Chức năng của văn chương: Đó là lăng kính soi chiếu tâm hồn

"Nhà văn rất cần thiết có mặt ở trên đời để làm công việc cảnh tỉnh nhân loại và báo hiệu trước những tai họa", Nguyễn Minh Châu.

Chức năng của văn chương: Đó là lăng kính soi chiếu tâm hồn

"Nhà văn rất cần thiết có mặt ở trên đời để làm công việc cảnh tỉnh nhân loại và báo hiệu trước những tai họa", Nguyễn Minh Châu.

01

Giây phút thư viện Alexandria - Nơi lưu giữ tinh hoa tri thức thời cổ đại bị thiêu rụi, tưởng chừng như cả thế giới đều chìm sâu trong biển lo lắng cho sự sống còn của các tác phẩm văn học đến từ nhiều nền văn minh khác nhau. Nhưng sức mạnh của văn chương là thứ không thể nào đong đếm được bằng những con số cụ thể, những cuộn giấy cói chứa những chữ tỏa sáng lấp lánh “bụi vàng” có thể bị thiêu đốt cùng ngọn lửa nhưng những tri thức đúng đắn, bài học đa chiều mà chúng đem đến vẫn ở lại với hậu thế, được truyền từ đời này sang đời khác trở thành nguồn cảm hứng sống bất tận. Tôi cũng nghĩ nhà văn nên như vậy, đứng trong bóng tối, đứng về phía những gì nhỏ bé đáng thương bị cuộc đời ruồng rẫy lãng quên, những tảng đá ngầm bên dưới mặt sông phẳng lặng, về những số phận nhỏ nhoi phải vật lộn để tồn tại, để sống từ những thảm cảnh khốn cùng.

02

Đóng vai là người thư kí trung thành của thời đại, nhà văn đã quan sát tỉ mỉ, thấu hiểu lòng người và cả tri thức của nhân loại, cứ như “trong bụng có ba vạn cuốn sách”. Nhờ vậy người đọc mới có thể ngắm nhìn cuộc sống 300 năm trước, ngồi ở Maxcova để được sờ tay vào những cột đá hoa ở Akaropon thông qua những thiên truyện; ngược dòng lịch sử để hiểu về thời bao cấp Tây Ta lẫn lộn, con người bị tha hóa đến cùng cực dưới ngòi bút của Vũ Trọng Phụng.

Văn chương giúp ta nhận ra hiểu thêm về tri thức của nền văn minh nhân loại, đáp ứng nhu cầu hiểu biết của con người về thế giới trong dòng chảy lịch sử, nhìn thấu bờ vực thiện ác, cho con người hiểu rằng không có ranh giới đúng sai mà bên trong mỗi chúng ta đều có “rồng phượng lẫn rắn rết”. Vậy nên, nhà văn phải như những người chiến sĩ trinh sát với chiếc cần ăng - ten nắm bắt nhanh nhạy trăm nghìn tín hiệu, làn sóng biến động của xã hội đồng thời hiểu thật sâu để "thả vào trang hoa" những tư tưởng đúng đắn và sâu sắc đến người đọc, giúp người đọc không chỉ hiểu người mà còn hiểu mình.

03

Không chỉ dừng lại ở việc làm sáng tỏ nghi vấn và thấu hiểu bản thân, văn chương còn ban tặng cho con người những xúc cảm đẹp đẽ, như chàng Samet gom góp những hạt bụi vàng, đúc thành bông hồng vàng đem tặng nàng Xuyzan xinh đẹp. Tất cả những tác phẩm văn chương từ trước đến nay đều xuất phát từ những cảm xúc mãnh liệt thôi thúc nhà văn đặt bút lên trang giấy, nó là nỗi băn khoăn, trăn trở, bức xúc, buồn bã, đớn đau, yêu thương, hạnh phúc, khóc trước cái hiện thực chua xót, đau trước thân phận khố rách áo ôm của con người, những cảm xúc thiên lương, đoan chính, mang một vẻ đẹp của nhân tính và đạo đức của người cầm bút. Và khi nó được phơi trải trên trang văn, đó là lúc độc giả đón nhận cái đẹp một cách tự nhiên nhất. Mấy ai đọc “Nhà thờ Đức Bà Paris” mà không thổn thức trước vẻ đẹp kinh diễm của nàng Esméralda và đau lòng trước tình yêu chân thành của thằng gù nhà thờ Đức Bà, mấy ai đọc “Đèn không hắt bóng” mà không nghiệm suy về sự sống của đời người sau khi chứng kiến cái chết lặng lẽ của bác sĩ Naoe Kyosuke và mấy ai đọc “Tro tàn rực rỡ” mà không xót xa khi chứng kiến Nhàn - người đàn bà tội nghiệp cả đời khao khát được chồng nhìn thấy nhưng “trong mắt Tam chỉ có đám cháy rực rỡ. Không có Nhàn.” Văn chương thật kì diệu, nó làm cho con người không thể nào vô cảm trước những số phận bi thảm, nó khiến con người phải xót xa và thôi thúc họ đi tìm vẻ đẹp ẩn giấu đằng sau mong ước của chàng gù, ước muốn quên đi nỗi đau thể xác dù chỉ trong chốc lát của bác sĩ Naoe và cả hi vọng thoát khỏi ngọn lửa khổ đau của Nhàn. Để rồi từ đó văn chương cảm hóa và thanh lọc tâm hồn con người, đem con người đến xứ sở của cái đẹp học chữ nhân, chữ nghĩa. Đó chính là chức năng thẩm mĩ diệu kì của văn chương. 

04

Văn chương là chuyện của muôn người, muôn đời nhưng văn chương sinh ra không chỉ chỉ để sao chép lại cuộc đời một cách trống rỗng, mà sự cất tiếng của nhà văn còn mang theo cả một thiên chức lớn lao, đó là giáo dục. Từng con chữ, từng dòng thơ cứ dịu dàng, chậm rãi từng bước một ngấm dần vào tâm hồn người ta, để rồi kéo lên sợi dây rung cảm ở tận sâu đáy tim. Thông qua con đường tình cảm, bởi văn chương trước hết là cảm xúc, mỗi trang văn với sức mạnh ngôn từ đã khiến người đọc giác ngộ những chân lý đúng đắn, dẫn dắt và định hướng người đọc đến chân trời chân thiện mỹ mà người cầm bút đã kỳ công vẽ ra. Có thể nói rằng, giá trị nhận thức là tiền đề để phát triển giá trị giáo dục và giá trị giáo dục chính là “thứ khí giới thanh cao” làm đậm tô và sâu sắc lên giá trị nhận thức.

Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp THPT: Top 10 quan điểm đặc biệt về văn chương của Xuân Diệu