Lễ Xá tội vong nhân dưới góc nhìn Đạo Phật

Vào ngày rằm tháng 7 hàng năm, các gia đình lại chuẩn bị mâm cúng lễ Xá tội vong nhân. Vậy lễ Xá tội vong nhân dưới góc nhìn Đạo Phật ra sao?

Lễ Xá tội vong nhân dưới góc nhìn Đạo Phật

Vào ngày rằm tháng 7 hàng năm, các gia đình lại chuẩn bị mâm cúng lễ Xá tội vong nhân. Vậy lễ Xá tội vong nhân dưới góc nhìn Đạo Phật ra sao?

Hàng năm, cứ đến Rằm tháng 7 âm lịch, người Việt lại chuẩn bị chu đáo các mâm cúng ngày lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân. Ngày lễ Vu Lan là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, vậy còn lễ Xá tội vong nhân thì sao?

Lễ Xá tội vong nhân là gì?

Xá tội vong nhân (舍罪忘人) vốn bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian của một số nước Á Đông. Theo đó, người xưa cho rằng đây là ngày mở cửa địa ngục ân xá cho các vong linh không nơi nương tựa. Vì thế để các linh hồn lang bạt không quấy nhiễu cuộc sống dương gian người ta thường dâng cúng lễ vật vào ngày rằm tháng 7 để cầu mong sự bình yên.

Xá tội vong nhân là ngày chính giữa của “tháng cô hồn”, ngày đó các nhà thường lập bàn tế chay để ban thí cho các vong lang thang không người hương khói. Khi làm lễ cúng, gia chủ thường cúng chúng sinh ngoài trời hoặc ngoài đường ngõ, đồ cúng thường là các thứ như cháo, gạo, ngô, khoai, bánh đa, bỏng, muối… để siêu sinh cho những linh hồn không nơi nương tựa.

Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục viết: Rằm tháng Bảy gọi là Tết Trung nguyên. Ta tin theo sách Phật thường cho hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha một ngày hôm ấy. Bởi vậy nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mới mất cũng hay đốt mã làm chay về hôm ấy. Tục đốt mã là do tự bên Tàu, đời xưa thường dùng đồ ngọc bạch để cúng tế, đời sau dùng tiền để thế cho ngọc bạch. Đến đời vua Huyền Tôn nhà Đường thấy dùng tiền phí lắm mới truyền cho làm tiền giấy mà thay vào tiền thực. Đời Ngũ Đại lại chế thêm áo giấy, mũ giấy mà cúng cấp quỷ thần.

Nguyễn Văn Huyên trong cuốn Hội hè lễ tết của Người Việt cho rằng: Theo tín ngưỡng của người Việt Nam thì con người có hồn và phách (vía). Những linh hồn này tồn tại trong thân thể, khi chết tức là hồn vía bỏ đi. Nhưng cái chết không phải là sự kết thúc, đó chỉ là việc người ta chuyển sang một cõi khác. Người xưa quan niệm “âm dương đồng nhất thể” (tức trần sao âm vậy), nên bày ra tục cúng tế để tỏ lòng biết ơn báo đáp ông bà cha mẹ và những người thân đã qua đời.

Người ta đốt đèn nến để soi sáng bước đi của hồn, đốt tiền vàng để trả tiền đò giang khi xuống ấm phủ, cúng đồ ăn thức uống để hồn khỏi đói khát, cúng đốt đồ mã để người âm có cái dùng như lúc sinh thời. Nhưng trong cõi âm còn có những vong hồn bị bỏ rơi phải lưu lạc hoặc không có người thân thích nên ngày rằm tháng bảy mới có tục cúng vong. Đó là một ngày lễ dân gian lớn theo tín ngưỡng Phật giáo.

Lễ Xá tội vong nhân dưới góc nhìn Đạo Phật

Thực tế, phong tục cúng bái và hồi hướng phước cho vong linh quá vãng đã có từ thời Đức Phật. Việc này cũng được khuyến khích trong cộng đồng những người theo Phật giáo tin vào nhân quả nghiệp báo và phước tội do hành động tạo tác của mình, cũng như tin vào sinh tử luân hồi trong những cảnh giới khác nhau.

Đạo Phật truyền đi qua nhiều đất nước, trong đó có Việt Nam. Những niềm tin và tín ngưỡng Phật giáo đã giao thoa với văn hóa bản địa, sau được ảnh hưởng và hướng dẫn bởi triết lý Phật giáo.

Đạo Phật dạy chúng ta lòng từ bi thương xót đến tất cả chúng sinh, kể cả những chúng sinh trong khổ cảnh, mà các Peta – vong nhân vất vưởng chưa hóa sinh, cũng cần sự quan tâm giúp đỡ của chúng ta để họ được chút phước làm hành trang đến cảnh giới an vui hơn. 

Chính lòng từ bi này là động lực để các chùa và đạo tràng lập đàn cầu siêu độ cho các uổng tử cô hồn, chiến sĩ trận vong và những người chết oan ức do nguyên nhân này hay nguyên nhân khác. Rằm Tháng Bảy chính là dịp như vậy – ngày xá tội vong nhân đã hợp thức hóa một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với triết lý Đạo Phật về từ bi và tha thứ bao dung.

Những hành giả trên đường tu Phật hiểu “xá tội vong nhân” là soi chiếu ánh sáng giác ngộ, và sống tỉnh thức trong từng sát na, để ánh hào quang của Phật (thức tỉnh) chiếu vào những chỗ khuất lấp nhất trong tâm thức của chúng ta. Ghi nhận mà không phán xét, bi mà không lụy, thương mà không luyến ái thủ chấp, tạo điều kiện cho các ‘vong nhân’ đó được giải thoát. Như vậy, sự bao dung, thứ tha chính là “nước tĩnh bình” – năng lượng bình an của định tâm, qua phương tiện của Bi - Trí - Dũng – là cành dương chi rải nước từ bi dập tắt muộn phiền.

Theo phatgiao.org.vn

Xem thêm: Trọn bộ văn khấn rằm tháng 7 năm 2023 tại gia, cơ quan, công ty, đình chùa chuẩn nhất