NLXH về cách ứng xử trên không gian mạng

Mạng xã hội đã và đang tác động rất lớn đến con người, nhất là giới trẻ. Vì thế sự phổ biến ấy dẫn đến hiện trạng nhiều bạn trẻ đang có cách ứng xử chưa đúng mực trên mạng xã hội.

NLXH về cách ứng xử trên không gian mạng

Mạng xã hội đã và đang tác động rất lớn đến con người, nhất là giới trẻ. Vì thế sự phổ biến ấy dẫn đến hiện trạng nhiều bạn trẻ đang có cách ứng xử chưa đúng mực trên mạng xã hội.

Ứng xử là gì? Ứng xử được hiểu là việc con người trò chuyện, trao đổi và giao tiếp, tương tác với nhau trong cuộc sống. Ứng xử trên không gian mạng có sự khác nhau giữa ứng xử thông thường, đó là chúng ta giao tiếp với nhau thông qua mạng xã hội, không gian Internet. Nói một cách dễ hiểu, ứng xử trên không gian mạng đó là chúng ta bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình, tương tác với mọi người về một sự vật, hiện tượng nào đó xuất hiện trên mạng Internet.

Cuộc sống hiện đại, việc sử dụng mạng Internet trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Theo một khảo sát gần đây nhất, hầu hết tất cả người Việt Nam đều sử dụng ít nhất là một mạng xã hội và phổ biến trong đó có thể kể đến mạng xã hội Facebook. Hầu như bất cứ ai cũng có mạng xã hội Facebook để trao đổi, làm việc và cập nhật thông tin một cách nhanh chóng.

Chỉ cần một cái nhấp chuột, vài thao tác cơ bản, những thông tin nổi bật nhất trong ngày đều hiện lên và bên cạnh đó việc liên lạc với bạn bè và người thân cũng được diễn ra một cách dễ dàng chính vì thế “không gian mạng” giống như xã hội thứ hai của con người. Ngày ngày, mọi người đều cập nhật thông tin tại đây, nhiều người có suy nghĩ mạng xã hội là ảo chính vì thế họ thể hiện cái tôi của mình rất lớn. Hàng loạt bình luận văng tục, chửi thề, xúc phạm, chửi rủa một cách thiếu văn minh đã và đang được diễn ra hằng ngày trên không gian mạng. Có những người để kiếm tiền, câu like đã bất chấp đăng thông tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận.

Trên mạng xã hội có vô vàn thông tin khác nhau, nhiều thông tin chưa được kiếm chứng tính thật hư đã được lan truyền một cách vô căn cứ. Các bạn trẻ ngày nay với lối sống nhanh, sống vội và họ bị cuốn vào những câu chuyện ấy lúc nào không hay. Nhiều người thản nhiên chửi bới, thậm chí là đe dọa đối phương trên không gian mạng không ít người gặp những vấn đề tâm lý khác nhau.

Năm 2016, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã xuất bản cuốn sách “Thiện, ác và Smartphone” bàn về cách ứng xử của mọi người trên không gian mạng nhận về nhiều sự chú ý. Trong sách có một đoạn như thế này:

“Ác quỷ không dọn đường cho một cái thiện lớn hơn. Nó dọn đường cho một bãi chiến trường. Nếu trên bãi chiến trường ấy những đấu sĩ trở thành vô danh, những đối thủ chỉ là các avatar hư ảo, những nhát kiếm giết người chỉ cần bấm nút like, thì khả năng tàn sát của chúng ta chẳng kém gì các trò chơi điện tử đẫm máu. Vấn đề ở đây là máu thật và số phận người thật.”

Mạng xã hội là ảo, tuy nhiên đằng sau màn hình máy tính lại là người thật. Người ta chỉ biết rằng mình lên mạng chửi cho sướng mồm, chửi để “nhân danh” công lý, tuy nhiên họ lại không nghĩ rằng việc một cá nhân, tổ chức nào đó nhận về “cơn mưa” chửi từ cộng đồng mạng họ sẽ phải đối diện với áp lực ra sao. Năm 2018, một nữ sinh có tên viết tắt là N sinh năm 2002 tại Đồng Nai phải tìm đến cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết vụ việc của em cùng gia đình. Được biết ở thời điểm đó N đang là học sinh lớp 11. N bị một số cá nhân đăng bài có nội dung xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ danh dự của em cùng gia đình của mình. Tuy nhiên bài viết này lại được phát tán rất rộng rãi trên phương tiện truyền thông. Khi sự việc xảy ra, gia đình N phải chuyển đến một nơi khác để sinh sống. Khi đọc những bình luận không hay về mình trên mạng xã hội N đã bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng và dẫn đến bệnh trầm cảm.

Sự việc trên giúp chúng ta nhận ra văn hóa ứng xử trên không gian mạng của bộ phận giới trẻ ngày nay rất đáng báo động. Nhiều người chưa biết thực hư, đúng sai như thế nào đã vội vàng vào chửi, vào xúc phạm nạn nhân một cách khủng khiếp để rồi nạn nhân rơi vào tình trạng bất ổn tâm lý, nhiều trường hợp vì không chịu được áp lực nên đã đi tìm đến cái chết để giải thoát.

Sự độc hại của không gian mạng cần phải có hướng giải pháp kịp thời để không có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nguyên nhân lớn nhất đến từ chúng ta, những cá nhân đang sử dụng mạng xã hội, Internet mỗi ngày. Đứng trước một sự việc, chúng ta cần phải tìm hiểu thực hư của câu chuyện, không lên mạng chửi bới hay lăng mạ, bôi xấu người khác. Bởi một câu nói của chúng ta có sức sát thương rất lớn. Bạn hãy thử tưởng tượng bản thân bạn nhận về hàng nghìn, trăm nghìn bình luận chửi bới, nhục mạ trên mạng xã hội, liệu bạn có chịu nổi không? Vậy nên trước khi có ý định chửi người khác hãy đặt mình vào họ. Lời nói thật sự rất đáng sợ, nó có thể khiến cho người khác suy sụp, tệ hơn nữa họ sẽ mất niềm tin vào cuộc sống, có những hành động dại dột.

Đặc biệt là gia đình, nhà trường cần có sự quan tâm học sinh khi các em sử dụng mạng xã hội, nhà trường cần có thêm nhiều tiết học dạy về cách ứng xử, giáo dục một cách bài bản để các em sử dụng mạng xã hội văn minh, lịch sự, không gây tổn hại đến cá nhân hay tổ chức nào. Xã hội cũng cần có những biện pháp thật nghiêm khi xử lý các trường hợp nói xấu, bôi nhọ danh dự của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng. Bên cạnh đó, những hành động đẹp, giúp đỡ người khác cần được tuyên dương để thế hệ trẻ noi gương.

Không gian mạng tồn tại rất nhiều điều tiêu cực, chính vì thế mỗi người trong chúng ta cần phải sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, theo dõi những nội dung lành mạnh, phát triển bản thân. Tránh những thông tin sai lệch với sự thật, chúng ta cần tôn trọng tất cả mọi người bằng cách nói lời hay ý đẹp, không dùng những ngôn từ tục tĩu, hay lời nói “xấu xí” để lăng mạ người khác. Không theo dõi những kênh đăng sai thông tin, chuyên bịa đặt, nói xấu người khác, nội dung này sẽ khiến chúng ta luôn tiêu cực.

(Theo Văn học)

Xem thêm: NLXH: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”