Có dịp ghé thăm huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), nhất định đừng bỏ lỡ đặc sản này
Khánh Sơn (Khánh Hòa) không chỉ là điểm đến du lịch nổi tiếng với thiên nhiên núi rừng, mà còn ở những đặc sản ngon lành du khách không thể bỏ lỡ.
Khánh Sơnlà huyện miền núi vùng cao của tỉnh Khánh Hòa, ngăn cách với đồng bằng bởi đèo Khánh Sơn. Khí hậu ở Khánh Sơn đặc trưng là nhiệt đới gió mùa, ôn hòa và mát mẻ nên Khánh Sơn cũng được ví như "Đà Lạt thứ 2". Vài năm trở lại đây, Khánh Sơn trở thành điểm đến thu hút khách du lịch mới, không chỉ nổi tiếng bởi cảnh sắc thiên nhiên, mà còn bởi những đặc sản ngon lành khó cưỡng.
Trái cây Khánh Sơn
Khí hậu mát mẻ quanh năm là điều kiện thuận lợi để huyện Khánh Sơn phát triển các loại cây ăn quả có hương vị thơm ngon đặc biệt mà ít nơi nào sánh được. Hiện nay, Khánh Sơn đã trở thành vùng cây ăn quả lớn nhất Nam Trung Bộ, với tổng diện tích lên đến hơn 2.700ha với các loại quả như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít nghệ, bưởi da xanh, mía tím, chuối... Toàn huyện đang có hơn 1.500ha sầu riêng, hơn 330ha bưởi da xanh, gần 70ha chôm chôm và hơn 450ha các loại cây ăn quả khác như: Măng cụt, mít nghệ, cam, quýt đường, bơ booth…
Trong các loại quả trên, đặc biệt có sầu riêng cơm vàng hạt lép Khánh Sơn thơm ngon trứ danh. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Khánh Hòa được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu (tháng 3/2011). Thời gian điểm có sầu riêng Khánh Sơn và các loại cây ăn trái khác là từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch.
Măng le rừng Khánh Sơn
Ngoài trái cây, Khánh Sơn còn nổi tiếng với món măng le rừng. Có rất nhiều loại măng rừng, nhưng ngon nhất vẫn măng le. Măng le đặc ruột, vị ngọt bùi, không đắng, cũng không chát. Le mọc thành từng bụi, mọc ven sông, ven suối, có khi mọc thành từng láng rộng. Măng le được lấy từ phần thân, ngọn của cây măng, cắt lát phơi khô.
Còn một điểm khác biệt nữa là măng rất non, hầu như mua về mọi người chỉ cần ngâm và chế biến các món chứ không phải cắt bỏ phần già nên không hề bị hao măng như các loại khác. Chính vì măng non và phơi khô tự nhiên nên măng chỉ cần ngâm 1 đêm thôi (tốt nhất là ngâm với nước vo gạo và thay nước vài lần, đến khi nấu rửa lại, luộc lại măng rất mềm và thơm ngon trước khi chế biến). Thời gian điểm có măng le rừng Khánh Sơn (măng khô): Từ tháng 10 dương lịch đến tháng 2 năm sau.
Tiêu xanh Khánh Sơn
Hạt tiêu xanh tươi nguyên, được hái từ cây tiêu khi còn xanh, hạt bên trong chưa cứng, có vị cay nhẹ, mùi thơm rất riêng và đặc trưng. Người ta hay ăn trực tiếp, hoặc nướng hạt tiêu xanh nguyên quả, nguyên chùm thành món ăn rất ngon miệng. Tiêu xanh Khánh Sơn để nguyên cành, xử lý sạch rồi ngâm với dấm gạo hoặc ngâm mắm tỏi ớt. Sự kết hợp giữa tiêu xanh, tỏi, ớt rừng hoặc ớt chỉ thiên đỏ đã đủ kích thích vị giác rồi.
Tiêu xanh cay nhẹ nhàng, chứa nhiều vitamin C và canxi giúp khử mùi tanh và dễ tiêu hóa. Tiêu xanh có thể dùng ăn kèm với bún, phở, cháo lòng hoặc chế biến các món như: Bao tử hầm tiêu xanh, bò hầm tiêu xanh, thịt kho tiêu xanh, cá hồi kho tiêu xanh..
Bánh chuối dừa nướng Khánh Sơn
Bánh chuối dừa nướng là món bánh dân dã nhưng đầy hấp dẫn, với 100% từ nguyên liệu tự nhiên, là chuối chín Khánh Sơn, dừa bào và bánh tráng.
Chuối chín được xay nhuyễn mịn, trộn với dừa non được bào nhỏ, rồi cho trải một lớp dày và đều lên lớp bánh tráng mỏng, sau đó đem phơi khô. Vị ngọt của chuối, bùi bùi của dừa kết hợp với độ giòn của bánh tráng hòa quyện vào nhau, ăn hoài không chán.
Rau rừng Khánh Sơn
Một loại rau rừng được người Raglai nấu thành nhiều món khác nhau trong bữa cơm hàng ngày hay lễ hội truyền thống là rau rịa (còn gọi lá bép hay rau nhíp). Đây là một loài cây nhỏ, cao 2-3m, là cây ưa bóng hay nơi có ít ánh sáng, mọc rải rác hay thành từng đám ở dưới tán cây.
Rau rịa khi còn non, mỏng và mềm, màu lục nhạt, dùng nấu canh ăn rất ngon. Hạt rang lên ăn bùi như đậu phộng. Đây vừa là một loại rau rừng đặc sản được nhiều người ưa thích, vừa là một loại thảo mộc dùng để chữa một số bệnh phổ biến như cảm, ho, viêm họng, lợi tiểu.
Rau rịa vốn dĩ được ưa chuộng vì vị ngon, lại mọc ở tự nhiên nên rất đảm bảo. Vào mùa mưa, rau rịa mọc rất nhiều trên rẫy, ăn không kịp nên người dân thường hái ra chợ để bán. Thế nhưng vào mùa khô, rau ít, thỉnh thoảng mới có nên người dân chỉ để lại nhà dùng.
(Tổng hợp)
Xem thêm: 10 trải nghiệm du lịch ở Việt Nam nhất định phải thử một lần trong đời
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận