Quế ngồi cạnh mẹ, chăm chút cho bà từng li từng tí. Mỗi khi mẹ cựa mình hay hé mắt nhìn cô đều mỉm cười, nói lời yêu hương động viên để mẹ thấy yên lòng. Gọi là mẹ nhưng bà Bưởi không phải là người sinh ra cô. Thực tế, ngay cả mẹ đẻ cũng không được nhận tình yêu thương nhiều như cô dành cho mẹ Bưởi. Người khác nhìn vào có thể sẽ cảm thấy kỳ lạ, nhưng Quế hiểu rất rõ lòng mình. Cô đối xử như thế không chỉ vì tình cảm đơn thuần, mà còn cả một câu chuyện dài phía sau…
Thời ấy Quế 4 tuổi, mẹ ruột bỏ nhà đi theo tiếng gọi tình yêu, bỏ lại hai bố con Quế bơ vơ. Bây giờ thì cô hình dung được nỗi nhọc nhằn của một người đàn ông gà trống nuôi con, nhưng khi ấy cô còn nhỏ quá nên đanh đá cá cầy lắm, hành cho bố khốn đốn vô cùng. Đỉnh cao của mâu thuẫn của hai bố con Quế là sau 1 năm mẹ bỏ đi, bố dẫn về nhà một người phụ nữ, chính là mẹ Bưởi bây giờ.
Bố giới thiệu: “Đây là cô Bưởi, bạn của bố, từ nay sẽ ở cùng bố con mình, cô sẽ thay mẹ chăm sóc, dạy dỗ con”.
Một cô bé 4 tuổi nào đã hiểu gì, Quế vùng vằng không chịu, đã vậy xung quanh còn có hàng chục cái miệng hàng xóm ra vào bơm điểu toàn những điều tồi tệ khiến Quế không ngừng tìm cách hành hạ người dám thế vào chỗ mẹ Kiều, từ bôi phân vào quần áo, bỏ cả thìa muối to vào nồi canh, rồi châm kim xì hơi xe máy của cô Bưởi,… Cô Bưởi dù rất kiên nhẫn song chẳng thể chịu nổi sự đỏng đảnh, ác nghiệt của đứa con riêng, đành lặng lẽ rời đi.
Cô Bưởi bỏ đi một thời gian, Quế chợt mắc bệnh sởi, phải nằm thoi thóp ở bệnh xá. Quế nghe bố gọi điện cho mẹ đẻ nhờ về chăm sóc con gái ốm, nhưng trái với sự chờ đợi của Quế, mẹ Kiều thẳng thừng từ chối vì bận đi du lịch với người tình. Nhờ họ cũng không được, ai cũng bận chuyện mần ăn. Hết cách bố đành phải nhờ cô Bưởi đến chăm sóc Quế giúp để bố đi công tác.
Dù vẫn bất hợp tác nhưng nhiều lần trong cơn sốt cao, mở mắt ra là Quế lại nhìn thấy cô Bưởi mắt lưng tròng nhìn mình đầy lo lắng, rồi từng thìa nước, thìa cháo cô dịu dàng bón tận miệng đã khiến Quế dần giảm đi ác cảm trong lòng. Sau trận ốm thập tử nhất sinh ấy, dù không mấy thân thiện song Quế đã không còn phản đối quyết liệt việc cô Bưởi về sống với bố.
Một hôm nọ, nhìn ánh mắt trìu mến của cô Bưởi, Quế buột miệng gọi mẹ. Tiếng gọi ấy khiến cả hai đều ngỡ ngàng… Bước ngoặt trong mối quan hệ của mẹ kế con chồng chính là khi mẹ Bưởi sinh em bé. Quế mến em nên dần dần yêu mẹ Bưởi như cách mẹ yêu mình.
Đang miên man nghĩ thì chuông điện thoại của Quế reo lên giữa đêm khuya, đó là số của mẹ Kiều:
“Alo, con nghe đây ạ”
“Chị ơi, mẹ ốm nặng nên nhờ em gọi báo cho chị, mẹ muốn gặp chị”
“Ừ… để chị thu xếp”.
Lòng dạ Quế ngổn ngang, dù không còn yêu thương mẹ đẻ nhưng bà ốm nặng thì cô cũng chẳng lờ đi được. Thế là hôm sau, Quế nhờ em gái chăm sóc mẹ Bưởi để chạy qua nhà mẹ Kiều.
Cảm nhận được sự sống sắp rời đi nên bà Kiều ân hận, gọi Quế đến để xin lỗi, tìm cách bù đắp những thiệt thòi cho cô. Ngồi bên người mẹ đẻ đầu óc Quế trống rỗng, chẳng một chút động lòng vì nhớ lại lần bà từ chối chăm sóc mình khi ốm và bao nhiêu lạnh tình bạc nghĩa khác nữa. Sau những lời biện minh, phải chăng, bà Kiều nói là Quế sẽ được hưởng một phần thừa kế khi bà chết đi. Cô nghe với sự dửng dưng và cảm ơn chiếu lệ, tâm hồn cô vẫn đang mải miết lo cho bà Bưởi ở quê nhà.
Để chồng ở lại mấy ngày, còn Quế quyết định về quê chăm sóc mẹ Bưởi ngay hôm đó, vì lòng dạ cô nóng như lửa đốt, cứ lo lắng điều gì đó… Và đúng như linh cảm, lúc cô về nhà bệnh mẹ Bưởi bỗng trở nặng. Quế băn khoăn nhưng rồi vẫn gọi điện bảo chồng ở lại dự tang lễ của mẹ Kiều, còn cô ở Quê một lòng một dạ chăm sóc mẹ Bưởi. Trời không phụ lòng người, mẹ Bưởi của Quế đã vượt qua cơn bạo bệnh. Nhìn mẹ Bưởi khỏe lên từng ngày, cô thấy lòng phơi phới vì đã chọn đúng, hết lòng phụng dưỡng đáp lại tấm lòng của mẹ Bưởi. Khoản thừa kế cô được hưởng từ mẹ Kiều so với nụ cười hiền hậu của người mẹ kế đã chăm sóc, nuôi dưỡng cô nên người hôm nay thì không lớn tí nào…
Xem thêm: 10 năm chăm sóc vẫn không bằng em trai – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm