Ông "Sáu Búa" Lê Đức Thọ và 3 lần giơ búa "đe nẹt" Mỹ trên bàn đàm phán

Ông "Sáu Búa" Lê Đức Thọ là một nhà chính trị "đa di năng" của Đảng, một nhà đàm phán giàu bản lĩnh, đầy tự tin, lịch thiệp, cởi mở, biết tiến thoái, cương nhu đúng mực.

Ông "Sáu Búa" Lê Đức Thọ và 3 lần giơ búa "đe nẹt" Mỹ trên bàn đàm phán

Ông "Sáu Búa" Lê Đức Thọ là một nhà chính trị "đa di năng" của Đảng, một nhà đàm phán giàu bản lĩnh, đầy tự tin, lịch thiệp, cởi mở, biết tiến thoái, cương nhu đúng mực.

Đôi nét về cuộc đời, sự nghiệp của ông "Sáu Búa" Lê Đức Thọ

Ông "Sáu Búa" Lê Đức Thọ tên khai sinh là Phan Đình Khải (10/10/1911 - 13/10/1990). Ông sinh tại thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, TP Nam Định). 

Đồng chí Lê Đức Thị là anh trai của tướng quân hậu cần Đinh Đức Thiện và đại tướng Mai Chí Thọ. Ông tham gia hoạt động cách mạng (tổ chức bãi khóa, dự lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh...) và bị Pháp bắt giam hai lần (1930-1936 và 1939-1944). Sau khi được trả tự do lần hai, ông tiếp tục hoạt động cách mạng, giữ nhiều vị trí quan trọng. 

Ông từng giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phụ trách nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam suốt một thời kỳ dài từ năm 1956-1982, trực tiếp phụ trách đoàn ngoại giao Việt Nam đàm phán với Mỹ về Hiệp định Paris.

Bức chân dung ông Lê Đức Thọ gửi tặng ông Nguyễn Chí Thanh

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Thọ từng được trao tặng giải Nobel Hòa bình cùng với cố vấn ngoại giao Henry Kissinger vào năm 1973, nhưng ông đã từ chối nhận giải với lý do đất nước Việt Nam chưa thể có được hòa bình chừng nào chưa đánh đổ được chế độ tay sai của Mỹ. Đó là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt cho đến nay. 

Ông "Sáu Búa" là tên gọi thân mật của đồng chí Lê Đức Thị ở miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp. "Chiếc búa" dùng trong bài viết này để chỉ những đòn tiến công của ông nhằm vào đối phương. Tiến công vào mọi âm mưu và thủ đoạn của đối phương tại bàn đàm phán cũng như chiến trường.

3 lần giơ búa "đe nẹt" Mỹ trên bàn đàm phán của ông "Sáu Búa"

Dưới đây, Sống Đẹp xin dẫn lại từ báo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về 3 lần cố vấn Lê Đức Thọ giơ "chiếc búa" đó trong đàm phán riêng ở giai đoạn cuối:

Lần thứ nhất: “Không có cách thần kỳ nào ngoài đàm phán nghiêm chỉnh”

Mùa hè 1971, tình hình trên chiến trường và tại bàn đàm phán Pa-ri đều rất căng thẳng, giằng co quyết liệt. Chính quyền Ních xơn còn ráo riết vận động ngoại giao, tranh thủ hòa hoãn với Liên xô và Trung Quốc hòng gây thêm sức ép đối với ta.

Ngày 31/5, tại cuộc gặp riêng, Kissinger đưa ra đề nghị Bảy điểm. Ngày 26-6, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra lập trường Chín điểm. Ngày 1/7, tại Hội nghị bốn bên, Chính phủ Cách mạng lâm thời đưa ra Tuyên bố Bảy điểm.

Trong khi đó, để thực hiện lời Thủ tướng Chu Ân Lai mời Tổng thống Ních xơn thăm Bắc Kinh, ngày 9/7, Kissinger đi Trung Quốc nói là chuẩn bị cho chuyến thăm này, thật ra là còn bàn nhiều việc khác. Và ngày 15/7, tại Washington, Nich xơn tuyên bố sẽ đi thăm Trung Quốc vào đầu năm 1972.

Trong bối cảnh tình hình nói trên, đã diễn ra cuộc gặp riêng giữa Lê Đức Thọ - Xuân Thủy với Kissinger ngày 26/7.

Cuộc họp tập trung vào việc xem xét lập trường của hai bên trong Bảy điểm của Mỹ và Chín điểm của Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH).

Đồng chí Lê Đức Thọ trên đường đi công tác trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đầu năm 1975 (Ảnh: TTXVN)

Kissinger cho rằng, Bảy điểm là cái khung cho một giải pháp. Lê Đức Thọ và Xuân Thủy nhận xét: Có hai điểm mấu chốt là thời hạn rút quân gắn liền với vấn đề tù binh và chính quyền Sài Gòn không có Thiệu (như Chín điểm của VNDCCH đã nêu) thì Mỹ không đả động gì tới. Vậy đó là một cái khung không có xương sống.

Lê Đức Thọ cũng phê phán mạnh cách thương lượng của Mỹ, luôn tách vấn đề quân sự với vấn đề chính trị, lẩn tránh vấn đề chính trị, chỉ chú ý vấn đề quân sự, mà giải quyết vấn đề quân sự thì ý định cũng là rút quân từ từ để giải quyết bằng thương lượng hay không, vẫn duy trì được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Lê Đức Thọ còn vạch ra rằng:

- Trong mấy năm nay, các ông chạy vạy chỗ này chỗ kia để tìm ra lối thoát nhưng không biết các ông có rút ra được kinh nghiệm gì không? Thực ra các ông uổng công vô ích, làm phức tạp thêm vấn đề cho các ông.

Lê Đức Thọ còn nhấn thêm:

- “Không có cách thần kỳ nào để giải quyết vấn đề Việt Nam ngoài cách đàm phán nghiêm chỉnh với chúng tôi ở Hội nghị Pa-ri trên cơ sở những đề nghị của chúng tôi và những đề nghị của các ông. Trong một ván cờ, quyết định thắng lợi là người trong cuộc, không có cách nào khác. Chúng tôi độc lập giải quyết các vấn đề của chúng tôi”

Kissinger đã phản bác nhiều điểm về cách thức và nội dung thương lượng. Nhưng để trả lời ám chỉ của Lê Đức Thọ về việc đi Trung Quốc của ông, Kissinger nói gần như thanh minh:

- Chúng tôi biết muốn giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng thương lượng thì phải giải quyết ở Pa-ri. Chúng tôi tôn trọng và khâm phục tinh thần độc lập mà các ngài luôn tỏ ra. Chúng tôi không muốn tìm một giải pháp ở nơi nào khác ngoài nơi đây.

Lần thứ hai: “Chưa bao giờ sự lừa dối lại trắng trợn như lần này”

Mùa thu năm 1972, đàm phán có bước tiến quan trọng.

Ngày 20/10, hai bên đã đi đến thỏa thuận Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chính ngày đó, Tổng thống Ních xơn đã gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khẳng định Hiệp định “xem như đã hoàn thành”. Kissinger còn nói: “Hòa bình đã ở trong tầm tay”.

Thế nhưng, sau đó, do sự phản ứng dữ dội của Thiệu, cũng do những toan tính từ trước của Ních xơn, Mỹ đã lật lọng, đòi sửa đổi những điều cơ bản nhất của Hiệp định.

Trong gần 5 năm đàm phán ở Paris, ông Lê Đức Thọ được ví như "vị tướng ngoài biên ải", người góp phần to lớn vào tiến trình đàm phán, buộc Mỹ ký kết hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1/1973) - Ảnh: TTXVN)

Một tháng sau, ngày 20/11, đàm phán riêng nối lại. Lê Đức Thọ đã mạnh mẽ tố cáo sự lật lọng của Mỹ: “ Chúng tôi đã bị người Nhật, người Pháp, người Mỹ lừa dối, nhưng chưa bao giờ sự lừa dối lại trắng trợn như lần này”.

Về sự cần thiết phải có sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, ông nhắc lại lời nói đó của Kissinger trước đây và hỏi: “Ông nói với chúng tôi như vậy rồi ông lật ngược đi thì ông nghĩ chúng tôi hiểu ông là người như thế nào?”

Trong đợt đàm phán riêng lần này, phía Mỹ đưa ra 69 điều sửa đổi, trong đó có rất nhiều sửa đổi lớn. Đáp lại, ta cũng đưa ra những đòi hỏi sửa đổi mạnh hơn trước. Đàm phán càng lúc càng căng thẳng mà không giải quyết được gì. Kissinger bị xem là con người quá đáng. Đến nỗi sau này, trong hồi ký của mình, Ních xơn cũng phải nói: “Kissinger đã không phân biệt được giữa những điều chúng ta cần thay đổi và những điều chúng ta thay mặt người Nam Việt Nam đưa ra”.

Thấy rõ quan điểm hai bên rất xa nhau, tại phiên họp ngày 4/12/1972, Lê Đức Thọ tuyên bố: “Nếu các ông muốn giữ Hiệp định như cũ thì chúng tôi cũng sẵn sàng giữ nguyên như cũ, không thay đổi một chữ. Nếu ông không sửa một chữ nào thì chúng tôi cũng không sửa một chữ nào”.

Ngày 6/12, Lê Đức Thọ lại nhắc lại đề nghị hai bên rút hết mọi đề nghị sửa đổi và trở lại Hiệp định đã thỏa thuận: “Nếu sửa thì chỉ sửa một số chi tiết không thuộc thực chất và nguyên tắc; hai là, hai bên đều sửa đổi. Đã sửa đổi thì bên này sửa lớn, bên kia cũng sửa lớn; bên này sửa nhỏ, bên kia cũng sửa nhỏ; không chỉ một bên sửa một bên không sửa. Cứ như thế, sửa đi sửa lại mãi không thể hoàn thành được. Trong hai cách đó, phía Mỹ chọn cách nào, chúng tôi cũng sẵn sàng, nhưng chúng tôi cho rằng cách tốt nhất là cơ bản giữ Hiệp định”.

Đề nghị đó của Lê Đức Thọ đã làm cho không khí dịu hơn và nhiều vấn đề tồn tại được lần lượt giải quyết.

Đến ngày 12, chỉ còn hai vấn đề: Cách ký văn kiện và vấn đề khu phi quân sự.

Ngày 13, Lê Đức Thọ và Kissinger đề nghị ngừng các cuộc họp chính thức và hai bên về xin chỉ thị của chính phủ mình.

Lần thứ ba: “Cuộc tập kích chiến lược làm hoen ố danh dự nước Mỹ”

Đùng một cái, đêm 18/12/1972, Ních xơn ra lệnh mở đợt tập kích chiến lược bằng B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác. Thủ đoạn quen thuộc của Mỹ vẫn là dùng sức mạnh quân sự để ép đối phương. Nhưng Hà Nội đã đáp trả bằng một trận Điện Biên Phủ trên không vô cùng oanh liệt.

Ngày 8/1/1973, hai bên họp lại. Lê Đức Thọ nổ phát súng đầu tiên:

- Các ông lấy cớ đàm phán gián đoạn để ném bom lại miền Bắc Việt Nam giữa lúc tôi về đến nhà. Việc các ông đón chúng tôi khi về đến Hà Nội có thể nói là rất “lịch sự”. Tôi có thể nói rằng, hành động của các ông rất trắng trợn và thô bạo. Các ông tưởng rằng làm như vậy là có thể khuất phục được chúng tôi nhưng các ông nhầm. Chính các ông đã làm cho cuộc đàm phán khó khăn. Chính các ông đã làm cho danh dự nước Mỹ bị hoen ố!

Lê Đức Thọ đòi Mỹ phải chấm dứt thủ đoạn thương lượng trên thế mạnh và đi vào đàm phán nghiêm chỉnh

Kissinger thanh minh rằng, chính cách đàm phán của Việt Nam trong tháng 12 làm cho Washington cho là Việt Nam muốn kéo dài đàm phán, không muốn giải quyết.

Lê Đức Thọ tiếp tục phê phán Mỹ gay gắt. Kissinger nói: Tôi có nghe những tính từ, tôi đề nghị không dùng những tính từ đó!

Lê Đức Thọ: Tôi dùng những tính từ đó cũng là kiềm chế lắm rồi. Chứ dư luận thế giới, các nhà báo và chính các nhân vật ở Mỹ còn dùng những câu chữ dữ dội hơn nhiều!

Kissinger ngồi im.

Đấy, hiệp đấu cuối cùng tại bàn đàm phán mở đầu là như vậy đấy.

Ông Lê Đức Thọ và Henry Kissinger tại Paris năm 1973 (Ảnh: AFP)

Vậy mà chỉ 5 ngày sau, ngày 13/1/1973, hai bên đã đi đến thỏa thuận toàn văn Hiệp định. Và Hiệp định Pa-ri về Việt Nam đã được chính thức ký ngày 27/1/1973.

Điều thú vị là trong buổi ký tắt Hiệp định (23/1/1973), hai “kỳ phùng địch thủ” Lê Đức Thọ và Kissinger, sau khi ký xong, với nụ cười tươi rói, đã vui vẻ trao bút ký cho nhau để làm kỷ niệm. Cố vấn Lê Đức Thọ nói với cố vấn Nhà Trắng:

- Xin ông nhớ cho, ký rồi phải giữ lấy lời nhé!

Và khi cả hai ông Lê Đức Thọ và Kissinger được tặng chung Giải thưởng hòa bình Nobel năm 1973 thì về phần mình, với lý nhiều lý do rất chính đáng, Lê Đức Thọ đã từ chối nhận Giải thưởng đó.

Sẽ không thừa nếu nhắc lại điều này nữa. Trong lần gặp đầu tiên với Lê Đức Thọ, Kissinger đã nhận xét về ông như sau: “Ông bao giờ cũng tỏ ra rất bình tĩnh. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tụy và khéo léo. Lê Đức Thọ tiếp tôi với sự lễ phép có khoảng cách của con người mà ưu thế hiển nhiên đến mức không thể làm khác được bằng một sự lễ phép gần như sự hạ cố”.

Rồi sau một thời gian đụng đầu với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy, Kissinger lại nói: “Chúng tôi không may gặp phải các ông là đối phương, chứ nếu được lựa chọn, chúng tôi sẽ chọn đối phương dễ tính hơn!”.

(T/h Wiki, BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam)

Xem thêm: Đòn điểm huyệt "rúng động" biên giới của Đại tướng Võ Nguyên Giáp