Đừng để yêu thương trở nên muộn màng – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Cái vết loét dạ dày từng khiến cả nhà tôi sợ hãi mất ăn mất ngủ không ngờ lại giúp mọi người tỉnh ngộ rằng hãy luôn yêu thương, quan tâm tới nhau ngay từ giây phút này, ngay hôm nay.

Đừng để yêu thương trở nên muộn màng – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Cái vết loét dạ dày từng khiến cả nhà tôi sợ hãi mất ăn mất ngủ không ngờ lại giúp mọi người tỉnh ngộ rằng hãy luôn yêu thương, quan tâm tới nhau ngay từ giây phút này, ngay hôm nay.

Dạo đó ông hay kêu đau bụng, ăn uống cũng ít hơn bình thường. Bố giục ông đi khám nhưng ông bảo vẫn ổn, chưa đến mức phải gặp bác sĩ. Nhưng thấy tình trạng sức khỏe ông ngày một giảm sút, chỉ 2 tuần ông đã tụt mất 2 cân, không thể chần chờ hơn, bố tôi quyết định “áp tải” ông đến bệnh viện.

Qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán ông có một vết thương khá sâu trong dạ dày, hình thái của vết thương có thể là dấu hiệu của ung thư. Tuy nhiên, đây chỉ là nghi ngờ, muốn kết luận chính bác cần phải đến bệnh viện chuyên khoa kiểm tra, làm xét nghiệm chuyên sâu.

Các nhà tôi xôn xao vì lo cho ông. Bố mẹ tôi thở dài thườn thượt, đi ra đi vào không yên, còn tôi thì bật khóc ngay trước mặt ông. Cuối cùng, ông lại là người an ủi mọi người, bảo đừng quá lo lắng rồi trầm trọng hóa mọi việc, ông nói: “Ối giời, bố thấy mình còn khỏe lắm, còn có thể sống tới 100 tuổi lận!”. Ông vốn là người lạc quan nên thấy con cháu lo lắng, ông nói thế cho mọi người bớt lo.

Bố đưa ông lên thành phố thăm khám lại, bác sĩ hẹn 4 ngày sau trả kết quả. Những ngày sau đó là những ngày giông bão với gia đình tôi. Mọi người đều tỏ ra bình thản nhưng tôi biết ai cũng lo lắng, hồi hộp cả. Nhất là tôi, cô cháu gái được sống bên ông suốt ngày thơ ấu. Tôi nhớ những ngày hè được nghỉ học, bố mẹ đi làm, chiều nào ông cũng dẫn tôi ra ao làng để dạy bơi. Nhờ ông mà tôi biết đi xe đạp, có thể tự mình đến trường. Những ngày ở nhà cùng ông, bữa trưa hai ông cháu chỉ ăn mấy món đơn giản như tôm rang, đậu phụ rán,… nhưng với tôi đó là những món ngon nhất trên đời.

Rồi chẳng biết lúc nào, tôi ngày một lớn lên, thời gian bên ông cũng ngày càng hạn hẹp. Tôi thích được ngồi sau xe đạp điện của bạn thay vì phải tự mình đạp chiếc xe đạp cũ tróc sơn mà ông cho tôi. Thay vì đi bơi, tôi nằm nhà chơi game, lướt điện thoại. Những chiều tan học tôi cũng hay rủ bạn vào quán ăn xúc xích, bánh tráng trộn,… nên lúc về nhà tôi cũng không mấy hào hứng với cơm ông nấu nữa. Đến khi vào cấp 3, việc học ngày càng nhiều, cả ngày tôi chỉ nói với ông đúng 1-2 câu là “chào ông cháu đi học” hoặc “cháu đi học về rồi ạ”.

Đến khi biết ông có khả năng mắc bệnh hiểm nghèo tôi mới bừng tỉnh, ước giá như mình có thể quay ngược thời gian để ở bên cạnh ông, trò chuyện cùng không, không “bỏ lơ” ông như đã từng…

Rồi cuối cùng, ngày nhận kết quả cũng đã tới. Cả buổi học hôm đó tôi chỉ nghĩ đến ông, hết giờ học là tôi đạp xe như bay về nhà. Bố tôi trên thành phố gọi điện về  báo là ông không sao cả, đó là vết loét dạ dày, chỉ cần uống thuốc điều trị thời gian là sẽ khỏi. Cả nhà tôi nghe tin mà mừng rơi nước mắt. Tôi reo hò vang nhà, còn mẹ tôi thì luýnh quýnh đi thịt gà để liên hoan mừng ông “trở về từ cõi chết”.

Đến nay, sau mấy tháng tích cực uống thuốc theo đơn, ông tôi đã gần bình phục. Hàng ngày, ông vẫn giúp con cháu làm việc nhà, rồi thi thoảng nấu cho cháu gái các món cháu thích. Nhìn ông, tôi tự nhủ với mình: Cái vết loét dạ dày từng khiến cả nhà tôi sợ hãi mất ăn mất ngủ không ngờ lại giúp mọi người tỉnh ngộ rằng hãy luôn yêu thương, quan tâm tới nhau ngay từ giây phút này, ngay hôm nay. Đừng đợi người thân của mình ốm rồi mới nói từ giá như.

Xem thêm: Ngôi mộ vô danh – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm