Nguyễn Trung Thành là nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, ông có nhiều gắn bó sâu nặng với mảnh đất Tây Nguyên, và chính những kỉ niệm, tình cảm với mảnh đất này đã mang đến chất liệu phong phú trong các sáng tác của nhà văn, trong đó, truyện ngắn Rừng xà nu chính là một hình ảnh thu nhỏ của Tây Nguyên bạt ngàn, nơi có cụ Mết, Tnú, Mai, Dít - những con người anh hùng với vẻ đẹp kiên cường, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, và với nhân vật Dít - hình ảnh của người con gái Tây Nguyên bản lĩnh và là điểm sáng đặc biệt trong thiên truyện.
Dít không phải nhân vật chính, nhưng sự xuất hiện của nhân vật Dít có ý nghĩa quan trọng đối với sự sự phát triển của mạch truyện và góp phần thể hiện nội dung chủ đề của truyện ngắn. Dít là em gái của Mai, tuy phải trải qua nhiều đau thương mất mát, nhưng Dít đã bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp và những khía cạnh anh hùng từ rất sớm.
Ngay khi còn nhỏ, Dít đã tỏ ra rất gan dạ, kiên cường. Khi chứng kiến cảnh chị gái (Mai) và đứa cháu nhỏ bị giặc giết hại dã man, dù dân làng không ai kìm được nước mắt tiếc thương, nhưng Dít lại bình tĩnh đến lạ thường. Người con gái ấy câm lặng, không để cho mình rơi dù chỉ một giọt nước mắt, đôi mắt to ráo hoảnh, dường như Dít đang cố gắng nén lại những đau thương, để ghi nhớ những mất mát, sự tĩnh lặng bên ngoài khéo léo che giấu đi những đau đớn, lòng căm thù sôi sục bên trong như ngọn lửa đang nhen nhóm.
Sự gan dạ hơn người của Dít còn được thể hiện trực tiếp thông qua tình huống đối mặt với kẻ thù. Khi bị quân giặc đe dọa, Dít không hề sợ hãi mà vẫn cố gắng bò theo máng nước đem gạo cho cụ Mết và thanh niên. Ngay cả khi bị giặc bắt, bị tra tấn hay khi bị mang ra làm “tấm bia sống” thì Dít vẫn nhìn chúng bằng đôi mắt bình thản đến lạ lùng. Đó là bản lĩnh tuyệt vời của người anh hùng, hình ảnh của Dít gợi cho chúng ta liên tưởng đến những nữ anh hùng vẻ vang một thời là bà Trưng, bà Triệu, Võ Thị Sáu….
Trong cuộc đời của mình, Dít đã phải trải qua nhiều đau thương, mất mát khi chứng kiến chị gái Mại, hay bà con của mình bị giặc giết hại. Thế nhưng, những đau thương ấy không làm Dít gục ngã mà làm cho Dít trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn. Từ rất sớm Dít đã tham gia vào cách mạng, tích cực hoạt động dẫn dắt bà con làm cách mạng. Khi trở thành cô bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã hội, Dít đã rất nghiêm túc, chững chạc, được nhiều người yêu mến. Dít sống tình cảm nhưng vẫn nghiêm túc và kỉ luật trong những công việc chung, dù rất mong và nhớ Tnú nhưng khi Tnú về thăm làng, Dít vẫn yêu cầu Tnú trình báo giấy phép của cấp trên.
Dít là tấm gương anh hùng được người dân làng Xô Man yêu quý và tin tưởng. Trong suy nghĩ của bé Heng, chị Dít nói gì cũng đúng và cần thực hiện nghiêm chỉnh, ta có thể thấy điều này thông qua lời nói của Heng với Tnú “…rửa chân đi, nhưng đừng uống nước lạnh, về chị Dít phê bình cho đấy”.
Qua nhân vật Dít, nhà văn Nguyễn Trung Thành không chỉ thể hiện sự yêu mến, kính trọng đối với những người phụ nữ Tây Nguyên mà còn cho thấy vai trò to lớn của họ trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Dít chính là phần tiếp nối của chị Mai, của người phụ nữ kiên trung đã nằm lại mãi mãi. Hình ảnh của Dít là sự mở ra cho một tương lai sáng sủa hơn, cho mỗi người niềm hy vọng mãnh liệt vào ngày mai, rằng những con người như Dít sẽ làm nên sức mạnh và sự vẻ vang cho dân tộc, bằng bản lĩnh ngời sáng của mình.
(Nguồn: Thưởng Thức Sách)
Xem thêm: Rừng xà nu và những kiến thức cốt lõi 2k5 cần nằm chắc