Thống kê tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ mắc COVID-19 của Bộ Y tế, tính từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ dưới 18 tuổi tại nước ta là 19,2%, tương đương khoảng hơn 490.000 trẻ. Đáng chú ý, trong gần nửa triệu trẻ mắc COVID-19 này có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.
Và trong thời điểm này, dịch COVID-19 với biến chủng Omicron đã, đang và sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc ngày càng tăng trong đó bao gồm cả trẻ em khiến các bậc phụ huynh lo lắng không biết chăm sóc con làm sao cho hiệu quả, khỏi bệnh nhanh, hạn chế di chứng hậu COVID-19.
Nhiều phụ huynh khi có con F0 gặp các biểu hiện ho, ngạt mũi, khó thở nên nghĩ đến việc xông cho thông mũi, dễ thở hơn và nhanh khỏi bệnh hơn. Nhưng lại băn khoăn không biết nó có gây ảnh hưởng xấu gì không?
Giải đáp vấn đề này, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ: "Việc xông hiện nay được rất nhiều người nói đến, nhưng có một số lưu ý như sau. Xông có 2 cách:
- Xông cả người (đun nước rồi trùm chăn): Cách xông này chỉ phù hợp khi bệnh của bạn đã ổn rồi, nếu bệnh vẫn đang nặng thì việc làm này có thể gây mất nước nghiêm trọng cho cơ thể. Cách xông này chỉ phù hợp khi bạn đã hết sốt, người cảm thấy thoải mái, sau khi xông xong thì tắm, khi đó rất tốt cho sức khỏe.
- Xông chỉ ở vùng mũi và miệng (sử dụng lá sả, chanh, các loại tinh dầu): Nếu người lớn thực hiện cách xông này thì sẽ cảm thấy dễ chịu nhưng sự dễ chịu này chỉ là cảm giác nhưng nó không giúp ích gì nhiều.
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi thì cấm không được xông. Điều này là bởi niêm mạc mũi, niêm mạc đường hô hấp của trẻ rất mỏng, việc xông trực tiếp vào vùng này sẽ làm hại niêm mạc''.
Ngoài ra, PGS. Dũng cũng cảnh báo về tác hại của việc xông nhiều, nhất là ở trẻ em, bao gồm:
- Việc xông quá nhiều có thể làm khô niêm mạc mũi và làm giảm khả năng chống virus của cơ thể. Dịch mũi thường chảy ra mà chúng ta thấy chính là thứ để diệt virus ''chạy vào'' cơ thể. Do đó, chuyên gia khuyên rằng không nên xông quá nhiều lần nhằm tránh làm niêm mạc mũi quá khô.
- Khi xông, virus sẽ phát tán ra rất nhiều. ''Vì thế ở bệnh viện, nếu chúng tôi muốn xông cho các bệnh nhân nặng thì phải xông trong phòng kín, các bác sĩ, nhân viên y tế cũng không được ở quanh bệnh nhân bởi sẽ dễ bị lây nhiễm. Và sau khi xông như thế thì phải tiệt trùng luôn khu vực đó để loại bỏ nguy cơ phát tán. Vì vậy, việc xông cũng sẽ gây ra tác dụng phụ là lây nhiễm cho nhiều người trong nhà. Muốn xông như thế, bạn phải có phòng riêng, chẳng hạn như gia đình có 1 phòng tắm riêng, trong 1 tuần bạn xông thì không có một ai được vào đó'', PGS. Dũng chia sẻ.
Vậy nên, gia đình có trẻ em F0 thì cần lưu ý về việc xông cho trẻ như sau:
- Không xông cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
- Không xông quá nhiều.
- Xông phải ở phòng riêng, không để cho ai vào trong vòng 1 tuần.
(Theo Pháp luật & Bạn đọc)
Xem thêm: Hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em là gì và cách nhận biết thế nào?