Mẹ tôi năm nay tròn 80 tuổi.
Mẹ tôi năm nay tròn 80 tuổi. Mẹ có 4 người con, tôi là con gái út, trên tôi là 3 anh trai. Bố tôi mất cách đây gần 10 năm, hiện mẹ đang ở cùng gia đình anh cả. Mùng 4 Tết vừa rồi các anh tôi bàn nhau làm 30 mâm cỗ để mừng thọ cho mẹ. Ở làng tôi, 80 tuổi được xem là tuổi xưa nay hiếm nên lễ mừng thọ của các cụ được con cháu rất coi trọng, tổ chức linh đình.
Mẹ có 4 người con, tôi là con gái út, trên tôi là 3 anh trai. Bố tôi mất cách đây gần 10 năm, hiện mẹ đang ở cùng gia đình anh cả. Mùng 4 Tết vừa rồi các anh tôi bàn nhau làm 30 mâm cỗ để mừng thọ cho mẹ. Ở làng tôi, 80 tuổi được xem là tuổi xưa nay hiếm nên lễ mừng thọ của các cụ được con cháu rất coi trọng, tổ chức linh đình.
Nhưng đó là trường hợp các cụ còn minh mẫn, khỏe mạnh chứ với trường hợp tai biến nằm liệt giường, không biết gì như mẹ thì tôi thấy thật kệch cỡm.
Cách đây 1 năm, mẹ tôi bị tai biến, từ đó bà không thể xuống giường đi lại. Thời gian đầu mẹ còn tỉnh táo nhưng gần đây mẹ lúc nhớ lúc quên, ngay cả đi vệ sinh cũng không thể tự chủ.
Trước Tết 20 ngày anh em tôi ngồi lại bàn với nhau chuyện tổ chức lễ mừng thọ cho mẹ. Các anh tôi thống nhất ý kiến làm 30 mâm cỗ để mời anh em họ hàng và hàng xóm láng giềng. Tôi lại có ý kiến khác, tôi cho rằng trong lúc mẹ ốm đau nằm liệt giường như vậy việc tổ chức mừng thọ linh đình là không cần thiết. Thay vào đó chỉ nên làm 3-4 mâm cỗ để con cháu ruột thịt trong nhà đến chung vui cùng mẹ, rồi mua bánh kem, cùng mẹ thổi nến và chụp tấm ảnh gia đình để làm kỷ niệm. Như vậy vừa ấm cúng lại vừa ý nghĩa.
Nghe ý kiến của tôi các anh ra sức phản đối. Các anh bảo mẹ được 80 tuổi mà các con không làm cái lễ mừng thọ ra hồn sẽ bị cả làng cười vào mặt cho. Các anh sợ mang tiếng keo kiệt, nghèo hèn rồi sợ mẹ tủi thân. Thậm chí các anh còn đem so với nhà khác khi cha mẹ mới tròn 70 tuổi họ đã làm 40-50 mâm cỗ mừng thọ. Tôi nói hết nước hết vẫn chẳng thể ngăn được các anh.
Thế là mùng 4 Tết, trong khi mẹ tôi nằm liệt giường không biết gì, bên ngoài sân con cháu lại tổ chức tiệc tùng linh đình. Mọi người đến mừng thọ cũng ghé vào phòng gửi phong bì rồi hỏi thăm nhưng mẹ chỉ ú ớ, chẳng nhận rõ mặt người nào. Mẹ cũng chẳng thể ngồi ghế chụp ảnh kỷ niệm cùng mọi người như các đám mừng thọ khác. Nhìn cảnh trong nhà ngoài sân đối lập mà tôi thấy xót xa trong lòng. Tôi bỗng thấy buổi lễ mừng thọ như một điềm báo chẳng lành cho người mẹ già ốm yếu của mình.
Mùng 4 Tết, mọi người vừa trải qua mấy ngày Tết no nê nên cũng chẳng ai hứng thú với cỗ bàn. Đồ ăn thừa thãi đến phân nửa. Cuối buổi lễ, con cháu lại phải bảo nhau phương án chia chác và trữ đồ ăn thừa. Tôi thấy thật lãng phí và vô nghĩa.
Chưa kể, tôi còn nghe làng xóm bàn ra tán vào bảo: “Mẹ nằm liệt giường mà còn mừng thọ rầm rộ. Đây là con cháu tổ chức cho mình, vui cho mình, chứ cụ có biết gì đâu”... Tôi không biết, nếu nghe được những lời này liệu các anh mình có suy nghĩ lại hay không.
Tối mùng 5 Tết, cụ bà hàng xóm sang nhà tôi uống nước. Lúc nói chuyện cụ có tâm sự rằng, hôm mừng thọ tuổi 90, các con không tổ chức linh đình, chỉ làm đúng 3 mâm cỗ cho con cháu trong nhà rồi mua cho cụ một chiếc bánh sinh nhật để cụ thổi nến.Nhìn thấy cảnh con cháu sum vầy, đứa nào đứa nấy chúc cụ sống lâu, sống khỏe cụ vui đến nỗi đêm đó không ngủ được. Cái ngày cụ mừng thọ tuổi 85, con cháu tổ chức 40 mâm cỗ, cụ cũng không cảm thấy vui như thế.
Tôi chợt nghĩ, quả thực đôi khi con cái chỉ làm cho thỏa lòng mình chứ chẳng hề nghĩ đến cảm xúc thật của đấng sinh thành.
Xem thêm: Kiệt sức khi phải theo chồng chúc 30 đám mừng thọ trong làng - Câu chuyện đáng suy ngẫm