Chữ người tử tù lấy nguyên mẫu từ các giai thoại của một danh sĩ, một nhà thơ, một người anh hùng khởi nghĩa thời Nguyễn là Cao Bá Quát. Nó cũng là hình bóng của chính Nguyễn Tuân – một người có ý thức dùng cái Tài của mình để phủ nhận xã hội đương thời. Trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, ca ngợi người anh hùng dù chí lớn không thành nhưng tư thế hiên ngang bất khuất đã chứng tỏ niềm cảm phục của nhà văn với những người đang xả thân vì Tổ quốc.
Chữ người tử tù là một trong mười một truyện ngắn của tập Vang bóng một thời (1940); “một văn phẩm gần đạt đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ” (Vũ Ngọc Phan). Nó ngợi ca những giá trị truyền thống của cha ông thông qua nhân cách tài hoa của những tâm hồn nghệ sỹ.
Khi nói tới nhân vật Huấn Cao, là nói tới chữ TÀI; chữ TÂM; và chữ DŨNG.
Đặc điểm thứ nhất của nhân vật Huấn Cao là chữ “Tài”. Phong cách của Nguyễn Tuân luôn luôn nhìn con người ở phương diện tài hoa – nghệ sĩ. Nhân vật Huấn Cao quả là nhân vật lãng mạn, được đặc tuyển, có khả năng tạo hứng thú cao nhất cho Nguyễn Tuân.
Cái tài của người tử tù Huấn Cao là cái tài viết chữ thư pháp. Người xưa thường lấy chữ Hán để học tập, để viết sách, làm thơ văn… Đó là thứ chữ tượng hình, được viết trong một ô vuông. Ai có được chữ Thánh Hiền trong bụng thì người đó được gọi là kẻ có học thức, được kính trọng.
Rất ít người có khả năng viết chữ Hán thành những con chữ có thần, có hồn ngoài những nghệ sĩ viết thư pháp. Đó là một thứ siêu nghệ thuật của người xưa. Đó là những tác phẩm nghệ thuật không ai bắt chước được.
Toàn bộ nền văn minh năm ngàn năm của đất nước Trung Hoa đã cho ra đời những bậc thiên tài trong nhiều lĩnh vực. Chỉ tính riêng thời nhà Đường có hàng vạn nhà thơ. Thế nhưng, những nhà thư pháp nổi tiếng Trung Hoa đếm chưa đầy mười đầu ngón tay. Điều ấy cho thấy người nghệ sĩ thư pháp là của hiếm hoi trong trời đất. Người ta thường kể về ông vua thư pháp Vương Hi Chi.
Ông không làm quan. Chưa hề cho chữ những kẻ quyền lực, quyền quý. Những bức thư pháp nổi tiếng đều được viết ra trong những buổi giao hoan bạn bè tri kỷ. Con người này đã từng ngồi từ sáng tới chiều, từ ngày này sang ngày khác ở ngoài cổng thành, nắng nôi đại hạn, dân chết đói như ngả rạ. Vương Hi Chi đã cho chữ thư pháp những người dân không biết chữ trên những chiếc quạt để cứu đói cho họ. Như vậy, ngoài khả năng trời cho, yếu tố để trở thành nhà thư pháp phải là người tấm lòng mênh mông, rộng lớn và sâu sắc.
Trong tác phẩm, Nguyễn Tuân không miêu tả trực tiếp cái “Tài” của Huấn Cao mà miêu tả gián tiếp theo phong cách “vẽ mây nảy trăng” của hội họa của người xưa.
Chưa hề được diện kiến ông Huấn Cao nhưng Quản Ngục đã vô cùng kinh ngạc và sửng sốt khi nghe viên thơ lại nói với mình người tử tù đến nhà lao hôm nay là một nhà thư pháp. Quản ngục thông qua lời đồn đại biết rằng Huấn Cao là người mà cả tỉnh Sơn đều biết. Bởi ông viết rất nhanh và rất đẹp.
Chưa hề gặp gỡ người tử tù nhưng quản ngục đã chuẩn bị một tấm lòng để đãi ngộ người tù. Ông hy vọng có một ngày nào đó sở nguyện ấp ủ hằng ngày của mình được thỏa mãn “từ khi biết đôi chữ thánh hiền quản ngục luôn mơ ước có những con chữ của Huấn Cao để treo trong nhà như một vật báu”.
Thực ra hầu hết các chi tiết trong tác phẩm nói về mối quan hệ giữa quản ngục với Huấn Cao đều gián tiếp ca ngợi cái tài của nhà thư pháp. Chẳng hạn, quản ngục biệt đãi Huấn Cao cơm rượu hằng ngày; rụt rè vào thăm Huấn Cao rồi bị ông Huấn đuổi ra khỏi cửa vẫn lí nhí xin bái lĩnh từ nay không đặt chân tới phòng giam.
Đặc biệt sự bàng hoàng rụng rời của quản ngục khi nhận được tin ông Huấn rời phòng giam để vào kinh chịu tội… Trong cơn tuyệt vọng, quản ngục chỉ muốn ông Huấn Cao biết được sở nguyện của mình là đủ… Hành động khúm núm, chăm chú trên bức lụa mà ông Huấn sáng tạo thư pháp cũng như lời nói kính trọng cuối cùng của quản ngục với Huấn Cao đều cho thấy cái tài của ông Huấn là siêu việt.
Nét nổi trội thứ hai ở nhân vật Huấn Cao, và cũng là đặc điểm quan trọng nhất chính là chữ “Tâm”. Xưa nay, người ta thường có cách nhìn không bao quát về Nguyễn Tuân. Người ta cho rằng nhà văn này ngông ngạo, chỉ ngợi ca những cái tài mang tính phá cách… Thực ra nhân vật của Nguyễn Tuân có những con người lấp lánh nhân cách của chữ “Tâm”. Người ta cứ tưởng nét độc nhất vô nhị của Huấn Cao là cái Tài nhưng cảm hứng của Nguyễn Tuân lại hướng về cái “Tâm”. Nhân vật này trở nên bất tử bởi nó được tắm mình trong cội nguồn văn hóa của người Việt Nam. Người Việt luôn đề cao tấm lòng, mọi giá trị thuộc về tấm lòng đều là tối thượng trong những mối quan hệ xã hội.
Trước hết chữ “Tâm” của Huấn Cao được biểu hiện ở trong quan niệm và thư pháp. Theo ông Huấn chữ của ông là tinh hoa huyết mạnh, là máu thịt cuộc đời, chính là tấm lòng; cao hơn nữa là cái CHÍ của nhà nghệ sĩ. Ông rất quý nó. Vì thế không có tiền bạc mua được chữ, không có quyền lực bắt ép ông viết những con chữ của tấm lòng. Với Huấn Cao, hồn vía của con chữ quan trọng hơn thân xác của con chữ. Cái tạo nên thư pháp chính là nhìn vào đó người ta bắt gặp nhân cách, cái Tâm, cái Dũng của một con người.
Câu nói của Huấn Cao với quản ngục ở cuối tác phẩm đã rất sâu sắc bày tỏ quan điểm. “Ở đây không phải là nơi treo một tấm lụa trắng trẻo với những con chữ vuông vắn, tươi tắn và hoài bão tung hoành”. Tấm lụa trắng là một ẩn dụ nói về tấm lòng trong sáng; con chữ vuông vắn là muốn nói tới tấm lòng trung thực, không ngả nghiêng theo thời thế, bạc tiền, quyền lực. Hoài bão tung hoành là muốn nói đến tấm lòng muốn đạt đến tự do tự tại, dẹp bỏ những áp bức bất công… Như vậy, chữ thư pháp có thực sự là nghệ thuật hay không, tất cả đều tùy thuộc vào tấm lòng của nhà thư pháp.
Có lẽ lấy chữ “Tâm” chi phối chữ “Tài” trong thư pháp cho nên Huấn Cao là một con người đặc biệt, “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Một người coi tấm lòng nặng như núi Thái Sơn không dễ gì cho người khác linh hồn của mình một cách dễ dàng. Trước lúc về cõi chết Huấn Cao vẫn nghiêm khắc với mình.
Huấn Cao không có nhiều bạn. Chữ của ông chỉ dành cho những người bạn thân nghĩa là những người hiểu nhau, những người tri kỷ. Theo lời tự bạch của Huấn Cao với quản ngục thì cả một đời người, ông mới cho chữ ba người bạn thân, số lượng tác phẩm rất ít ỏi. Đó là “Một bức trung đường, hai bộ tứ bình”. Điều này có vẻ nghịch lý. Chẳng lẽ “một người viết thư pháp rất nhanh và rất đẹp” đã được tiếng đồn rất xa mà lại có một sự nghiệp quá khiêm tốn thế sao? Trên phương diện chữ Tâm, ta thấy Huấn Cao rất nghiêm khắc với cả một cuộc đời sáng tạo của mình.
Hẳn nhiên nhà thư pháp này viết rất nhiều. Nhưng tác phẩm mà ông quan niệm xứng đáng là thư pháp phải là tác phẩm chuyên chở tấm lòng, đối thoại với tri âm, tri kỷ. Chữ cho người tri kỷ thì mới là thư pháp đích thực.
Bức trung đường và bộ tứ bình vốn là hai đề tài ước lệ của nghệ thuật thời trung đại. Nội dung của nó dường như đã có sẵn. Giá trị của nó vì thế được quyết định bởi con chữ của nhà thư pháp.
Nói đến bộ tứ bình là nói đến những bức tranh chữ thư pháp. Nó có thể phản ánh những đề tài như: xuân, hạ, thu, đông; ngư, tiều, canh, mục; tùng, cúc, trúc, mai… Huấn Cao viết hai bộ tứ bình như vậy là có đến tám bức tranh chữ. Một số lượng nhiều hơn hẳn một bức trung đường.
Bức trung đường thường chỉ có ba bốn con chữ và treo trang nghiêm gian giữa của một ngôi nhà lớn để thờ phụng dòng họ tổ tiên. Vì thế bức trung đường luôn là báu vật của một dòng họ. Ắt hẳn, trong đời mình có rất nhiều người đến xin bức trung đường nhưng rõ ràng Huấn Cao thà cho bộ tứ bình nhiều con chữ hơn và ông hết sức đắn đo khi cho bức trung đường. Cho một bộ tứ bình là cho tấm lòng một con người với một con người. Cho một bức trung đường, Huấn Cao phải kính trọng cả một dòng họ, dâng chữ Tâm của mình cho rất nhiều người. Chữ “Tâm” của Huấn Cao của mình cho rất nhiều người.
Chữ “Tâm” của Huấn Cao thể hiện rõ nhất ở mối quan hệ của ông với viên quản ngục. Nói cách khác, quản ngục trong con mắt của Huấn Cao có cái tâm bao nhiêu thì đồng thời ta cũng thấy được mức độ ấy trong cái Tâm của chính Huấn Cao.
Khi chưa thấy mặt Huấn Cao, nhưng là con người luôn ao ước có chữ của ông Huấn nên quản ngục đã thừa nhận cái tài của người tử tù. Quản ngục quyết định biệt đãi Huấn Cao cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cuộc đời. Hành động này nếu bị phát giác thì có khả năng đe dọa đến tính mạng của quản ngục. Đây là một sự liên tài của một tấm lòng với một tấm lòng.
Không phải ngẫu nhiên sau buổi chiều nhận người tử tù thì buổi tối quản ngục đã thắp cây đèn để cho ánh sáng rọi vào khuôn mặt của mình. Quản ngục nhìn nền trời tinh tú và thấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ. Ngôi sao ấy chính là Huấn Cao. Cặp mắt ngưỡng vọng và bất lực ấy chính là cái Tâm của quản ngục. Ông đã “ngấc đầu lên”, âm thầm làm một hành động rất có ý nghĩa. Quản ngục lấy que hương khều ba ngọn bấc chụm lại để nó sáng bừng lên. Để nó “soi tỏ một mặt người ngồi đấy”.
Đây không phải là tên tay sai, bạo chúa; không phải là mặt lang dạ sói của triều đình. Đây là một bông hoa sen dù mọc giữa đầm dơ bẩn nhưng vẫn tỏa mùi thơm của chữ “Tâm”. Khuôn mặt lương thiện của quản ngục khi được cái Tài và cái Tâm của Huấn Cao đánh thức đã biến thành “mặt nước ao xuân bằng lặng kín đáo và êm nhẹ”.
Với sở trường là tùy bút, Nguyễn Tuân đã sử dụng một lời bình luận trữ tình rất có ấn tượng về cái Tâm của quản ngục “trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quản ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.
Người kể chuyện càng thấy rõ hơn chữ Tâm của quản ngục khi đối lập “ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã”.
Thói thường “gần mực thì đen”, Huấn Cao ban đầu có định kiến với quản ngục bởi lẽ nơi ngục thất của triều đình ắt hẳn sẽ có những con chó – người trung thành nhất của triều đình. Huấn Cao uống rượu ăn thịt không phải là cảm ơn mà là để khinh bỉ thêm viên quan đang bày đặt những trò bỉ ổi sau những miếng ăn tầm thường dung tục. Vì vậy, khi quản ngục khép nép nói chuyện với Huấn Cao thì người tử tù đã lạnh lùng đuổi cổ viên quản ngục. Cái Tâm Huấn Cao không muốn nhìn thấy cái Tâm hèn kém của quản ngục. Sự ngay thẳng của Huấn Cao không chấp nhận những mưu mô bày đặt bởi đám tiểu nhân.
(Theo Học văn chị Hiên)
Xem thêm: Vẻ đẹp thơ mộng của sông Đà qua bút pháp điêu luyện của Nguyễn Tuân