Tăng Đình Sơn (36 tuổi, quê Hà Nội) cho biết, anh cảm thấy vui vẻ vì quyết định của mình. Anh nói: "Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ muốn thay đổi cuộc sống của mình. Sau dịch Covid -19 từ 2 năm trước, thấy cuộc sống ở thành phố gò bó, ngột ngạt, mình quyết định về vườn khởi nghiệp".
8x trước kia từng du học ở Anh, có tấm bằng thạc sĩ tài chính. Sau khi ra trường, anh về nước làm ở ngân hàng, quần áo là lượt, lương khủng. Vì thế, chuyện anh bất ngờ bỏ việc về quê khiến nhiều người bất ngờ.
Sơn cho hay, anh không làm việc này bất chợt, thực tế đã ấp ủ từ lâu, mua sẵn miếng đất làm "vốn". Là dân kinh tế, tài chính, Sơn tính toán trước điều bất cập khi bỏ phố về vườn nhưng không có đất canh tác. Nếu thuê đất, anh có thể gặp rủi ro vì chủ có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Khi đó sẽ rất khó khăn cho việc bắt đầu lại.
"Mình không bỏ phố về vườn theo 'trend'. Mình có sự chuẩn bị và khuyên những người có ý định khởi nghiệp ngành nông nghiệp nên tính phương án đầu tư một mảnh đất trong khả năng", anh Sơn nói. Thế nhưng, dù đã chuẩn bị sẵn sàng, khi mới vào Trung, anh đã bị thời tiết nắng nóng đánh gục.
Lúc đang dần quen với việc làm nông, 8x tình cờ đọc được một bài báo nước ngoài về cuộc thi ăn cay. Anh vốn mê tương ớt nước ngoài, bản thân cũng thích ăn cay nên lập tức nảy ý định khởi nghiệp. Sơn cho hay: "Ớt là một loại gia vị phổ biến, có tiềm năng kinh tế nên mình nảy ra ý tưởng lập một nông trại trồng đủ loại ớt trên thế giới".
Nghĩ là làm, anh nhờ bạn ở nước ngoài mua giúp hạt giống loại ớt Carolina Reaper đỏ về ươm. Đây là loại ớt đang nắm giữ danh hiệu cay nhất thế giới với hơn 2 triệu đơn vị cay (SHU), gấp 7 lần ớt chỉ thiên của Việt Nam. Giá bán đến gần 1 triệu đồng/kg. Sau nhiều ngày chờ đợi, tỉ lệ hạt nảy mầm chỉ được 30%.
Sơn nghiên cứu rồi kết luận, thời tiết Khánh Hòa nắng nhiều, phù hợp để ớt đạt đến độ cay tốt nhất, nhưng tỉ lệ hạt gieo mầm lại thấp. Vì thế, anh đầu tư thêm mảnh vườn để ươm mầm ở Đà Lạt, khi cây giống lớn khỏe mới đem về vườn chăm sóc.
Ban đầu, cây phát triển tốt, năng suất cao, khiến anh Sơn vô cùng vui mừng. Nào ngờ, khi mở rộng hơn ngàn cây, sâu bệnh mất ngờ phát triển, thổ nhưỡng khí hậu lại không phù hợp, cây chết hàng loạt khiến anh thua lỗ. Cuối cùng, 8x lại lặn lội đi tới các vườn Đà Lạt, Đắk Lắk học hỏi, rồi về chăm bẵm cây từ đầu. Rất may, lần này anh đã thành công.
Hiện tại, Sơn xây dựng một nông trại nhỏ với đủ các dịch vụ, trồng 50 loại ớt ngoại để khách tham quan. Cạnh bên, một khoảng vườn rộng trồng chủ lực các loại ớt: hơi thở rồng; carolina đỏ, vàng; palermo; habanero để làm tương ớt. Vừa trồng ớt, anh vừa kinh doanh thêm sản phẩm thương mại là tương ớt.
Ban đầu là những mẻ nhỏ gửi bạn bè dùng, khi đúc kết được quy trình riêng anh bắt đầu sản xuất số lượng lớn. Thương hiệu tương ớt của anh đã có mặt ở những nhà hàng, siêu thị chuyên bán đồ hữu cơ ở Hà Nội, TP.HCM. Những chuyến công tác về thủ đô gặp khách hàng, Sơn tranh thủ thăm gia đình. Điều may mắn của Sơn trên chặng đường khởi nghiệp làm nông đó là được người bạn đời ủng hộ. Vợ anh là người thường quay, chỉnh sửa video để chồng đăng lên mạng xã hội chia sẻ về những loại ớt ngoại chưa được nhiều người biết đến.
Đầu tháng 7, những trận mưa lớn và sạt lở đất ở Đà Lạt cũng làm ảnh hưởng đến vườn ươm giống của anh. Từ Khánh Hòa lên thăm vườn, nhìn những cây ớt hơi thở rồng lần đầu tiên thử nghiệm trồng ở Việt Nam của mình ngã rạp, Tăng Đình Sơn chợt nghĩ, con đường khởi nghiệp này sẽ còn vô vàn thử thách buộc anh phải vượt qua. Vậy là xắn ngay tay áo, anh nông dân bắt đầu dọn dẹp, tiếp tục ươm thêm những mầm xanh mới cho vụ sau.
Theo báo Thanh Niên
Xem thêm: Hai nữ sinh lớp 10 "bắt tay" khởi nghiệp với bánh tráng quýt hồng