp vào đội. 

"Tôi thấy được tinh thần cống hiến, phụng sự hết mình của mỗi người khi đoàn kết cùng nhau trong mọi việc. Tinh thần trách nhiệm, lý tưởng "luôn là bạn tốt của mọi người, sống có ích cho đời" của đội đã được từng bạn thấm nhuần, xem như động lực làm việc", Khoa chia sẻ.

Anh Võ Quốc Bình, đội trưởng hiện tại, cho biết hiện có hơn 180 đội viên đủ thành phần, lứa tuổi vẫn duy trì hoạt động thiện nguyện, một số chương trình thường xuyên hướng đến bà con và trẻ em tại các vùng bị lũ lụt, nơi còn nhiều khó khăn. 

Phối hợp cùng Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM, đội cùng làm chương trình "Cháo yêu thương" tặng suất ăn cho bệnh nhân nghèo và thân nhân tại nhiều bệnh viện. Trung bình mỗi năm tặng khoảng 10.000 suất ăn, tổng kinh phí 600 triệu đồng.

Thường xuyên nhất là các chương trình vui đón trung thu "Đêm trăng biên giới - sáng mãi biên cương" đem niềm vui đến cho trẻ em vùng biên viễn mỗi năm. Đội trưởng Võ Quốc Bình nói chăm lo cho các đối tượng khó khăn là tuyến hoạt động trọng tâm, nổi bật của đội.

Các bạn đi tặng quà cho các hộ gia đình nghèo, người già neo đơn, trẻ có hoàn cảnh khó khăn; xây và sửa chữa nhà tình bạn, đồng đội, tình nghĩa, tình thương; kết hợp khám bệnh, phát thuốc và tư vấn sức khỏe miễn phí cho bà con, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; trao học bổng và dụng cụ học tập cho học sinh nghèo; bữa cơm nghĩa tình cho người già neo đơn, người vô gia cư...

(Theo Tuổi trẻ)

Xem thêm: Lan tỏa việc tốt: Chuyện về những "thiên thần" không đôi cánh