Các nhà văn đã sử dụng từ Hán Việt như thế nào?

Hãy cùng xem các nhà văn tài ba trên văn đàn đã sử dụng từ Hán Việt khéo léo như thế nào nhé!

Các nhà văn đã sử dụng từ Hán Việt như thế nào?

Hãy cùng xem các nhà văn tài ba trên văn đàn đã sử dụng từ Hán Việt khéo léo như thế nào nhé!

TRUNG DU

Từ Hán Việt vừa góp phần tạo nên màu sắc và tinh thần của tác phẩm đó, vừa định hình phong cách viết của tác giả – thường là trang trọng, tao nhã và cổ điển.

Hãy cùng đọc lại những dòng văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”:“Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…”

Bên cạnh những từ Hán Việt được sử dụng bởi không có từ thuần Việt thay thế, như “trung du”, tác giả cũng đã dụng ý sử dụng các từ Hán Việt như “trầm mặc”, “triết lí” và “cổ thi”, vừa gợi lên sự thanh lịch đặc trưng của sông Hương, của xứ Huế, những xúc cảm hoài cổ, rêu phong, vừa thể hiện được vốn tri thức phong phú; cái tôi tài hoa, tinh tế, lãng mạn; lòng yêu tha thiết cùng tình cảm trân trọng mà tác giả dành cho quê hương của mình. 

RẠNG ĐÔNG

Huy Cận đã từng viết trong “Đoàn thuyền đánh cá”:

Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

(Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận)

“Rạng đông” là khoảnh khắc mặt trời mới mọc, ánh nắng bừng lên ở phía Đông. Rõ ràng, không có từ thuần Việt thực sự phù hợp để thay thế “rạng đông” mà vẫn đảm bảo sự cô đọng của câu thơ! Bên cạnh đó, tác giả dùng từ “rạng đông” chứ không dùng “bình minh” để người đọc cảm được sự hào sảng, phóng khoáng và niềm hân hoan trước thành quả lao động sau một đêm dài hăng say. 

CHIÊM BAO

Trong văn xuôi, từ Hán Việt khiến cho lời văn có độ trầm bổng, ngân vang như thơ, như nhạc.

Cùng nhớ lại những dòng văn “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân: “Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng.”. “Chiêm bao” mang thanh ngang, tạo cảm giác êm đềm, ngân nga, kết hợp liền với “đứt quãng” mang âm vực cao ở phía sau khiến câu văn thêm phần du dương, tha thiết. 

Xem thêm: "Hâm nóng" cho những từ ngữ quen thuộc trong văn học