Một ngày, sau khi hết giờ giảng tôi trở lại văn phòng, bảo vệ đưa tôi một số tiền kèm tờ hóa đơn thanh toán. Tôi nhìn thoáng qua thì cả chục triệu đồng tiền nợ. Tôi thấy rất kỳ lạ, không nhớ nổi đã cho ai mượn số tiền này. Nhìn vào chỗ người gửi, tôi thấy viết “Cậu bé ăn xin của 20 năm trước”... mọi kỷ niệm bất chợt ùa về. Phải chăng là cậu bé đó?
20 năm trước, khi ấy mẹ tôi đang mở hàng bán cơm cho học sinh ở cổng trường. Vì thương những đứa trẻ nghèo mà bà luôn làm những hộp cơm ngon bán với giá rẻ, thế nên học sinh ghé đến mua cơm rất đông.
Tôi vừa tốt nghiệp đại học, đang chờ phân công tác nên thường ra phụ mẹ bán cơm. Trong một lần bận rộn phục vụ những em học sinh vừa tan học, tôi bỗng nhiên thấy ai đó đi qua quệt phải lưng mình. Đó là một cậu bé chừng 10 tuổi, mặc bộ quần áo mỏng, rách tả tơi trong khi trời đã bước vào đông.
Dường như đã rất quen thuộc, mẹ tôi mỉm cười đưa hộp cơm cho cậu bé. Không đợi tôi cầm hộ, cậu bé vội giật lấy cơm, ném tiền vào hộp rồi chạy mất. Một bạn học sinh thấy vậy thì tức giận nói: “Thằng ăn mày này toàn lừa tiền cơm, rất nhiều lần như vậy rồi, nếu còn lần sau phải dạy cho nó một trận”. Tôi ngạc nhiên kiểm tra lại hộp tiền thì thấy quả thực cậu bé chỉ đưa 1 tờ 200 đồng.
Tôi trách mẹ sơ ý quá, bà cười bảo: “Mẹ biết mà. Chỉ là đứa trẻ này rất đáng thương, nó mất cả cha lẫn mẹ, mẹ cũng chỉ có thể giúp nó đến vậy thôi”.
Tôi không đồng ý với mẹ, tức giận nói: “Mẹ hồ đồ thế, đây mà là giúp cậu ta sao?”. Nhưng tôi chưa kịp nói xong thì đã bị mẹ mắng. Tôi biết rõ dù mình nói gì bây giờ cũng là vô dụng, mẹ tôi là người ăn chay niệm Phật, bà chỉ một lòng muốn giúp đỡ người khác, nhưng lại không nghĩ sâu hơn. Thế là tôi đành phải xử lý chuyện này.
Ngày hôm sau, cậu bé ăn xin lại tới. Lúc cậu bé chuẩn bị ném tiền vào hộp, tôi liền cầm lấy tay cậu, tờ tiền ít ỏi rơi ra ngoài. Mọi người đều quay lại nhìn làm cậu bé rất bối rối và xấu hổ. Lúc đó, tôi cười nói: “Mua như vậy thì không đủ ăn đâu. Em cứ lấy cơm đi, phần còn thiếu sau này hãy trả cũng được”. Nói xong tôi buông tay cậu bé ra.
Cậu bé sợ hãi cầm hộp cơm, ánh mắt tràn đầy nghi hoặc nhìn tôi. Tôi lại cười bảo: “Đi đi, anh biết em nhất định sẽ quay lại trả số tiền còn thiếu”. Cậu bé suy nghĩ mất một lúc rồi im lặng rời đi, đi thẳng từng bước chứ không chạy như trước kia nữa.
Từ ngày hôm ấy, cậu bé vẫn đến ăn và trả 200 đồng...
Đang suy nghĩ miên man thì anh bảo vệ vội vã quay lại nói với tôi: “Tôi quên, còn một phong thư nữa”. Tôi cảm ơn rồi mở thư ra xem, bên trong thư viết: “Tôi cuối cùng cũng tìm được địa chỉ của anh, suốt bao năm tìm kiếm tôi đã có thể đem tiền trả lại, hoàn lại ân tình 20 năm về trước. Lúc đó tôi lang thang khắp nơi, thường xuyên chịu đói chịu rét. Một lần tôi tới cổng trường học giả vờ mua một hộp cơm, tôi ném thử tờ 200 đồng vào hộp rồi nói xin mua cơm. Lúc đó tôi nghĩ dù có phát hiện đi nữa thì dì bán cơm cũng rất hiền lành, không trách phạt tôi. Nhưng dì không phát hiện, còn vui vẻ đưa cho tôi một hộp cơm ngon lành.
Sau lần đó tôi bắt đầu dựa vào thủ đoạn và mánh khóe để có được bữa ăn. Cũng từ đó tôi cảm thấy người tốt trong xã hội rất dễ bị lừa. Thế là tôi thường xuyên nói dối, trộm đồ. Lần đó bị anh tóm tôi nghĩ mình xong đời rồi, bị đánh rồi. Nhưng ngược lại, không chỉ không bị đòn mà những lời nói của anh còn bảo vệ danh dự cho tôi, khơi dậy mong muốn làm người thành thật trong tôi. Trong những năm sau này, mỗi khi nhớ đến ánh mắt và lời nói của anh, tôi lại có thể tránh xa những điều xấu. Và tôi cũng tự nhủ với mình, phải mất bao nhiêu thời gian đi chăng nữa, tôi vẫn muốn hoàn thành lời hẹn ước cũ...
Một ngày nọ, khi nhìn thấy tôi ngồi co ro ngoài đường vì giá rét, một phụ nữ đã về nhà mang cho tôi mấy chiếc áo. Sau khi người phụ nữ rời đi tôi phát hiện bên trong túi áo có rất nhiều tiền. Lúc đó tôi rất đói, rất muốn giữ lại số tiền này, nhưng ánh mắt của anh lại hiện lên làm tôi thay đổi ý nghĩ. Tôi phải lặn lội tìm kiếm mất cả ngày mới tìm được nhà người phụ nữ nọ. Hai vợ chồng họ đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi tới trả lại tiền. Họ ôm tôi vào lòng, rồi liên tục nói tôi là đứa trẻ tốt. Khi đó con gái của hai vợ chồng vừa qua đời do bạo bệnh, và thế là tôi may mắn trở thành con nuôi của họ. Cuộc sống từ đó của tôi cũng trở nên tốt hơn, tôi được cha mẹ nuôi thương yêu hết mực, được đi học. Hiện giờ tôi đã trở thành giáo viên…”.
Đọc được bức thư mắt tôi đỏ hoe, xúc động vô cùng. Quả là một niềm vui ấm áp. Cậu bé ăn xin nhờ học được đức tính thành thật, ngay thẳng mà gặp được một gia đình tốt. Có lẽ giờ đây, khi đứng trên bục giảng, cậu sẽ tự hào nói với học trò của mình rằng: “Chỉ có thành thật mới mang lại hạnh phúc!”.
Xem thêm: Lá thư tay đặc biệt – Câu chuyện nhân văn xúc động