Tôi năm nay đã 40 tuổi, trước năm 15 tuổi tôi cũng từng có một gia đình hạnh phúc, được cha mẹ yêu thương, cưng chiều. Năm tôi 14 tuổi, mẹ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, áp lực ập đến bất ngờ khiến cha tôi suy sụp. Ông lao đầu vào làm việc quần quật từ sáng đến đêm để kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Nào ngờ, hai tháng trước sinh nhật 15 tuổi của tôi, cha qua đời vì tai nạn trong lúc làm việc. Ông chủ đã bồi thường một khoản tiền lớn.
Biết bệnh tình của mình không qua khỏi, mẹ để khoản tiền ấy cho tôi, không tiếp tục trị bệnh nữa. Chỉ vài tháng sau đó, mẹ cũng qua đời. Cha mẹ không còn, cuộc sống của tôi như từ thiên đường rơi thẳng xuống địa ngục.
Lúc đầu các chú, các bác đều tranh nhau nuôi tôi. Khi ấy tôi còn nhỏ dại, cứ ngỡ họ thật lòng thương, muốn cho tôi một amis ấm. Nào ngờ tất cả sự tử tế ấy đều vì căn nhà và khoản tiền bồi thường mà cha tôi để lại. Chẳng bao lâu sau tôi bị lừa hết sạch tiền, nhà cũng mất. Kể từ đó họ không còn đối xử tốt với tôi nữa, ngày nào cũng đánh đập, chửi mắng.
Cô giáo chủ nhiệm cấp 2 của tôi, cô Hoàng, biết được hoàn cảnh khó khăn của tôi nên tìm cách giúp đỡ, muốn đòi lại nhà và tiền bồi thường cho tôi. Nhưng làm sao họ lại chịu nhả ra những thứ đã nuốt vào bụng? Cuối cùng tôi trở thành đứa trẻ không nhà cửa, không nơi nương tựa.
Thương cảm cho hoàn cảnh của tôi, cô Hoàng đưa tôi về nhà sống. Nhưng chồng cô Hoàng lại không đồng ý. Tôi thường xuyên chứng kiến cảnh họ cãi nhau vì tôi. Chú ấy muốn đuổi tôi đi, cô Hoàng nhất quyết không chịu, cuối cùng tôi trở thành nguyên nhân dẫn đến việc vợ chồng họ ly hôn. Tôi rất áy náy nhưng cô Hoàng nói rằng vợ chồng cô vốn đã có mâu thuẫn, dù không có tôi thì sớm muộn gì họ cũng ly hôn thôi, cô bảo tôi đừng suy nghĩ nhiều, cứ yên tâm sống ở nhà cô.
Lòng tôi rối bời, không biết phải làm sao nên đành tiếp tục ở lại nhà cô Hoàng. Điều duy nhất tôi có thể làm chính là cố gắng học tập thật giỏi để sau này có khả năng báo đáp cô. Nhờ nỗ lực, tôi đã đỗ vào một trường đại học thuộc hàng top trong nước, tương lai cũng nhờ đó mà tươi sáng hơn.
Trong suốt những năm qua, cô Hoàng luôn sát cánh cùng tôi. Ba năm học cấp ba, cô đã lo toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho tôi. Lên đại học, tôi đã xin vay vốn hỗ trợ học tập. Những lúc rảnh rỗi, tôi cũng đi làm thêm, tuy kiếm được không nhiều nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống. Dù vậy, cô Hoàng vẫn lo tôi thiếu thốn nên thường xuyên gửi tiền cho tôi. Tuy không cha mẹ nhưng tôi lại có một người cô giáo yêu thương mình, đó là may mắn của đời tôi. Chúng tôi không có quan hệ huyết thống nhưng cô luôn đối xử với tôi như người nhà. Trong lòng tôi, cô ấy như người mẹ thứ hai, là người tôi muốn phụng dưỡng cô khi về già.
Cách đây vài năm, khi cô Hoàng nghỉ hưu, tôi đã muốn đón cô về sống cùng nhưng cô không đồng ý. Tôi biết cô sợ làm phiền đến cuộc sống tôi nên không muốn lên thành phố. Thấy cô Hoàng vẫn còn khỏe mạnh, tôi cũng không ép buộc. Tuy nhiên, tôi và chồng vẫn thường xuyên về thăm cô.
Hai năm trước, cô Hoàng bị ốm một trận, từ đó sức khỏe yếu đi nhiều. Hơn nữa, cô cũng đã gần 70 tuổi nên dù cô từ chối tôi vẫn nhất quyết đón cô lên ở cùng cho tiện chăm sóc. Quyết định này của tôi được chồng và bố mẹ chồng rất ủng hộ, họ bảo đó là việc tôi nên làm để báo đáp ân tình của cô Hoàng.
Hiện tại, cô Hoàng đã sống ở nhà tôi được hai năm. Cô và mẹ chồng tôi rất hợp nhau, thân thiết như hai chị em, thường xuyên cùng nhau đi du lịch. Nhìn cả nhà sum vầy, vui vẻ, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, đủ đầy.
Cách đây không lâu, chú ruột của tôi biết chuyện tôi đón cô Hoàng về nhà phụng dưỡng nên đã tìm đến. Chú nói rằng ngày trước bố mẹ tôi mất, chú cũng từng nuôi tôi, giờ tôi đã thành đạt thì cũng nên báo đáp chú. Tôi để mặc chú nói xong thì từ chối thẳng thừng. Năm xưa, nếu chú không lấy mất nhà của bố mẹ tôi đem bán đi, không lấy hết tiền bồi thường của cha để lại thì tôi đã không đến mức không có nhà để về như vậy. Người thân như vậy thì có ích gì? Đối với tôi, cô Hoàng mới là người thân trong nhà, là người cha người mẹ thứ hai của tôi. Lòng hiếu thảo của tôi chỉ dành cho cô ấy mà thôi.
Xem thêm: Mệt mỏi vì đám giỗ - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm