Hai chữ “ĐƯỢC – MẤT” trong đời – Câu chuyện nhân văn cảm động

Và rồi sau 32 về chung nhà, con cái trưởng thành, chữ “ĐƯỢC” không còn nữa mà chữ “MẤT” thay vào. Đời là vậy, không ai biết trước được điều gì.

Hai chữ “ĐƯỢC – MẤT” trong đời – Câu chuyện nhân văn cảm động

Và rồi sau 32 về chung nhà, con cái trưởng thành, chữ “ĐƯỢC” không còn nữa mà chữ “MẤT” thay vào. Đời là vậy, không ai biết trước được điều gì.

Năm học cuối cấp, tôi lấy một nửa tờ giấy viết mấy chữ in hoa nắn nót: “TAO YÊU MÀY CÓ ĐƯỢC KHÔNG?”, để gửi cho cô bạn gái ngồi bàn trên. Tôi gói cái thước kẻ vào bên trong tờ giấy, rồi chọc chọc vào lưng cô bạn. Cô không ngoảnh lại mà quơ tay về phía sau lấy cả cái thước lẫn tờ giấy.

Một lúc sau cây thước kẻ đập đập vào chân tôi dưới gầm bàn. Cúi xuống cầm lên vẫn tờ giấy ban nãy, mở ra mỗi chữ “ĐƯỢC” viết to tướng, nguệch ngoạc. Tôi cầm xem lấy lần, miệng cứ tủm tỉm cười, quên mất đang là giờ giảng văn của cô Liên.

Cô xuống bàn tôi tự lúc nào mà tôi không biết, vẫn mải miết ngắm từ “ĐƯỢC” trên giấy. Cô nói nhẹ nhàng: “Em Khánh đứng dậy, em đưa cô xem tờ giấy đang cầm?”.

Tôi giật mình đứng lên như một cái lò xo mất bình tĩnh, vội vàng đưa tờ giấy cho cô, toàn thân run lên vì bất ngờ và vì sợ. Cả lớp nhìn về phía tôi… ai nấy đều mở mắt tròn xoe, đang không hiểu chuyện gì xảy ra. Bàn trên mọi người cũng ngoái lại… chỉ riêng người ấy là không.

Cô Liên nhìn tôi không nói gì và trả lại cho tôi tờ giấy, lúc ấy là năm 1968.

Rồi tôi vào lính còn người ta thì vào đại học, xa nhau đằng đẵng. Những lá thư đi, những lá thư về làm chúng tôi ngày càng hiểu nhau hơn. Tôi kể cho người ta nghe về những đêm hành quân vượt sông gian khổ, nguy hiểm, rồi những điều hành quân qua đồi vắng không bóng người chỉ toàn hoa sim một màu tím ngắt, rồi những trận đánh ác liệt với quân thù. Còn người ta kể cho tôi nghe những năm đi học sơ tán, vật chất thiếu thốn, nhưng luôn có hình tôi trong trái tim động viên.

Sau này ra trường, người ta cũng đi dạy văn và hay nhắc lại chuyện cũ. Cô Liên trả lại tờ giấy có chữ “ĐƯỢC” cho tôi, người ta nhớ lại bảo khi đó người ta cũng bình thường, không sợ lắm, chỉ hơi lo thôi. Khi cô Liên trả lại tờ giấy và không nói gì, người ta cũng nhẹ nhõm, lâng lâng một ý nghĩ xa xôi…

Một lần nọ, trong thư người ta viết: “Chiến tranh không biết khi nào kết thúc mà xuân thì người con gái có hạn… biết tìm anh nơi đâu”.

Mãi cho đến cuối năm 1979 tôi mới có dịp về phép lâu ngày và chữ “ĐƯỢC” ngày ấy mới trở thành hiện thực. Và rồi sau 32 về chung nhà, con cái trưởng thành, chữ “ĐƯỢC” không còn nữa mà chữ “MẤT” thay vào. Đời là vậy, không ai biết trước được điều gì. Có lẽ là số phận hay do người ta không muốn ở với bố con tôi, cũng có khi là do tổ tiên gọi người ta về.

Trong làn khói hương mong manh, tôi vẫn thấy người ta về, bóng dáng vẫn như ngày rồi, được một chút rồi người ta lại đi, để lại trong tôi nỗi buồn vắng, cô quạnh…

Xem thêm: Bát nước chấm thừa – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm