Quán cơm chay 0 đồng lan tỏa yêu thương ở Khánh Hòa

Hơn 7 tháng nay, quán cơm chay 0 đồng Út Linh ở 55 Lạc Long Quân, thị trấn Vạn Giã, H. Vạn Ninh, Khánh Hòa đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Quán cơm chay 0 đồng lan tỏa yêu thương ở Khánh Hòa

Hơn 7 tháng nay, quán cơm chay 0 đồng Út Linh ở 55 Lạc Long Quân, thị trấn Vạn Giã, H. Vạn Ninh, Khánh Hòa đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bà con có hoàn cảnh khó khăn.

“Bản thân tôi trải qua rất nhiều khó khăn khi nằm viện, từng nhận cơm từ thiện nên hiểu được giá trị của những bữa ăn 0 đồng. Tôi mở quán cơm này chỉ mong san sẻ được với bà con có hoàn cảnh khó khăn”, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (SN 1979) chia sẻ về lý do mở quán cơm chay 0 đồng.

Quán cơm của bà Linh được mơ từ tháng 4/2024 đến nay, ban đầu quán chỉ phục vụ khoảng 150 suất/ngày, nay tăng lên hơn 200 suất/ngày.

Không chỉ phục vụ người dân tại quán từ 11-12h30 mỗi ngày (trừ thứ 5, chủ nhật hàng tuần và 30, mùng 1, 14, 15 âm lịch hàng tháng), quán còn đem cơm đến tặng các thành viên ở Hội người mù huyện Vạn Ninh.

Những khách hàng ghé đến quán chủ yếu là người bán vé số, công nhân, người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn,... Bà Nguyễn Thị Thơm (SN 1957) cho biết, nhà có 2 bà cháy, hoàn cảnh khó khăn nên bà phải đi bán dạo cơm rượu, sữa chua, nhặt thêm phế liệu để sống qua ngày. Từ ngày có quán cơm chay 0 đồng cho cô Út Linh mở, trưa nào bà cũng ghé đến ăn cơm. Tại đây bà không chỉ được ăn ngon mà còn cảm nhận được sự yêu thương, nhiệt tình, vui vẻ của mọi người.

Hiện nay quán có 3 nhân viên đảm nhận các công việc như sơ chế nguyên liệu, nấu ăn, chia cơm, rửa chén,... và 4 tình nguyện viên khác tham gia phụ việc, phục vụ khách hàng ghé quán. Bà Trần Thị Như Thùy (SN 1978) với hơn 20 năm kinh nghiệm tham gia các bếp ăn thiện nguyện, sau khi nghe bà Linh chia sẻ mở quán chay 0 đồng đã đồng ý đảm nhận vai trò “bếp trưởng”. Mỗi ngày bà Thùy sẽ tranh thủ dậy sớm đi làm tạp vụ ở trường mẫu giáo, xong xuôi công việc bà sẽ ghé đến quán để nấu ăn.

Mặc dù bận rộn với công việc riêng nhưng đều đặn đúng 7 giờ hàng ngày các tình nguyện viên cũng có mặt tại quán để làm việc. Với họ, niềm vui, nụ cười của những người kém may mắn khi được phục vụ bữa cơm ngon miệng chính là động lực to lớn để họ tiếp tục duy trì công việc thiện nguyện của mình mỗi ngày.

Xem thêm: Ấm lòng nhóm thiện nguyện 100k của thầy cô huyện đảo