Một gia đình tốt sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự tăng trưởng nổi trội của một đứa trẻ. Quá trình giáo dục trẻ em không thể vội vàng, chỉ có cha mẹ kiên nhẫn mới có thể thay đổi được con mình theo hướng tích cực. Trong tự nhiên có những quy luật, hiệu ứng mà nếu các bậc cha mẹ hiểu được và áp dụng vào dạy dỗ con cái, chúng chắc chắn sẽ thành công.
1. Dạy con theo Luật bể cá
Nếu bạn cho nhiều loài cá khác nhau vào cùng một bể, dù bạn có nuôi chúng cẩn thận và tốt đến đâu đi chăng nữa, chúng vẫn không thể lớn được nhanh. Ngược lại, khi được đưa vào thiên nhiên, chúng có thể phát triển lớn hơn nhiều. Cho dù là người hay động vật, một khi bị cầm tù, bị hạn chế bởi nhiều thứ xung quanh, mọi thứ sẽ không thể nào "lớn" lên được.
Có lẽ câu nói: "Cha mẹ làm tất cả mọi thứ vì con" rất quen thuộc với mọi người. Nhưng liệu rằng điều này có thực sự tốt cho con cái? Kiểm soát quá mức chỉ khiến cho con cái cảm thấy khó thở, hằng ngày phải sống trong áp lực, căng thẳng, cha mẹ mệt mà con cũng mệt. Con cái luôn muốn bản thân có những không gian riêng mà cha mẹ không can thiệp vào, hiểu được điều đó, chúng sẽ tôn trọng và nghe lời cha mẹ hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ nếu càng cố ép buộc con cái nghe theo lời của mình, kết quả cuối cùng sẽ chẳng hề tốt đẹp như mong muốn. Tốt hơn hết là nên áp dụng "luật bể cá" để con cái chịu tiếp thu hơn, không khí gia đình hòa thuận.
2. Dạy con theo Hiệu ứng gió Nam
Câu chuyện kể về gió Nam và gió Bắc trong một cuộc thi xem ai là kẻ mạnh hơn. Lúc này có một người đi ngang qua, gió Bắc nói: "Nếu ai thổi tung được chiếc áo của người này, kẻ đó mạnh hơn". Thế là, gió Bắc dùng hết sức mình thổi thật mạnh, thế nhưng gió càng mạnh thì người kia càng giữ chặt áo. Lúc này tới phiên mình, gió Nam ấm nóng thổi nhẹ đã khiến người kia cảm thấy nóng nực mà vội vàng cởi hết cả áo trong lẫn áo ngoài. Kết quả rõ ràng, gió Nam thắng.
Sự nhẹ nhàng lúc nào cũng mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với việc nghiêm khắc, la hét. Hiệu ứng này sẽ khiến đối phương sẵn sàng hợp tác theo cách tự nguyện chấp nhận. Nếu cha mẹ chỉ bận tâm chỉ trích con làm sai, cuối cùng, đứa trẻ càng không chịu nghe lời. Ngược lại, nếu cha mẹ bao dung thiếu sót của trẻ, lắng nghe trẻ chia sẻ và chỉ ra cho trẻ những sai lầm của chúng một cách khoa học và hợp lý lẽ, trẻ sẽ dần biết sửa bản thân và tu dưỡng mình.
Cha mẹ nên sẵn sàng lắng nghe trẻ bày tỏ suy nghĩ của bản thân, để chúng cảm nhận được rằng cha mẹ đang tôn trọng mình. Khi cha mẹ muốn cải thiện một số hành vi của con mình, họ nên khuyến khích, động viên theo hướng tích cực. Những lời khen ngợi, khen thưởng, an ủi sẽ tiếp thêm sức mạnh để trẻ vượt qua thất bại hiện tại.
3. Dạy con theo Luật của sói
Ngạn ngữ Mỹ có câu: "Hổ và sư tử có thể mạnh, nhưng sói không phải trình diễn trong rạp xiếc". Sói gan dạ, bền bỉ, kiên nhẫn quan sát. Sói cũng là loài rất "biết mình biết ta", khi gặp kẻ mạnh hơn, chúng biết rút lui.
Áp dụng luật của sói vào việc nuôi dạy trẻ, cha mẹ có nên giúp trẻ trau dồi khả năng quan sát, động não tư duy trước khi hành động để đạt được hiệu quả cao nhất trong từng công việc. Khả năng tìm tòi, quan sát và sự bền bỉ khám phá sẽ giúp trẻ có những ý tưởng mới và nguồn cảm hứng cho mình trong mọi hoạt động học tập, vui chơi. Muốn bồi dưỡng năng lực học tập mạnh mẽ cho trẻ nhỏ, nhất định phải khơi gợi tính hiếu kỳ và ưa khám phá của chúng.
(Theo Nhịp sống Việt)
Xem thêm: Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu chủ trương dạy con không roi vọt