Người phụ nữ 16 năm miệt mài trồng thuốc nam làm từ thiện

Suốt 16 năm qua, bà Lê Thị Ngọc Mai (50 tuổi, trú tại xã Lịch Hội Thượng. H. Trần Đề, Sóc Trăng) miệt mài chăm sóc vườn thuốc nam cung cấp miễn phí cho các phòng khám từ thiện khắp các tỉnh miền Tây.

Người phụ nữ 16 năm miệt mài trồng thuốc nam làm từ thiện

Suốt 16 năm qua, bà Lê Thị Ngọc Mai (50 tuổi, trú tại xã Lịch Hội Thượng. H. Trần Đề, Sóc Trăng) miệt mài chăm sóc vườn thuốc nam cung cấp miễn phí cho các phòng khám từ thiện khắp các tỉnh miền Tây.

Theo lời chia sẻ của bà Mai, năm 2018 bà bắt đầu thực hiện mô hình vườn thuốc nam từ thiện với diện tích 2.000 m2. Ban đầu do chưa biết nhiều về cây giống và kỹ thuật chăm sóc nên bà chỉ trồng một ít loại sưu tầm được. Sau thời gian tham khảo sách báo và tìm đến một số cơ sở thuốc nam để học hỏi, dần dà bà có thêm kiến thức, biết rõ dược tính từng loại thuốc, rồi vừa trồng vừa sưu tầm thêm.

Biết việc làm ý nghĩa của bà Mai, nhiều tình nguyện viên đến xin tham gia cùng. Đến nay, tổ thuốc nam từ thiện của người phụ nữ miền Tây này có hơn 30 thành viên. Nhờ sự hỗ trợ đất của chùa Hội Phước, kinh phí từ các nhà hảo tâm, công lao động từ hội viên hội phụ nữ mà vườn thuốc nam đã được nhân rộng thành 8 vườn với tổng diện tích gần 16.000 m2.

Sau nhiều năm gom góp, tìm tòi các loại cây thuốc, từ vài giống ban đầu hiện vườn thuốc nam của bà Mai rất đa dạng chủng loại như: đinh lăng, trắc bá diệp, hoa lài, dành dành, kiến cò, cỏ cú… Mỗi tháng, vườn cung cấp cho các phòng khám từ thiện trong và ngoài tỉnh khoảng 2 tấn thuốc khô, 10 tấn thuốc tươi (tùy mùa mưa hay nắng). Để phơi thuốc hợp vệ sinh, các thành viên trong tổ còn góp tiền thuê thợ làm giàn phơi bằng sắt, cách mặt đất gần 1m.

Gia đình khó khăn, phải làm thuê kiếm sống nhưng bà Nguyễn Thị Lợi (71 tuổi, ngụ xã Lịch Hội Thượng) vẫn tranh thủ thời gian rảnh trong ngày để đến phụ chặt, phơi thuốc. "Công việc tại đây không quy định thời gian, khi nào rảnh rỗi thì tới. Thông thường, ai sắp xếp công việc gia đình xong thì đến đây phụ giúp. Mỗi người một khâu nên làm nhanh lắm, ngày nào không đến được thì thấy buồn", bà Lợi chia sẻ.

Ngoài làm vườn thuốc nam từ thiện, bà Mai còn cùng các chị em thành lập quỹ heo đất để góp vốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, người nghèo không nơi nương tựa. Số tiền các thành viên đóng góp ít hay nhiều tùy khả năng mỗi người. Đến nay, quỹ heo đất có hơn 100 thành viên.

Ông Nguyễn Văn Hành, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H.Trần Đề, Sóc Trăng cho biết: "Cô Mai đã thực hiện rất nhiều mô hình thiện nguyện giúp hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương. Biết được hoàn cảnh nào khó khăn, dù ở vùng sâu, vùng xa cô cũng lặn lội tìm đến hỗ trợ. Đặc biệt, cô dành nhiều thời gian và công sức trồng thuốc nam đem tặng các phòng khám từ thiện ở nhiều nơi".

Xem thêm: “Anh hùng từ thiện” xây nhà nội trú giúp học sinh vùng cao có điều kiện bám trường