Thất bại là mẹ thành công thực ra chỉ là câu an ủi?
Trong chương trình Cất cánh phát sóng trước đây trên kênh VTV6, cựu Chủ tịch FPT Software đã bày tỏ quan điểm về chủ đề “Khi thành công bị trì hoãn – Thất bại là mẹ của thành công” Ông Tiến phủ định quan điểm “Thất bại là mẹ của thành công”. Ông cho rằng, đó chỉ là câu sáo ngữ mang tính chất an ủi, thể hiện sự độ lượng của người nói.
Theo người đứng đầu Phần mềm FPT mỗi khi thất bại người ta thường làm một việc gì đó. Lấy ví dụ trong tình yêu, anh Tiến nêu ra, nhiều bạn trẻ khi thất tình sẽ tìm ngay một bờ vai mới, nhưng điều này là tiếp nối thất bại.
Ông nói: "Thất bại là mẹ thành công thật ra là câu an ủi những người thất bại thôi! Với vị trí nhân viên, thất bại một lần thì được chứ thất bại nhiều sẽ bị đuổi ra khỏi công ty. Thậm chí với vị trí lãnh đạo, giậu đổ bìm leo, nếu lỡ làm giậu rồi thì đừng bao giờ đổ."
Kể lại câu chuyện cá nhân, ông cho biết, mình từng là lớp trưởng lớp chuyên Toán trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Tuy nhiên, ông không hiểu vì sao mình trượt đại học. Ông nhớ từng nói với ba rằng: “Con muốn trở thành phi công”. Thiếu tướng Hoàng Đan lắc đầu: "Muốn làm phi công cũng được, nhưng việc đầu tiên là thất bại ở đâu đứng lên ở đấy”.
Năm thứ 2, Chủ tịch FPT Software thi đỗ đại học với số điểm rất cao. Khi vào trường, ông thấy suy sụp tinh thần, bởi khi đó các bạn cùng lớp chuyên Toán đã sang nước ngoài du học. “Tôi không đến lớp, thậm chí có nhiều môn được 7 điểm nhưng thầy chấm điểm 4 điểm do không biết mặt sinh viên”, ông chia sẻ.
Sếp FPT đánh giá, không mấy trường giảng dạy cho sinh viên các bài học tâm lý, giải pháp khi vấp ngã, thoát khỏi nỗi ám ảnh khi thất bại. "Chúng ta rất khó học được nhiều điều từ thành công. Hãy học từ chính những thất bại, vấp ngã ở đâu thì đứng lên ở đó”, ông nhắn nhủ.
Học từ thất bại thì được, học người thành công rất khó
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng, người thành công hay kể chuyện hay, mình nghe xong cảm thấy rất hào hứng nhưng lại không học được gì. Nhưng học cách tránh thất bại thì lại học được.
Trong chương trình Đối thoại của Báo VietNamNet, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ về những quan điểm lãnh đạo của mình. Ông nói, trót làm lãnh đạo thì cố gắng đừng thất bại, bởi thất bại sẽ rất khổ. Không chỉ khổ cho mình mà còn khổ tất cả. Những từ mà người ta hay nói như giậu đổ bìm leo, nói về người đi trả lại là do mình thôi.
Theo ông, người làm lãnh đạo mà thất bại sẽ ảnh hưởng hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí là hàng vạn con người. Trong chiến tranh, nếu một tiểu đoàn trưởng mà thất bại sẽ ảnh hưởng đến khoảng tầm 500 người, một sư đoàn trưởng thất bại sẽ ảnh hưởng đến 10 nghìn người, một tư lệnh quân đoàn như ba tôi mà thất bại sẽ ảnh hưởng đến hàng vạn người.
“Ngày hôm nay chúng ta cũng vậy. Đã là người lãnh đạo thì hãy nhớ không được thất bại”, ông nói. Tuy nhiên, thực tế luôn xảy ra rủi ro, không thể thắng mãi được. Theo ông Tiến, mỗi lúc thất bại luôn nghĩ tích cực, nghĩ về những bài học tích cực.
Ông Tiến nhắc tới lời bài hát: “Ai chiến thắng không hề chiến bại, ai nên khôn không khốn đôi lần”. Ông chia sẻ mình đã thất bại nhiều lần, trong đó có việc cá nhân gia đình và kinh doanh không phải lúc nào cũng thành công.
“Thực ra mọi người cũng thường chỉ để ý đến thành công. Nhưng tôi nhớ từ ngày vào FPT, tôi làm khoảng 10 việc thì chỉ có khoảng 5 việc thành công, còn 5 việc thất bại là mình lờ đi, mình không nói. Nhưng trong câu chuyện này tôi nói rất thành thật. Nếu học thì nên học từ những người thất bại”, ông chia sẻ.
Theo ông Tiến, thành công không có mẫu số chung, học người thành công rất khó. “Hơn nữa ông thành công hay kể chuyện hay, mình nghe xong mình cảm thấy rất hào hứng nhưng lại không học được gì. Nhưng học cách tránh thất bại thì lại học được”, ông nhấn mạnh.
Với vai trò lãnh đạo, ông Tiến cho biết: “Nhiều lúc mình duy ý chí mình, bất chấp thì sẽ có tổn thất. Ngày xưa là xương máu thì bây giờ sẽ làm công sức, mồ hôi, trí tuệ và thậm chí là hạnh phúc gia đình của những người lính, người nhân viên của mình. Vì vậy một khi đã quyết định thì phải nhìn thấy trước được, dự cảm được, đánh giá được”.
Chia sẻ về quan điểm kinh doanh, ông Tiến cho rằng, hôm nay không ai nói chuyện đối đầu, người ta nói chữ đối thoại. Cũng không nói đấu tranh mà người ta nói hợp tác. Tuy nhiên, cạnh tranh là có.
“Tất cả sự cạnh tranh này đều nhắm tới một điều. Đó là khách hàng, người sử dụng và người dân có lợi gì. Chắc chắn nhờ sự cạnh tranh chúng ta được gọi điện thoại rẻ hơn. Chắc chắn nhờ cạnh tranh mà ngày hôm nay Internet Việt Nam có tốc độ hàng đầu thế giới”, ông cho biết thêm.
Tổng hợp
Xem thêm: 9 kỹ năng mềm quyết định 75% sự thành công của bạn: Chịu khó đầu tư sớm, trái ngọt ắt về tay