Dưới đây là 4 bước tự thiết lập dẫn chứng cho bài văn theo chia sẻ của fanpage "Học Văn Cô Sương Mai" để các bạn học sinh tham khảo:
BƯỚC 1: CHỌN NGUỒN CHẤT LƯỢNG, ĐÁNG TIN CẬY
Như thế nào là một nguồn chất lượng, đáng tin cậy?
- Các bạn học sinh đừng đọc những trang văn mẫu, phân tích "tràn lan đại hải" trên Internet. Bởi nó chỉ giúp các bạn nâng cao khả năng "chép, học thuộc, thụ động, phụ thuộc" thôi chứ không kích thích cảm hứng văn chương trong các bạn.
- Các bạn hãy lựa chọn những nguồn mà tác giả viết, đó là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ... (nói chung là những người có tiếng vang) hoặc là những trang chính thống như Báo văn nghệ, Tao đàn, Tạp chí sông Hương, Phê bình văn học...
- Đối với báo điện tử, thì các bạn nên đọc các trang như Tuổi trẻ, Thanh Niên, Dân trí...
- Ví dụ, các bạn muốn tìm hiểu về "Chí Phèo" thì hãy gõ từ khóa "Nam Cao, Chí Phèo" rồi bắt đầu tìm, chọn trên Google các nguồn như trên là được.
BƯỚC 2: ĐỌC TOÀN BỘ NỘI DUNG MỘT LẦN\
Có nhiều bạn khi tìm được nguồn rồi, nhưng lại thấy bài viết "dài quá" nên chỉ đọc lướt, lướt rồi thôi, rồi ra. Nhưng thực ra khi các bạn đọc lướt qua thì chưa cảm nhận được cái hay, cũng như chưa nắm được tính của bài viết đó, nên sẽ "nản" là đúng. Các bạn cần phải dành thời gian tập trung đọc hết một lần.
Khi đọc toàn bộ nội dung, bạn được gì và bạn cần làm gì?
- Đọc qua một lượt toàn bộ nội dung, bạn sẽ hiểu được tác giả đang khai thác khía cạnh nào.
- Bạn sẽ có những ấn tượng riêng trong lúc đọc: "Chỗ này sao tác giả viết hay thế, thế mà xưa giờ học mình không nhận ra".
- Và một bài viết như thế sẽ có nhiều chỗ độc đáo, bạn bắt đầu đánh dấu vào những điểm đó, hay những điểm khiến bạn ấn tượng. Hãy note lại, hoặc liệt kê ra một chỗ nào đó.
BƯỚC 3: CHỌN CÁI HAY, CÁI ĐỘC ĐÁO NHẤT
Bạn không thể viết hết tất cả được. Vì vậy, bạn cần thiết phải chọn một cái. Vậy bạn sẽ chọn như thế nào?
- Cái nào khiến bạn ấn tượng nhất, khiến bạn cảm thấy "hay nhất! Độc đáo nhất! Bất ngờ nhất!".
- Cáo đó phần nào bạn cũng hiểu được, chứ không phải cái "cực kỳ lạ" mà bạn đọc chẳng hiểu cái gì hết.
- Cái đó bạn phải dễ dàng diễn đạt lại, và dễ dàng vận dụng cho các đề văn nghị luận văn học, nghị luận xã hội...
Đó là các tiêu chí để chọn sao cho trúng nhất. Có thể có những bài viết các bạn không nhận diện được ý tưởng theo các mục 1,2,3... như tác giả đánh dấu thì buộc các bạn phải tư duy, nắm được tinh thần chính, ý từng đoạn, và bạn sẽ chọn "những ý nhỏ" như vậy, chứ không phải chọn cả bài.
Và chọn đồng nhất, nghĩa là chọn 1 thì chỉ 1 chỗ đó không được lắp ghép ý đầầu với ý cuối (không có sự logic, đồng nhất).
BƯỚC 4: BẮT ĐẦU "XÀO NẤU" Ý TƯỞNG
Khi bạn đã chọn được điểm độc đáo rồi, bạn đã nắm được ý tưởng của người ta rồi, bạn sẽ bắt đầu "xào nấu" lại thành một đoạn dẫn chứng. Quá trình này chủ yếu là diễn đạt. Các bạn cần chuyển hóa ý của họ trong câu chữ của mình để sao đọc lên thấy dễ hiểu nhất, có chất văn nhất, tạo được ấn tượng cả ý lẫn diễn đạt.
Các bạn chú ý dung lượng một đoạn dẫn chứng như vậy tối đa 25 dòng, dài quá mất hay, sẽ thành lan man.
Một số bạn thông minh sẽ không chỉ diễn đạt đơn thuần mà còn kết hợp "dẫn chứng" nào đó, để tạo ra thế "so sánh - đối chiếu", như vậy sẽ càng khác biệt hơn.
Và một số bạn khác thì diễn đạt lại ý tưởng đó, bạn sẽ gắn với vấn đề lý luận văn học/vấn đề xã hội luôn cho gần gũi, dễ đọc, dễ nhớ. Vậy là xong phần "xào nấu".
MỘT SỐ LƯU Ý
Học văn chúng ta cần đọc nhiều, tham khảo nhiều tài liệu (cụ thể là bài báo, bài bình, bài nghiên cứu có sẵn trên mạng, trong sách...) Việc này giúp bạn nâng cao hiểu biết cũng như vốn văn chương của mình.
Tuy nhiên, các bạn cần phân biệt rõ:
- Tham khảo khác sao chép: Các bạn có thể tham khảo góc độ khai thác, cách thức triển khai, các ý tưởng, các điểm độc đáo... nhưng tuyệt đối không copy "y nguyên câu chữ" của người khác.
- Cách học hiệu quả là: Các bạn tham khảo hướng đi, ý tưởng nhưng diễn đạt lại bằng câu chữ của mình, sao cho dễ hiểu và có chất văn nhất.
- Hoặc các bạn có thể "mượn cái của người để nói cái của mình", kết hợp cái của người ta với cái của mình để làm thành một dẫn chứng hoàn hảo.
Xem thêm: "Share" về tham khảo dần: Những cách dẫn dắt từ mở bài sang thân bài trong bài nghị luận văn học