Ai là nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam?

Lịch sử Việt Nam ghi nhận 1 nữ tử cải trang nam đi thi và kết quả đã vượt tất cả các sĩ tử khác, trở thành trạng nguyên đứng đầu khoa thi. Tài năng của bà được vua trọng dụng, dân kính trọng.

Đỗ Thu Nga
23:00 04/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thời xưa "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" là việc của đấng mày râu. Việc của nữ giới là cơm nước, quán xuyến chuyện trong nhà và sinh đẻ. Chính vì thế, nữ nhi thông tỏ Tứ thư Ngũ kinh, chăm chỉ dùi mài kinh sử để vào trường thi chỉ có nước giả nam. Và lịch sử Việt Nam đã có 1 bậc nữ nhi như vậy. Bà là Nguyễn Thị Duệ sinh ngày 14/3/1574 ở Kiệt Đặc, nay là phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Thuở nhỏ, bà nổi tiếng xinh đẹp, tài hoa. Tương truyền, bà biết viết văn, làm thơ khi mới lên 4 tuổi. Danh tiếng lan xa khiến nhiều người ngưỡng mộ tài sắc. Đến tuổi cưới hỏi bà nhất quyết không đồng ý. Dù bà rất hiếu học nhưng thời phong kiến trọng nam khinh nữ khiến Nguyễn Thị Duệ buộc phải giả nam để có thể theo nghiệp đèn sách. 

Nhắc đến việc này, Đại Nam dư địa chí ước biên viết "Am Đàm Hoa, Tiến sĩ gái" (ở am Đàm Hoa có một nữ tiến sĩ). Đại Nam nhất thống chí gọi thẳng tên bà.

Những năm cuối thế kỷ 16, cuộc chiến Nam Bắc triều giữa nhà Mạc và Lê - Trịnh đi đến hồi kết thúc. Theo cuốn Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc - Hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức, khi triều Mạc gặp lâm nguy, vua sai người đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và được ông đưa ra lời sấm "Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô" (nghĩa là nếu nhà Mạc chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được thêm ba đời).

ai-la-nu-trang-nguyen-duy-nhat-trong-lich-su-khoa-bang-viet-nam
Tượng thờ bà Nguyễn Thị Duệ

Năm 1592, Trịnh Tùng kéo quân ồ ạt ra Bắc, quân nhà Mạc thua tan tác. Nghe theo lời Trạng Trình, tướng nhà Mạc là Mạc Kính Chỉ đã tập hợp con cháu họ Mạc kéo lên Cao Bằng lánh nạn. Ở làng Kiệt Đặc, gia đình bà Nguyễn Thị Duệ cũng phải đi lánh nạn. Nhớ đến những tháng ngày bình yên dưới triều Mạc, gia đình bà tìm lên Cao Bằng.

Vốn thông minh lại có nhan sắc nên 10 tuổi, bà Nguyễn Thị Duệ đã được nhiều nhà quyền quý đến hỏi xin cưới nhưng gia đình không chấp thuận. Khi cuộc sống trên Cao Bằng ổn định, bà Duệ tiếp tục việc đèn sách.

Thời còn thịnh trị ở Thăng Long, nhà Mạc rất chú trọng đến việc học hành, thi cử để tìm kiếm nhân tài. Khi lên Cao Bằng, triều đại này vẫn giữ nề nếp ấy để tính kế lâu dài. Lúc ấy triều đình đã suy yếu nhưng lòng dân vẫn theo nên kỳ thi vẫn được tổ chức.

Nguyễn Thị Duệ đã giả trai, lấy tên Nguyễn Ngọc Du đi thi rồi vượt qua kỳ thu Hương, Hội và Đình để trở thành người đỗ đầu. Khi ấy, bà mới khoảng 17 - 20 tuổi.

Khi triều đình mở yến tiệc thiết đãi, vua Mạc Kính Cung rất bất ngờ khi tân trạng nguyên là nữ. Vua quý mến hiền tài, không trách tội nhưng theo phép tắc, bà không được tiếp tục mang danh trạng nguyên. Tiếc cho tài năng trẻ, vua cho phép bà ở lại trong triều. 

Bà Duệ được vời vào cung, phụ trách việc dạy học cho các phi tần. Một thời gian sau, Mạc Kính Cung lập bà làm phi, ban hiệu Tịnh Phi. Vì thế mà dân gian gọi bà là bà chúa Sao.

ai-la-nu-trang-nguyen-duy-nhat-trong-lich-su-khoa-bang-viet-nam-6
Lăng mộ của bà Nguyễn Thị Duệ ở Hải Dương

Năm 1625, quân Trịnh tấn công Cao Bằng đánh nhà Mạc. Khi bị bắt, nữ trạng vương rất trấn định. Bà dùng gươm kề cổ, uy hiếp quan lính phải giải bà đến trước mặt chúa Trịnh. Nhờ tài ứng đối xuất sắc, bà thoát tử tội. 

Mến mộ tài năng của bà, vua Trịnh đã giao cho bà trông coi việc học của phủ chúa. Sau này bà được phong làm Nghi ái quan. 

Khi làm quan, bà Duệ coi trọng việc học và bồi dưỡng nhân tài. Bà xin triều đình cấp nhiều mẫu ruộng cho canh tác lấy huê lợi, giúp đỡ học trò nghèo. 

Tương truyền, để thúc đẩy phong trào học tập tại địa phương, cách một khoảng thời gian, bà cùng các bậc túc nho giảng dạy ở các khu vực ấn định rồi soạn đề, tổ chức thi. Bài thi được gửi lên cho bà chấm, có kết quả thì trả lại địa phương. Cách làm này đã nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng xa kinh kỳ. Được biết, phần lớn các bài thi Đình, thi Hội thời đó đều qua tay bà chấm. 

Theo dân gian, khi còn nghèo khó, anh trai bà bị người trong làng hãm hại. Nhưng khi vinh hiển, bà không hề trả thù riêng. Khi cao tuổi, bà cáo quan về quê, mở am Đào Hoa, tiếp tục dạy học cho sĩ tử trong làng. 

Bà Nguyễn Thị Duệ cũng nổi tiếng là người sống cần kiệm. Bà dành phần lớn bổng lộc để giúp người dân, nhất là các sĩ tử nghèo. 

Sau khi Nguyễn Thị Duệ mất, người dân làng Kiệt Đặc lập đền thờ bà chúa Sao. Bà còn được thờ tại Văn miếu Mao Điền cùng nhiều danh nhân, học sĩ danh tiếng khác.  

Xem thêm: Giải mã những lời tiên tri ứng nghiệm sau mấy trăm năm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận