NLXH: Bạn sống vì điều gì?

“Thà làm một bông sen nở khi thấy mặt trời rồi mát hết tinh nhụy còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông”  – Tagore.

NLXH: Bạn sống vì điều gì?

“Thà làm một bông sen nở khi thấy mặt trời rồi mát hết tinh nhụy còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông”  – Tagore.

“Dù đục dù trong, con sông vẫn chảy

Dù cao dù thấp, cây lá vẫn xanh

Dù người phàm tục hay kẻ tu hành

Vẫn phải sống từ những điều rất nhỏ…”

(Tự sự – Nguyễn Quang Vũ)

Đã bao giờ bạn tự hỏi chính mình rằng bạn đang gắng gỏi bước qua từng ngày dài với những bộn bề, thử thách xung quanh là vì điều gì chưa? Hay là vì bạn hiểu rằng, cuộc đời này là một chuỗi ngày hữu hạn nên chúng ta cần sống hết mình cho hôm nay để mai sau không hối tiếc?… Như bao người trẻ khác, tôi cũng có thật nhiều những chênh chao giữa dòng đời vô định không hồi kết, khi lững thững bước qua từng hẻm nhỏ trong tâm hồn mong một chút thấu thị con tim để tìm ra vài tia sáng le lói. “Mình đang sống vì điều gì?” “Phải làm sao để môi giây phút mình sống không là hoài phí?”… Cho đến khi tôi được biết đến câu nói của nhà thơ Ấn Độ Tagore “Thà làm một bông sen nở khi thấy mặt trời rồi mát hết tinh nhụy còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông” – một châm ngôn sống nhân văn: sống khát khao, hết mình để tỏa sáng, đã giúp tôi tìm thấy câu trả lời đích thực cho câu hỏi “Bạn sống để làm gì?”!

Như đốm lửa thà cháy trong hào quang chói lọi một lần rồi lụi đi; như ngôi sao băng thà tỏa sáng rực rỡ trong giây lát rồi biến mất… mỗi chúng ta một khi đã tồn tại tự khắc sẽ mang một sứ mệnh do hóa công ban tặng. Sứ mệnh ấy, con người ấy qua “bàn tay nghệ thuật” của Tagore, thoảng lên đâu đó là “hương vị” tinh tế mấy ai làm được. Nhà thơ đã khéo léo dùng hình ảnh hoa sen bởi nó đại diện cho những điều nhẹ nhàng, tinh khiết, thanh tao. Hơn hết, hoa sen sống trong bùn nhưng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” lại luôn cố gắng vươn lên khỏi mặt bùn mà đón lấy từng ánh triều dương, để nở ra những bông sen trác tuyệt, mê hồn người. Những đóa sen kia cũng là biểu trưng của những con người luôn sống hết mình với những mục tiêu, đam mê, luôn giang tay đón nắng từ “Mặt Trời” – một thiên thể của dải ngân hà bao la, nguồn sống của cả nhân loại. Hình ảnh chiếc “nụ búp” ẩn dụ cho những con người nhút nhát, luôn thu mình lại trước “sương lạnh”, trước những trúc trắc. 

Bạn biết không, khi đi qua cuộc sống này, dù bạn có là ai, hãy như Văn Cao đã từng hạ bút:

“Con thuyền đi qua 

để lại sóng 

đoàn tàu đi qua 

để lại tiếng 

đoàn người đi qua 

để lại bóng”

Hãy cứ sống tích cực, cống hiến hết mình cho những đam mê, lí tưởng dù có “lụi tàn” đi trong “góc khuất”. Hãy cứ hết mình đến giây phút cuối cùng trong chuỗi ngày ngắn ngủi cuộc sống để biết rằng con tim vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, khát vọng được mang ánh sáng của chính mình thắp lên từng ngọn đèn trên đoạn đường đời.

Thiên mệnh của ta đâu chỉ có sống, đó còn là cống hiến, là nỗ lực cho những ước mơ, những khát khao trước vòng xoáy truân chuyên, đầy khổ ải nhen nhóm trong lòng xã hội. Thiên mệnh không chỉ dành cho riêng một ai bởi đâu phải chỉ có nhà khoa học Thomas Edison, doanh nhân Mark Zuckerberg hay các nhà nghiên cứu, phát minh khác mới có trách nhiệm đó. Chúng ta không cần phải quá tài năng như Bill Gates để lập ra cả một phần mềm Microsoft, cũng không cần tồn tại giữa đời với trách nhiệm tạo ra chiếc điện thoại như Alexander Graham Bell… nhưng dù là những việc nhỏ nhất, những điều ấy cũng luôn cần bạn mang hết khả năng, trí tuệ của mình để tạo nên bản ngã độc đáo nhất, nhân văn nhất. Như trong đại dịch Covid-19 vừa rồi, các y bác sĩ, các anh bộ đội, công an tuyến đầu, họ chỉ là những con người nhỏ bé, là những công dân trong một xã hội, với những công việc thường nhật của riêng mình; nhưng khi ở giữa cái “bão” của cơn dịch, họ luôn mạnh mẽ, tràn đầy niềm tin, nhiệt huyết và sức sống, hết mình cống hiến bằng tất cả sứ mệnh của mình – trở thành những vị anh hùng, thiên sứ của dân tộc, không gì có thể gàn quải bước chân của họ trên con đường “chống dịch như chống giặc”. Những con người nhỏ bé nhưng ý chí, khát vọng to lớn ấy – họ là niềm tự hào của dân tộc; và họ cũng là “đại diện” cho lẽ sống: Khi ta sống biết cống hiến, nghiễm nhiên, ta sẽ có thêm sức sống, động lực để phát triển bản thân qua mỗi ngày, rèn luyện tính năng bản lĩnh bên trong mỗi người. Cứ sống hết mình, chúng ta sẽ tự in dấu tay của mình trên từng ngóc ngách cuộc sống mà ta đi qua để rồi tiếng vang còn lại mãi về sau. Dù rằng, mọi thứ không thể lúc nào cũng hoàn hảo theo cách ta muốn, bức tranh cuộc sống cũng vậy khi vẫn còn rơi vãi đâu đó vài mảnh ghép. Những “mảnh ghép” đó là những con người thiếu ý chí, nghị lực, họ luôn dè dặt, sợ hãi trước những thách thức của cuộc đời. Luôn sống trong chiếc vỏ bọc do mình tự tạo ra, không dám bước ra khỏi vòng an toàn để sống đúng với đam mê của mình. Đó chính là điều kìm hãm sự tiến bộ của thế hệ trẻ Việt Nam qua từng giai đoạn. Thế nên hãy cứ hết mình cho tương lai phía trước như Xuân Diệu từng nói:

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”

Cuộc đời mỗi người là một thước phim. Chúng ta vừa là diễn viên vừa là biên kịch cho chính bộ phim ấy. Vì thế hãy khiến cho thước phim ấy được chiếu một cách trọn vẹn, mang nét riêng và “độc tráng trên chính bầu trời” của bản thân. Để góp nhặt được những thành quả, hãy sống nhiệt huyết, tích cực để cuộc sống này thêm ý nghĩa, tươi đẹp:

“Hãy nhảy múa như thể không ai đang nhìn bạn

Hãy yêu thương như thể chưa từng chịu tổn thương

Hãy hát ca như thể không ai nghe thấy tiếng

Hãy sống như thể thiên đường ở nhân gian”

(John Philip Sousa)

(Nguồn: Thích văn học)

Xem thêm: NLXH: "Cứ hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn"