ĐỀ BÀI:
“nước mắt của ong là mật
nước mắt của hoa là hương
nước mắt của chim là những
tiếng ca thoáng du dương
[…]
nước mắt thiên nhiên là những
dịu êm khiến ta mỉm cười
liệu nước mắt ta rớt xuống
có làm một đóa hoa tươi?
(“Lệ”, trích “Hở”, Nguyễn Thế Hoàng Linh, NXB Hội nhà văn, 2011)
Từ nội dung, ý nghĩa của đoạn thơ trên, em hãy viết một bài văn nghị luận với chủ đề: “Tuổi trẻ với khát vọng cống hiến”.
BÀI VIẾT GỢI Ý:
Peter Marshall đã từng quan niệm rằng: “Thước đo của cuộc đời không phải thời gian, mà là cống hiến.” Cống hiến đã trở thành một tiêu chí, một thước đo giá trị của cuộc đời mỗi con người. Nhà thơ Thanh Hải cũng đã từng dành những giây phút cuối đời của mình cho sự thổ lộ khát vọng cống hiến mãnh liệt hay là khát vọng được góp sức mình trong công cuộc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận. Cũng bàn về khát vọng cống hiến, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã ghi bút những dòng thơ trong “lệ”, trích “Hở” vô cùng ý nghĩa như sau:
“nước mắt của ong là mật
nước mắt của hoa là hương
nước mắt của chim là những
tiếng ca thoáng du dương
[…]
nước mắt thiên nhiên là những
dịu êm khiến ta mỉm cười
liệu nước mắt ta rớt xuống
có làm một đóa hoa tươi?”
Nước mắt là một dấu hiệu trạng thái cảm xúc tự nhiên của mỗi con người và cũng là phương diện thể hiện đời sống nội tâm. Con người ta có thể rơi nước mắt vì hạnh phúc, vì niềm vui hay là vì đau khổ, vì bất lực. Đến với những vần thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh, “nước mắt” chính là cách nói ẩn dụ cho những khó khăn, vất vả, đớn đau phải trải qua trong cuộc sống và “mật”, “hương”, “những tiếng ca du dương”, “những dịu êm khiến ta mỉm cười” chính là những thành quả, những hạnh phúc mà con người đạt được sau khi trải qua những thử thách, những đau khổ ấy. Đặc biệt, bài thơ kết thúc với một câu hỏi tu từ “liệu nước mắt ta rớt xuống/ có làm một đóa hoa tươi?” như một sự đối thoại của tác giả với bạn đọc về khát vọng dấn thân, cống hiến ý nghĩa và thiết thực. Ở đây, “Một đoá hoa tươi” có thể hiểu là hình ảnh ẩn dụ cho những cái đẹp, cái tươi mới, rực rỡ của mỗi con người. Liệu rằng sau những giọt nước mắt của sự nỗ lực, vượt khó thì con người ta có thể hái được quả ngọt, hoa tươi, thành công riêng cho cuộc đời mình hay không? Thực chất, bài thơ đã truyền tải bức thông điệp đối với mỗi con người trong cuộc sống đó là khi trải qua những đau khổ, vất vả con người ta sẽ gặt hái được thành quả ngọt ngào và điều quan trọng hơn hết là cần phải có khát vọng cống hiến, khát vọng đương đầu để “làm một đóa hoa tươi”. Đây cũng là điều cần thiết cho giới trẻ hiện nay.
Cuộc sống không phải là con đường bằng phẳng trải đầy hoa hồng mà tồn tại những chông gai, mũi nhọn bắt buộc mỗi con người phải trải qua. Đó là bản chất, là lẽ thường tình của cuộc sống. Và để chiến thắng những thử thách đó đòi hỏi ta cần phải nuôi dưỡng cho mình sức mạnh tinh thần lớn lao để sẵn sàng chiến đấu. Một trong những sức mạnh tinh thần ấy chính là khát vọng cống hiến của con người, đặc biệt là giai đoạn tuổi trẻ. Khát vọng cống hiến tức là khát khao, mong muốn được thực hiện điều gì đó có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Đối với tuổi trẻ, khát vọng cống hiến là một điều quan trọng giúp tạo nên động lực để phấn đấu, dấn thân và thành công. Suy cho cùng, trước những thử thách bất ngờ của cuộc sống thì khát vọng cống hiến là một điều cần thiết để con người nói chung và giới trẻ nói riêng có thể làm một đóa hoa tươi rực rỡ.
“Mật”, “hương”,, “những tiếng ca du dương”, “những dịu êm khiến ta mỉm cười” hay là “đóa hoa tươi” cũng đều là thành quả của những khát vọng cống hiến nỗ lực. Khát vọng cống hiến là sức mạnh tinh thần, là động lực và cũng là một lí tưởng sống cao đẹp giúp cho cuộc đời mỗi con người trở nên ý nghĩa hơn. Bởi lẽ, sống không phải là tồn tại như một hạt cát vô danh. Bàn về khát vọng cống hiến thì chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những người anh hùng theo lí tưởng cách mạng cao cả, cống hiến cả thanh xuân, cả cuộc đời cho Tổ quốc. Họ chính là những tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Ví như GS. Trần Đại Nghĩa đã dành cả tâm huyết và trí tuệ của mình để nghiên cứu, làm ra binh khí chống giặc ngoại xâm hay là đội thanh niên Sài Gòn Xanh luôn nhiệt huyết, cống hiến sức mình cho việc bảo vệ môi trường, giúp môi trường sống của xã hội trở nên xanh – sạch – đẹp.
Eleanor Roosevelt đã từng nói: “Khi bạn không còn cống hiến nữa, bạn bắt đầu chết dần”. Con người chỉ thực sự sống khi có thể ghi tên mình trên những dấu mốc cuộc đời cũng như không ngừng cống hiến. Và những người có khát vọng cống hiến là người mạnh mẽ, sống có mục đích, có quyết tâm và có ý chí nỗ lực vươn lên. Khát vọng chính là một loại cảm xúc thôi thúc con người ta hành động, là cơ sở để tạo nên niềm tin, uy tín và chất lượng công việc mà họ đem lại. Vì khi có khát vọng, con người ta sẽ đặt trí tuệ và lòng nhiệt thành để hoàn thành tốt công việc. Họ sẽ luôn ở trong tư thế sẵn sàng đối diện với những khó khăn và kiên trì mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu. Họ không dễ dàng bỏ cuộc và có khả năng làm chủ cuộc đời mình và biết cách sống ý nghĩa, sống đẹp. Một xã hội mà mỗi cá nhân đều có ý thức cống hiến thì sẽ tạo nên những giá trị bền vững, phát triển. Lịch sử nước ta qua nhiều giai đoạn cũng đã phần nào chứng minh chân lí ấy. Chính những khát vọng cống hiến của người lính, của lớp thanh niên trẻ, của những hậu phương đã gây dựng nên sự thịnh vượng của đất nước hiện nay.
Hơn nữa, tuổi trẻ chính là sức mạnh, là hiền tài, nguyên khí của quốc gia. Tuổi trẻ cũng là độ tuổi đẹp nhất của đời người, là độ tuổi mà con người ta luôn khao khát được trở về, được cống hiến, được trải nghiệm và được dấn thân. Đây cũng là giai đoạn mà ta vừa có đủ sức mạnh, điều kiện để theo đuổi ước mơ, hoài bão, thực hiện lí tưởng. Tuổi trẻ sẽ trở nên vô vị nếu như con người sống hững hờ, thờ ơ không có ước mơ, khát vọng. Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Và cuộc đời con người được mấy lần mười năm mà không cống hiến, không sống theo đuổi những ước mơ, hoài bão, không trở thành một đoá hoa tươi tỏa hương sắc thơm cho cuộc sống? Hãy trở thành một đoá hoa tươi bằng việc chủ động xác định mục tiêu và hướng đi để tự mình vẽ nên những gam màu ý nghĩa cho cuộc sống. Tuy nhiên, Bác Hồ cũng đã từng nói: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, cống hiến ở đây không phải nhất thiết ở những điều lớn lao mà điều quan trọng là phát khởi từ sự chân thành, nhiệt huyết và khả năng của mỗi người. Cống hiến nhưng mà con người ta cũng nên học cách tận hưởng cuộc sống như Xuân Diệu để cảm nhận những dư vị của cuộc sống, để tìm kiếm niềm vui cho riêng mình và cũng không nên bó hẹp khát vọng cống hiến ở tuổi trẻ mà bất cứ lứa tuổi con người ta vẫn có quyền sống nhiệt huyết, sống ý nghĩa.
Người ta thường hay khuyên răn rằng: “Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng được sống” hay là “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,/Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Quả thật, cuộc đời con người là hữu hạn, vì vậy nên sống cống hiến để không phải hối tiếc, sống cống hiến để bản thân luôn tự hào về những năm tháng thanh xuân ý nghĩa. Và cũng có một câu nói khuyết danh mà tôi rất tâm đắc: “Hãy nhớ rằng mọi thứ có thể lấy lại, nhưng tuổi trẻ không thể. Đừng lãng phí tuổi trẻ vào những thứ tạm thời”. Tuổi trẻ là điều đáng giá của mỗi con người và để tuổi trẻ của bản thân thêm ý nghĩa, tôi đã ý thức về trách nhiệm nên quyết chí thực hiện những mục đích, hoài bão, cống hiến của bản thân cho tương lai và cho xã hội.
Xem thêm: Đoạn văn NLXH: "Hạnh phúc như bầu trời này vậy, không chỉ dành cho một riêng ai”