Hãy xem lại cuộc đời của những bậc vĩ nhân vang danh thiên hạ xưa này để thấy vai trò to lớn của người mẹ:
Mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà vì con
Mạnh Tử là triết gia Nho giáo nổi tiếng Trung Quốc và là người tiếp nối Khổng Tử. Ông được xem là ông tổ thứ hai của Nho giáo và được hậu thế tôn làm "Á thánh Mạnh Tử".
Mạnh Tử mồ côi cha từ nhỏ và được mẹ là bà Trương thị một tay nuôi nấng, giáo dục. Tuy là phụ nữ nhưng Trương thị không nuông chiều mà nuôi dạy con rất khắt khe, đồng thời có những suy nghĩ đúng đắn trong việc chọn lựa môi trường sống cho con.
Để Mạnh Tử phát triển tốt về nhân cách, bà từng 3 lần chuyển nhà để con có môi trường sống tốt nhất. Chuyện kể lại rằng, ngôi nhà đầu tiên 2 mẹ con chuyển đến ở gần một nghĩa địa. Thấy con trai thường xuyên chạy ra bãi tha ma nghịch ngợm, bà Trương thị đã nghĩ: "Nơi u ám như vậy không phải chỗ con ta ở được" và lập tức rời đi.
Nơi thứ hai mẹ con Mạnh Tử chuyển đến là gần một khu chợ. Ở nơi sống mới, Mạnh Tử bị nhiễm theo lối ăn gian nói dối của dân buôn ở chợ. Trương thị khi ấy lại tiếp tục lo lắng: "Nơi thị phi này cũng không phải chốn cho con ta ở được" và tiếp tục chuyển nhà.
Cuối cùng, hai mẹ con chuyển đến sống gần trường học. Tại thấy, Trương thị vui mừng khi thấy con trai thi đua học lễ nghĩa, nhân cách với bạn học. Bà quyết định ở lại vì: "Đây mới thực sự là nơi cho con ta nên người".
Ngoài câu chuyện 3 lần chuyển nhà đó, bà Trương thị còn nổi tiếng bởi dạy con biết cần cù, chăm chỉ, siêng năng và luôn phải giữ thái độ kiên trì, nhẫn nại khi gặp khó khăn.
Minh chứng cho điều này là một lần Mạnh Tử bỏ học về nhà chơi. Khi đó Trương thị đang ngồi khung cửi, trông thấy vậy liền cầm dao cắt đứt ngang tấm vải đang dệt rồi khóc: "Con đang đi học mà bỏ học thì cũng giống như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy".
Xúc động trước lời mẹ dạy, Mạnh Tử sau đó chuyên tâm học hành. Và sau này, chúng ta có được một bậc hiền nhân nổi tiếng.
Mẹ Khấu Chuẩn dạy con tu thân vì nhân dân
Khấu Chuẩn là đại thần Bắc Tống, từng làm đến chức quan Tể tướng. Ông nổi tiếng bởi tính tình cương trực, nhiều lần thẳng thắn can gián nên dần dần được hoàng đế trọng dụng.
Chuyện kể lại rằng, Khấu Chuẩn từ nhỏ đã mồ côi cha, cả gia đình nghèo khó phải dựa vào nghề dệt vải của mẹ để sống qua ngày.
Mỗi đêm khi dệt vải, mẹ Khấu Chuẩn thường đốc thúc con đọc sách và học tập. Khi Khấu Chuẩn lên kinh thành dự thi và đậu tiến sĩ thì ở nhà có tin mẹ ông lâm bệnh nặng.
Giây phút lâm chung, bà giao bức họa tự vẽ cho người nhà họ Lưu và dặn: "Khấu Chuẩn sau này nhất định sẽ làm quan, nếu nó phạm lỗi lầm thì hãy giao bức họa này cho nó".
Sau này Khấu Chuẩn làm quan thật và còn làm đến chức Tể tướng. Một lần ông mời bạn bè đến, định tổ chức tiệc rình rang để chúc mừng sinh nhật bản thân. Người nhà họ Lưu thấy đây chính là thời điểm mà mẹ Khấu Chuẩn căn dặn trước khi qua đời nên lập tức lấy bức họa đưa cho ông xem.
Khấu Chuẩn xem qua và thấy trên bức họa "Hàn song khóa tử đồ" là một bài thơ như sau:
"Cô độc dưới ánh đèn đọc sách bao khổ nhọc,
Mong con tu thân thành tài dốc sức vì nhân dân.
Mẹ hiền dạy dỗ gia phong cần kiệm,
Ngày phú quý giàu sang chớ quên cảnh bần hàn".
Đọc những lời tâm can mẹ nhắn gửi, Khấu Chuẩn bật khóc như mưa. Ngay sau đó, ông ra lệnh giải tán tiệc mừng sinh nhật. Nhớ lời vàng ngọc của mẹ, Khấu Chuẩn một lòng tu thân tích đức và trở thành một vĩ nhân được lưu danh muôn thuở.
Xem thêm: Dạy con thành tài: Nhân phẩm và học vấn, cái nào quan trọng hơn?