Trong căn nhà nhỏ sạch sẽ, thoáng mát, ông giáo làng say sưa giảng bài cho các em học sinh, tiếng thầy và trò rộn rã, vang vọng giữa không gian yên bình của làng quê. Nói là lớp học, nhưng thực tế chỉ là căn phòng nhỏ tận dụng bên cạnh cách nhà, trong lớp có 2 chiếc bảng lớn và một số bộ bàn ghế cũ.
Thầy Dũng chia sẻ: “Học sinh của tôi từ tiểu học tới trung học, có cả các bạn ôn thi đại học. Tôi xem các em như con cháu trong nhà, không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cả đạo đức, văn hóa, lối sống tích cực. Nhiều lần các con cũng góp ý với tôi là nên nghỉ ngơi vì đã lớn tuổi rồi. Nhưng việc dạy học này đã gắn bó với tôi 30 năm nay, ngày nào vắng học sinh là tôi thấy buồn lắm”.
Nói về hoàn cảnh của mình, thầy giáo làng bộc bạch, năm lên 6 tuổi do bị sốt ác tính nên tay chân đều bị tê liệt. Sau nhiều năm điều trị, 2 tay và chân trái được chữa lành, còn chân phải teo cơ nên bị liệt hoàn toàn. Để đi học được phải nhờ sự trợ giúp của bố mẹ và bạn bè. Do sức khỏe yếu nên ông chỉ học đến lớp 7 rồi nghỉ. Năm 19 tuổi, ông được cử làm Bí thư liên chi đoàn thôn, phó bí thư đoàn xã, kế toán xã. Nhờ trí nhớ tốt, tính toán nhanh, ông được điều làm Tổ trưởng Nội nghiệp Đoàn đo đạc 299 huyện Hương Khê. Sau hơn 10 năm công tác, nhận thấy bản thân không có bằng cấp, gia đình lại khó khăn không thể theo nghề nên ông xin nghỉ việc. Để mưu sinh, ông Dũng mở quán tạp hóa, sửa xe đạp, xe máy, làm thợ mộc.
Ông Dũng lập gia đình năm 28 tuổi và có 5 người con. Các con ông hiện đều trưởng thành, có công việc làm ổn định.
Để có thể trở thành ông giáo làng nâng bước cho nhiều lứa học trò thành danh, ông Dũng cũng phải trải qua sự khổ luyện, tìm tòi học hỏi, bổ túc thêm về nghề sư phạm.
Theo ông Dũng chia sẻ, ban đầu ông chỉ ngồi cạnh động viên con học, sau đó thấy thú vị nên học trong sách vở và học cùng con. Khi con đầu học hết cấp 3 thì ông cũng tích lũy được hết kiến thức cấp 3. Sau đó, bạn bè của các con tới nhà chơi, thấy ông giảng bài dễ hiểu, dễ tiếp thu nên nói với bố mẹ xin tới nhà để được tôi dạy học. Và nghề dạy học đã đến với ông giáo làng như thế.
“Năm 1994, nhiều học sinh thi chuyển cấp THPT không đậu đã tới nhà xin tôi dạy phụ đạo, thương tình nên tôi nhận dạy miễn phí cho các em. Ban ngày tôi dạy các em học nghề, buổi tối thì ôn luyện kiến thức. Lứa học sinh đầu tiên tôi dạy có khoảng 30 em và đều thi đậu THPT. Sau này, nhiều em ra trường làm việc trong quân đội, ngân hàng, các cơ quan nhà nước”, ông Dũng tự hào chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, những năm tiếp theo có hàng trăm học sinh đến nhà nhờ ông Dũng ôn luyện. Trước đây, ông dạy học miễn phí, nhưng sau nhiều lần được phụ huynh góp ý ông thu 10.000 – 20.000 đồng/ học sinh/buổi học. Học sinh là con cháu gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi thì ông sẽ nhận dạy miễn phí.
Đến với lớp học của ông Dũng đa phần là các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý thức vươn lên để kiếm con chữ thoát nghèo, giúp đỡ gia đình.
Em Võ Thị Hương Nhi (học lớp 7, trú tại xã Hà Linh) có hoàn cảnh rất khó khăn, bố bị tai nạn nằm liệt giường, mẹ em phải gồng gánh nuôi chị em Nhi ăn học. Biết công Dũng dạy miễn phí cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mẹ Nhi cũng đến xin cho con học. Nhờ vậy lực học của Nhi tốt hơn rất nhiều.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, ông Dũng nói: “Chừng nào còn sức khỏe và còn duyên với học trò là tôi còn tiếp tục dạy học. Thấy nhiều học sinh chăm chỉ nỗ lực, học giỏi, đỗ đạt, trưởng thành, tôi vui và hạnh phúc lắm. Tôi đang ấp ủ sẽ nâng cấp lớp học và mở thêm lớp dạy học bơi miễn phí, giúp các em phòng chống nguy cơ tai nạn đuối nước”.
Lãnh đạo UBND xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ông Đặng Tiến Dũng là tấm gương điển hình có nhiều đóng góp cho xã hội, đi đầu tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương.
Xem thêm: Cụ ông 50 lần hiến máu thiện nguyện: Viết tiếp sự sống từ lòng nhân ái