Bức ảnh "Cầu Người" - khoảnh khắc TNXP lấy thân làm cầu để cáng thương bộ đội vượt suối

"Cầu Người"  là khoảnh khắc vàng 1/125s ghi lại cảnh anh chị em TNXP biến mình thành trụ cầu vững chắc để những cáng thương bộ đội dễ dàng vượt suối.

Đỗ Thu Nga
07:00 15/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ai là tác giả bức ảnh "Cầu Người" huyền thoại?

Theo báo Nhân dân, chiến tranh Việt Nam giống như một thỏi nam châm có sức hút không thể cưỡng nổi đối với các phóng viên chiến trường trên toàn thế giới. Ở một cách nhìn khác, chiến tranh Việt Nam đã sản sinh ra một thế hệ những phóng viên ảnh chiến trường vĩ đại của nhiếp ảnh báo chí thế kỷ 20. 

Tên tuổi và tác phẩm của họ gắn liền với chiến tranh Việt Nam, với các giải thưởng uy tín nhất, xuất bản trên các hãng thông tấn và tạp chí hàng đầu như Life, AP, UPI, Time, Magnum, Washington Post, New York Times như các nhà nhiếp ảnh: Larry Burrows, Kyoichi Sawada (Giải Pulitzer 1966 cho tác phẩm Lánh nạn), Henri Huet (Giải Robert Capa năm 1966), Horst Faas (Giải Pulitzer năm 1965 cho tác phẩm Tội ác và trừng phạt ), Edward T. Adams (Giải Pulitzer năm 1969 cho tác phẩm Hành quyết Việt Cộng), Tim Page, Huỳnh Thanh Mỹ... và những phóng viên, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân như Trần Bỉnh Khuool, Chu Chí Thành, Hoàng Thiềm, Dương Thanh Phong, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng...

Nói như vậy để thấy được vị trí đặc biệt của bức ảnh "Cầu Người". Sức nóng của bức ảnh "Cầu Người" không cụ thể như nhiều bức ảnh chiến trường có bom rơi đạn lạc khác. Sức nóng của "Cầu Người" nằm ở sức trẻ, tinh thần vượt gian khó, nguy hiểm. Đó là ý chí sắt đá, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc... của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). 

cau-nguoi--buc-anh-huyen-thoai-o-chien-khu-d-0
Đây chính là bức ảnh "Cầu Người" huyền thoại ở chiến khu Đ

Bức ảnh "Cầu Người" được chụp bởi nhà nhiếp ảnh Phạm Văn Thính (phóng viên Thông tấn xã Việt Nam). Tác phẩm chụp những nam, nữ TNXP thuộc chiến khu Đ (Tây Ninh) đang ngâm mình dưới suối, dùng vai đỡ những tấm ván gỗ làm cầu cho các y tá và bác sĩ cáng thương binh đi qua.

Được biết, trong đợt tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, trên đường hành quân từ mặt trận về tới suối Nhum (Tây Ninh), căn cứ chiến khu Đ thì trời mưa như trút nước. Lúc này bộ đội ta nhiều người bị thương trong khi không xuồng và cũng không có cầu qua suối.

Trong khi đó, phía sau súng nổ dồn dập, nhiều người đang tính cách để đưa bộ đội qua bên kia suối nhanh nhất thì bất ngờ nhiều anh chị em TNXP kéo những tấm ván cũ, những đòn tre, cọc gỗ, nối nhau để bắc cầu. Nhiều người nhảy xuống nước và mỗi người là một trụ cầu vững chắc, hình thành chiếc cầu nổi vắt ngang dòng suối cho những cáng thương bộ đội đi qua. 

Có thể tác giả cũng đã ngâm mình dưới suối ngay đầu cầu, hất máy lên, cây cầu người xẻ đôi ảnh theo bố cục đường chéo, khuc triết, khỏe mạnh, dứt khoát. Tác giả dùng ống kính tiêu cự 50, tất cả các nhân vật đều khá nét, hai thông tin cơ bản của bức ảnh là những người làm cầu và những người cáng thương binh đi trên cầu đều rõ ràng. Thời điểm bấm máy đúng lúc sự việc diễn ra căng mọng nhất.

Hồi ức của nữ TNXP trong bức ảnh "Cầu Người" huyền thoại

Bà Giáp Thị Thanh Tiến (SN 1946, tại xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) chính là nữ TNXP trong bức ảnh "Cầu Người" huyền thoại. Sau hòa bình, bà Tiến đang sinh sống ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP Hồ Chí Minh. 

Năm 1975, bà Tiến lập gia đình cùng với một đồng đội công tác ở huyện đội Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Hiện nay bà có 3 người con, hai trai một gái và 5 cháu nội, ngoại đều ở cùng bà tại quận 9, TP HCM.

Vào năm 2015, báo Giao thông có chia sẻ 1 bài viết về câu bà Tiến có nhắc đến hồi ức hào hùng của cây "Cầu Người" huyền thoại. Khi đó bà Tiến cho biết, đã hơn 40 năm trôi qua nhưng bà nhớ từng chi tiết "lấy thân mình làm cầu cho chiến sĩ đi qua" thuở ấy.

"Khi đó là mùa mưa và nhiệm vụ của chúng tôi là chuyển gấp bộ đội bị thương về phía sau để cứu chữa. Mệnh lệnh đối với TNXP lúc bấy giờ là không được để sót một ai và bằng mọi giá phải đưa được các đồng đội bị thương ra khỏi trận địa…”, bà Tiến hồi tưởng.

Im lặng một hồi, bà Tiến run giọng: "Trong số các thương binh, nhiều chiến sĩ của ta bị thương nặng nhưng luôn nghĩ cho đồng đội mà không màng đến bản thân. Có đồng chí bị bom đạn làm cho khuôn mặt bị biến dạng và nghĩ mình khó qua khỏi nên khi chúng tôi đến, các đồng chí ấy nói: “Anh bị nặng, không sống được đâu, các em hãy lùi về phía sau đừng ở đây chết cả bây giờ”. Nghe đồng đội nói vậy mà lòng chúng tôi đau thắt lại. TNXP chúng tôi quyết một lòng sống chết có nhau chứ không thể bỏ đồng đội của mình, dù cho đồng đội có trút hơi thở cuối cùng trên cáng cứu thương cũng phải đưa về cứ…”.

cau-nguoi--buc-anh-huyen-thoai-o-chien-khu-d-6
Nữ thanh niên xung phong trong bức ảnh "Cầu Người"

Cũng theo bà Tiến, khi ấy là mùa mưa, mà mưa rừng ở chiến khu Đ thì rất lớn, mưa như trút nước. Bức ảnh "Cầu Người" được chụp ở suối Nhum (tỉnh Tây Ninh). 

Buổi sáng, khi chúng tôi hành quân qua thì suối cạn, đến chiều nước mưa đổ ào ào, nước suối dâng cao. Nhiệm vụ của TNXP là “Không để sót, không để đồng đội bị thương lần hai”. Bởi vậy, khi thấy nước suối dâng cao, chỉ huy nói phải chặt cây bắc cầu đưa đồng đội qua. Lúc đó chúng tôi phát hiện ở gần đó có một công ty thực phẩm bỏ lại rất nhiều mảnh ván, thế là tất cả nhanh chóng rút ván lội suối bắc cầu cho đoàn cứu thương qua”.

Nhóm TNXP nhảy xuống suối khi ấy có bà Tiến. Lúc đứng xuống suối, vì đụng phải cây gỗ dưới chân mà bà đứng 1 chân lên đó để người nhô lên cao, nếu không nước đã ngập đến miệng. “Khi đó tôi cảm thấy may mắn nên cười. Có lẽ đó là khoảnh khắc mà tác giả Phạm Thính chụp lại. Ngày hôm đó có khoảng 14 thương binh. Ngay sau khi làm cầu cho đoàn đưa thương binh qua suối, chúng tôi lại lên bờ và tiếp tục cáng các thương binh đi thêm một ngày nữa mới đến trạm xá để sơ cứu. Trong lúc cấp bách, việc cần làm là phải đưa các thương binh qua suối vì mưa bom bão đạn đang dội trên đầu nên chẳng ai còn nghĩ đến nặng hay đau đớn cả. Lúc đó ai cũng nghĩ đồng đội của mình còn bỏ cả tính mạng ngoài chiến trường thì chuyện đau nhức có hề chi”, bà Tiến rưng rưng.

Sau thống nhất đất nước năm 1975, mãi đến năm 1998, bà Tiến mới thấy bức ảnh "Cầu Người" lần đầu tiên. Lúc ấy bà đang làm việc ở Trường Tuyên huấn TP HCM, thủ trưởng của bà đi dự triển lãm ảnh đường mòn Hồ Chí Minh năm 1998 về rồi kêu bà lên phòng nói: “Có một món quà quý hơn vàng muốn tặng em. Xem có phải em không?”. Nói xong ông đưa bức ảnh cho bà xem thì bà giật mình.

Bởi bà nghĩ, thời mưa bom bão đạn có ai mà chụp ảnh và trong đầu cũng không hề nghĩ trong bức ảnh lại là mình... Sau đó thủ trưởng nói: đây là bức ảnh “Cầu người” nổi tiếng khắp nước từ mấy chục năm qua…

“Tôi thật sự xúc động, sau đó cố gắng đi tìm tác giả nhưng không được. Mãi đến năm 2008, trong cuộc triển lãm “Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định trong năm Mậu Thân 1968” do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức tại TP HCM, tôi được BTC mời lên dự. Tại đây, một lần nữa tôi xúc động mạnh khi nhìn thấy bức ảnh “Cầu người” được triển lãm. Tôi tìm BTC hỏi thăm tác giả. Sau đó hai chúng tôi gặp nhau thì tôi mới biết đồng chí Phạm Thính. Hai chúng tôi thân thiết từ đó…”, bà Tiến kể.

Xem thêm: Nữ anh hùng "gan vàng dạ sắt" Huỳnh Thị Ngọc: Giả câm, giả điên để qua mắt kẻ thù

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận