Mẹ cũng nôn nao chờ Tết, nhưng sốt ruột nhất vẫn là đợi con về!

Tết Nguyên đán là niềm vui chung của mọi nhà, mọi người. Từ Bắc tới Nam, ai ai cũng tưng bừng đón năm mới, nhưng tết của mẹ lại có những điều khá khác biệt.

Mẹ cũng nôn nao chờ Tết, nhưng sốt ruột nhất vẫn là đợi con về!

Tết Nguyên đán là niềm vui chung của mọi nhà, mọi người. Từ Bắc tới Nam, ai ai cũng tưng bừng đón năm mới, nhưng tết của mẹ lại có những điều khá khác biệt.

Khi những tờ lịch của năm cũ hết, ai nấy rộn ràng với kế hoạch chơi xuân. Mẹ cũng nôn nao chờ tết, nhưng sốt ruột nhất vẫn là đợi con cháu về. Các con lớn lên, ai cũng lập gia đình riêng, rời quê đi làm ăn xa xứ. Guồng quay công việc hối hả, bất giác nhớ đã một năm ròng mẹ con chỉ nói chuyện với nhau qua điện thoại.

Nhiều người cho rằng, tết bắt đầu khi đưa ông Công ông Táo về trời (23 tháng chạp). Với mẹ, không khí tết rõ ràng nhất là khi gia đình sum vầy đông đủ, con cái về nhà không thiếu một ai. Con lớn thế nào mẹ cũng chuẩn bị chỗ ăn, chỗ ở tươm tất. Đứa nào về trễ mẹ đứng ngồi không yên, gọi điện hỏi han, lo lắng. Những năm tụi trẻ bận việc không về, mẹ buồn chẳng màng đón tết.

Gần tết, ai cũng hối hả đi chợ, tự thưởng cho mình một món đồ. Mẹ cũng hào hứng đi chợ sớm, sắm sửa quần áo mới nhưng cốt là cho chồng con. Chiếc vỏ lãi của mẹ chòng chành trên con nước đến chợ, mua món gì cũng lựa thật kỹ. Mẹ nhớ rất rõ những gì cần mua cho gia đình, nhưng lại hay quên mua quà cho chính mình, bởi bao giờ cũng "mẹ già rồi còn tha thiết gì đâu".

Mẹ cũng nôn nao chờ tết, nhưng sốt ruột nhất vẫn là đợi con cháu về

Quen với nếp sống tiện nghi, nhiều người không hiểu, nói mẹ tự làm bánh mứt chi cho cực thân. Mẹ đã có tuổi, cũng cảm nhận được sự vất vả, nhọc công với hàng tiếng đồng hồ gò lưng gói bánh tét, làm dưa chua, canh nồi thịt kho hột vịt. Song mẹ nghĩ, chỉ có cách làm truyền thống mới có thể tự tay tăng giảm gia vị, thêm bớt thành phần như ý muốn của mình. Bởi mẹ biết rõ tính tình mỗi đứa con thế nào, ai thích gì để nấu nướng cho phù hợp.

Tết đến, người ta thường nghĩ tới chuyện tận hưởng, vui chơi, đi du lịch. Mẹ coi tết là dịp chăm sóc con cháu mình. Thời gian tết của mẹ phần lớn là trong gian bếp nhỏ, thả tâm hồn vào từng món ăn truyền thống. Vật dụng nấu nướng điện tử không thiếu nhưng mẹ vẫn thích nấu bếp củi để khói lam chiều ấm áp ngày xuân.

Đối với mẹ, con cháu về quê ăn tết cũng là một món quà ý nghĩa, cách trả ơn làm mẹ hạnh phúc

Năm mới sang, người ta thong thả đi chùa lấy lộc, vui chơi chúc tết, xin xăm cầu may. Mẹ vội vã về nhà chuẩn bị mâm cơm cúng kiếng ông bà, tổ tiên. Thức sớm, kỳ công làm nhiều món, nhưng mẹ luôn là người lên bàn ăn muộn nhất. Nhà có cháu, mẹ giành phần trông coi để các con dùng bữa xong rồi mới tới lượt mình.

Với mẹ, các con đi là tết cũng hết. Nhà còn bao nhiêu món ngon mẹ gói ghém gửi con mang lên thành phố ăn dần. Hầu như mẹ không giữ lại thứ gì cho mình, nào là thức ăn đã chế biến, cá tươi làm sẵn, bánh trái, nước ngọt... Biết ngày con đi, sáng sớm mẹ lội ra đồng hái rau, làm cá cho tươi…

Đối với mẹ, các con về quê đón tết cũng là một món quà ý nghĩa, cách trả ơn làm mình hạnh phúc. Về bên mẹ để thấy sau bao nhiêu thăng trầm, thành bại, vui buồn trong cuộc sống, mẹ vẫn bao dung dang tay đón chào. Nếu yêu mẹ, đứa con nào cũng muốn mẹ vui, sợ mẹ ngày một tuổi già. Vì vậy, dù bận bịu thế nào, người ta cũng tranh thủ về quê đón tết, trân trọng từng giây phút bên mẹ. Bởi suy cho cùng, cái tết vui nhất trong đời mỗi người vẫn là khi còn mẹ ở bên.

(Theo Thanh Niên)

Xem thêm: Những món quà ý nghĩa bạn nên dành tặng cho ba mẹ trong dịp Tết Nguyên đán