Hành trình 5 năm chạy xe hàng trăm cây số dạy tiếng Anh miễn phí của thầy giáo về hưu

5 năm qua, dù nắng hay mưa, thầy Phùng Viết Hòa đều đặn đi hàng trăm cây số vào chủ nhật để dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh ở Ba Vì.

Hành trình 5 năm chạy xe hàng trăm cây số dạy tiếng Anh miễn phí của thầy giáo về hưu

5 năm qua, dù nắng hay mưa, thầy Phùng Viết Hòa đều đặn đi hàng trăm cây số vào chủ nhật để dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh ở Ba Vì.

Sáng chủ nhật hàng tuần, ông Hòa, nguyên Phó trưởng khoa Ngoại ngữ, Học viện Cảnh sát nhân dân, từ Hà Nội về quê Ba Vì cách nhà khoảng 60 km, dạy tiếng Anh cho học sinh ở thôn Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh. Lớp học miễn phí do ông Hòa cùng một người bạn mở vào năm 2018, duy trì đều đặn 5 năm qua.

Ông Hòa là người thôn Ngọc Nhị. Ông tốt nghiệp khoa tiếng Anh, trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 1981 và được tuyển vào Đại học Cảnh sát (nay là Học viện). Trong thời gian giảng dạy tại đây, ông được cử đi học và tốt nghiệp thạc sĩ về giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài tại Đại học Canberra, Australia.

Nhiều lần về quê, thấy các cháu nhỏ yêu thích tiếng Anh, muốn học nhưng không biết học ở đâu, gia đình cũng không có điều kiện, ông Hòa quyết định dùng kinh nghiệm, kiến thức và niềm đam mê học tập của mình truyền dạy lại cho các cháu.

"Tôi muốn giúp đỡ con em quê hương học tốt tiếng Anh, hoàn toàn miễn phí", ông Hòa, 65 tuổi, nói.

Dự định về lớp học miễn phí có từ khi còn công tác nhưng phải hai năm sau khi nghỉ hưu, ông mới thực hiện được. Biết ý định của chồng, bà Phùng Thị Hằng ủng hộ ngay.

Là người cùng thôn, ông bà lớn lên giữa những năm tháng nghèo khó. Ông Hòa có 7 người em, ngày nhỏ ham học nhưng không có điều kiện, thường phải đi chăn trâu, cắt cỏ, bán sắn phụ giúp gia đình. Sau này khi cuộc sống khá hơn, ông vẫn thường trở về giúp đỡ anh em và người dân ở nhà.

Thầy giáo Phùng Viết Hòa

"Ông Hòa là người con của làng. Tấm lòng của ông ấy rất đáng trân trọng", ông Phùng Công Lợi, trưởng thôn Ngọc Nhị, nói. Khi biết ý tưởng của ông Hòa, thôn hỗ trợ địa điểm học là hội trường của người cao tuổi, điện nước và quạt. Bàn ghế học sinh được các mạnh thường quân ủng hộ. Sau đó, thông tin về lớp tiếng Anh được phát qua loa phóng thanh của thôn để người dân biết và đưa con cháu tới đăng ký.

Theo ông Hòa, khó khăn nhất là học sinh đăng ký đông, trong khi chỉ có mình ông là người dạy. Các cháu cũng khác nhau về độ tuổi, có cháu lớp 1 nhưng cũng nhiều cháu đã lớp 6, 7. Ông phải hỏi từng học sinh để phân lớp. Những cháu chưa làm quen với tiếng Anh được xếp vào lớp 1, bạn nào đã học rồi sẽ vào lớp 2. Lúc đầu hai lớp có khoảng 70-80 học sinh, học vào thứ bảy và chủ nhật.

Ông dùng bộ English World gồm hai cuốn, giá 200.000 đồng, của nhà xuất bản Macmillan, Anh, làm giáo trình dạy. Sách đắt, học sinh không có điều kiện mua nên ông photo cho học sinh có tài liệu học. Tiêu chí chọn sách của ông là có đủ 4 kỹ năng. Sách này vừa có hội thoại, tranh ảnh, có bài luyện tập từ vựng, ngữ pháp, viết, nghe, phù hợp với học trò.

Có hơn 40 năm kinh nghiệm, ông Hòa nắm chắc phương pháp giảng dạy và tâm lý giáo dục song thời gian đầu vẫn phải làm quen vì học sinh ở độ tuổi nhỏ, hiếu động, vừa học vừa đùa nghịch. Những lúc này, ông thường dặn học sinh làm theo chỉ dẫn không tự ý nói trong giờ.

"Các cháu nhỏ phải vừa dạy vừa dỗ", ông Hòa kể.

Một buổi học của ông luôn bắt đầu với phần warm-up (khởi động) để tạo không khí. Ông viết chữ cái hoặc từ vựng tiếng Anh lên bảng, sau đó gọi 3-4 học sinh lên nghe đánh vần và viết từ. Dưới lớp, các bạn viết theo và nhận xét.

Theo ông, trong bốn kỹ năng tiếng Anh, nghe và nói rất quan trọng. Lớp ở trường đông học sinh, các cháu ít được thực hành nên không nói được. Hơn nữa, người Việt thường mắc lỗi với phụ âm vô thanh, hữu thanh hay âm cuối khi nói. Do đó, ông muốn tập trung vào hai kỹ năng này và chỉnh sửa kỹ các lỗi phát âm.

"Chỉnh đến phát mệt vẫn phải làm. Nhiều cháu cáu lắm nhưng tôi bảo các con đừng nóng, bao giờ làm được thì thôi", ông chia sẻ.

Ở kỹ năng nghe, ông dạy học trò cách quan sát để đoán nội dung, yêu cầu của đề ra sao và biết cách nắm bắt từ khóa qua ngữ điệu, trọng âm. Ví dụ câu: It is pink and purple (Nó màu hồng và tím), người nói sẽ nhấn mạnh vào "pink" và "purple" nên chỉ cần nghe được hai từ đó, thay vì tập trung nghe hết cả câu.

"Dần dần tôi không phải chỉ dẫn nữa, các con nghe được luôn vì đã biết cách", ông nói.

Ông Hòa cho biết lớp từng hai lần gián đoạn vì dịch bệnh. Lúc mở lại, địa điểm phải thay đổi vì thôn sửa chữa hội trường, nhiều học sinh chưa kịp thu xếp nên số lượng hiện sĩ số chỉ còn 30-40, học vào chủ nhật.

Lớp tiếng Anh của ông Hòa đến nay đã có ba khóa lớp 2 "tốt nghiệp", với khoảng 60 học sinh, nhiều học sinh đỗ vào cấp 3. Học sinh có thể giao tiếp cơ bản, biết đọc, viết đúng quy tắc và có kỹ năng làm bài, theo ông Hòa.

Phùng Viết An, học sinh lớp 3, trường Tiểu học Cẩm Lĩnh, luôn mong đến chủ nhật để đến lớp của thầy Hòa. An theo học từ năm ngoái, là một trong hai học sinh học tốt nhất lớp.

"Con thích đi học vì vui và dễ hiểu. Lúc đầu con chỉ biết vài từ nhưng giờ con tiến bộ 80-90%", An khoe. Cậu học trò cho hay thích nhất phần học đọc vì được thầy mở rộng kiến thức và từ vựng.

Chị Thơm, mẹ An, kể khi mới vào lớp, An không viết theo được bài giảng trên bảng và không đọc được bài nhưng giờ đọc trôi chảy, viết tốt hơn nhờ thầy dạy kỹ, học đến đâu chắc đến đó.

Cũng có con theo học từ năm lớp 2, chị Thắm cho hay không chỉ dạy kiến thức, lớp tiếng Anh của thầy Hòa còn rèn nền nếp, ý thức kỷ luật cho học sinh. Chị và nhiều bố mẹ thường cắt cử nhau tới dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị đồ dùng để hỗ trợ thêm cho thầy Hòa.

"Hiếm có thầy giáo nào tâm huyết và nhiệt tình như vậy. Nhiều hôm mưa rét, thậm chí ngập, thầy vẫn đến", chị Thắm kể.

Hiện ngoài lớp ở quê, sáng thứ ba hàng tuần, ông Hòa còn dạy miễn phí tiếng Anh cho người cao tuổi ở khu dân cư gần nhà. Ông mong có sức khỏe để tiếp tục duy trì các lớp học này.

"Lớp còn một học sinh muốn học, tôi vẫn dạy", ông Hòa nói.

(Theo VnExpress)

Xem thêm: Việc tử tế của thầy giáo trẻ nỗ lực mang tiếng Anh cho trẻ em nghèo