"Mẹ tôi trước tự đi lại được, nhưng từ ngày bị lòa làm gì cũng phải dựa vào con", bà Nguyễn Thị Hạt, 74 tuổi, ở thôn Phạm Khê, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện (Hải Dương) vừa nói vừa xốc nách bà cụ 122 tuổi rời khỏi giường, đi vệ sinh.
Thấy kim đồng hồ chỉ 11h, người phụ nữ này xuống bếp, xới bát cơm, chia khoanh giò mỏng thành ba phần cho các bữa của mẹ. Phần mình, bà chỉ ăn cơm với rau tự trồng trong vườn nhà.
Mẹ bà Hạt là cụ Nguyễn Thị Cơ, sinh năm 1901. Hàng chục năm nay cụ được con gái út là bà Hạt chăm sóc bởi con đầu lấy chồng xa, các cháu kinh tế cũng eo hẹp.
Hồi trẻ, bà Hạt định ở vậy, không lấy chồng vì thương bố mẹ. Năm bà 28 tuổi, gặp được người cảm thông hoàn cảnh, hứa ở rể, bà quyết định lập gia đình. Nhưng khi bà mang bầu được bốn tháng, người chồng đổi ý muốn vợ con phải về nhà nội cách đó 20 km. Cụ Cơ cũng khuyên "thuyền theo lái, gái theo chồng" nhưng cảnh nhà neo người, bố ốm liệt giường, bà Hạt nuốt nước mắt ở lại. Cuộc hôn nhân cũng vì thế đứt gánh giữa đường.
Cô quạnh nhiều năm, từng có người ngỏ lời nhưng nhìn sang con nhỏ và bố mẹ già yếu, nỗi sợ từ cuộc hôn nhân trước vẫn chưa nguôi, bà Hạt ngậm ngùi từ chối. "Nếu tôi lo hạnh phúc cho riêng mình, người thân biết nương tựa vào ai", bà nói. Từ đó đến nay, người phụ nữ này không mở lòng với bất kỳ người đàn ông nào.
Cuối năm 1982, gia đình bốn người còn ba, khi người bố mất vì bệnh nặng. Ba miệng ăn trông chờ vào bốn sào ruộng, không có nghề phụ. Mâm cơm thi thoảng được đổi bữa bằng con cua, con cá bắt ngoài đồng, nhưng bà Hạt đều nhường người thân. Có lẽ vì thế mà mấy chục năm nay cân nặng của bà chỉ trên dưới 33 kg.
Trước đây, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào trồng lúa. Từ ngày cụ Cơ mắt mờ, chân chậm, không tự đi lại, bà Hạt đành bỏ ruộng hoang. Kể từ đó, hai mẹ con sống nhờ 1,3 triệu đồng mỗi tháng tiền trợ cấp người cao tuổi của cụ Cơ.
Không làm ra tiền nên trong nhà dù có cái tivi, quạt điện cũ người ta cho, bà Hạt không bao giờ dám bật vì sợ tốn điện. Trong nhà chỉ có hai thứ được phép dùng điện là một cái bóng đèn và nồi cơm. Để tiết kiệm, trước khi cắm cơm bà dùng bếp củi đun sôi ấm nước rồi mới đổ vào nồi để cơm nhanh chín.
"Chỉ có cách đó tiền điện hàng tháng mới gói gọn trong 50.000 đồng, vừa bằng số tiền nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo", người phụ nữ 74 tuổi nói.
Căn ke từng đồng bạc lẻ, đau ốm cũng không dám đến trạm xá vì sợ ra bệnh lại mất tiền nhưng hễ mẹ kêu mệt, bà Hạt lập tức gọi người đến khám, bởi suy nghĩ người già cần được chăm sóc chu đáo.
Ngoài cơm nước, tắm rửa, ngày đôi lần, bà dìu mẹ ra võng nằm cho giãn gân cốt, sau bật chiếc đài chạy bằng pin nghe văn nghệ, thứ duy nhất giúp họ được giải trí trong ngày. Mỗi đêm 4-5 lượt, con gái lại dẫn mẹ đi vệ sinh. Cũng vì thế mà nhiều năm nay bà Hạt chưa được một giấc ngủ trọn vẹn.
Người già tính khí như trẻ con, thi thoảng gọi không thấy con gái thưa, cụ Cơ lại hờn dỗi, bỏ ăn, khiến bà chạnh lòng, có lần tủi thân bật khóc. Nhưng mẹ dỗi thì được, con dỗi lấy ai chăm nên bà Hạt lại tự nín.
Ông Nguyễn Hữu Hằng, trưởng thôn Phạm Khê nói có lẽ được chăm sóc tốt nên ở tuổi 122, cụ Cơ trí nhớ khá tốt, ít ốm đau. "Dù cao tuổi nhất thôn, nhưng tóc cụ vẫn đen, thậm chí răng hàm và răng cửa đang mọc lại", ông Hằng cho biết. Thỉnh thoảng ông còn nói đùa "đi ăn cỗ phải để cụ Cơ ngồi mâm dưới bởi tóc cụ vẫn đen trong khi người kém vài chục tuổi đầu đã bạc trắng".
Về hoàn cảnh mẹ con bà Hạt, ông Hằng cho hay đây là một trong 7 hộ nghèo đặc biệt của thôn. Ngoài được hưởng bảo hiểm y tế toàn phần, cuối năm, gia đình cũng được tiền và quà hỗ trợ của nhà nước nhưng không thấm tháp vào đâu.
Trong căn nhà đã xây gần nửa thế kỷ, không có đồ vật gì giá trị, đến chiếc tủ gỗ gãy chân cũng được kê bằng những viên gạch xếp chồng lên nhau. Bà Hạt kể, trước đây tường đầy rêu mốc, vữa bong tróc từng mảng cũng đành để mặc. Mỗi lần mưa, nước trên mái tong tỏng rớt xuống, hai mẹ con gom xô chậu bày la liệt dưới nền gạch. Năm 2018, mái nhà bất ngờ đổ sập, ngói suýt rơi trúng đầu. Gia đình không có tiền, chính quyền và người thân hỗ trợ tu sửa, ốp nhựa quanh tường tróc vữa. Từ đó, cả nhà mới được yên giấc.
Không có sức lao động, sống nhờ tiền trợ cấp nhưng bà Hạt luôn tự hào vì ít phải vay nợ. Một phần bà lo bản thân già yếu không đủ sức chi trả, phần khác lại sợ phiền con cháu.
Thấy bà vất vả chăm mẹ già, nhiều người khuyên nhờ họ hàng giúp sức nhưng bà từ chối, bởi hiểu phận làm con nên tròn chữ hiếu. Bà nói ở tuổi của mình, không mấy ai còn được mẹ gọi tên mỗi ngày, mệt vẫn thấy hạnh phúc.
"Dù mẹ sức khỏe yếu, lúc nhớ lúc quên nhưng tôi vẫn nghĩ đó là phúc của mình. Mình còn mẹ để mà chăm sóc, phụng dưỡng", bà Hạt nói.
(Theo VnExpress)
Xem thêm: Thương cậu học trò nghèo nuôi mẹ mù lòa, ngập ngừng trước ngưỡng cửa đại học