Vân Kể Chuyện là ai?
Vân Kể Chuyện tên thật là Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1987 tại Nghệ An. Chị là em gái của "Hiệp sĩ" Nguyễn Công Hùng, một tấm gương người khuyết tật truyền cảm hứng.
Chị bị teo cơ bẩm sinh và phải ngồi xe lăn khiến cho cuộc sống sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy, chị vẫn nỗ lực vươn lên, thành công xây dựng sự nghiệp.
Hiện tại, chị là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty IMAGTOR, chuyên thiết kế đồ họa, kiêm người đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống. Ngoài ra, chị còn có một kênh Youtube tên "Vân Kể Chuyện" với gần 30.000 lượt đăng ký, chia sẻ về cuộc sống đời thường.
Năm 2016, chị bén duyên với kỹ sư người Úc Neil Bowden Laurence. Cả hai quen nhau qua Facebook, anh lớn hơn chị 20 tuổi. Sau một thời gian đồng hành cùng nhau qua những chuyến đi công tác, chị Vân và anh Neil đã kết hôn. Chị chưa từng hỏi anh vì sao anh lại yêu thương một cô gái như chị. Anh không biết tiếng Việt nhưng nói về chị Vân với vẻ đầy tự hào: “Tôi yêu Vân vì vẻ đẹp phát ra từ trái tim của cô ấy”.
Nghị lực phi thường của cô gái cao chưa đến 1m
Khi còn nhỏ, Nguyễn Thị Vân luôn phải chịu những lời gièm pha của người đời. Vân nhớ lại: "Họ coi tôi là điềm gở, ra đường gặp tôi thì sẽ bị xui xẻo cả ngày. Họ nghĩ rằng người như tôi thì cả cuộc đời này chỉ ăn bám gia đình chứ không nên đi học làm gì".
Đã có lúc, chị cảm thấy tuyệt vọng, đau đớn vì bị kỳ thị. Nhưng thấy bố mẹ hết lòng chăm sóc mình và anh trai, chị cảm thấy hạnh phúc và biết ơn. Sâu thẳm trong lòng, chị luôn mong mỏi, một ngày nào đó sẽ đi con đường riêng, đỡ đần cha mẹ.
Học hết lớp 9, Vân bất ngờ quyết định nghỉ học khiến gia đình ngỡ ngàng. Không chỉ vậy, chị còn chuyển sang huyện Diễn Châu, bắt đầu khởi nghiệp. Vân kể: "Tôi muốn tự lập, muốn tự nuôi được chính mình!". Nghĩ là làm, chị nhờ bố mẹ vay tiền, mở một tiệm internet để kiếm sống. Chỉ sau 3 tháng vận hành, chị Vân đã trả được gần hết tiền vốn mua máy móc.
Đúng lúc đó, chị tình cờ gặp lại thầy hiệu trưởng trường cấp 3 ở gần quán Internet. Thầy nói: "Em nên xem xét việc quay trở lại trường học. Thầy sẽ miễn phí tiền học cho em. Nếu em không đi được thầy sẽ bảo các bạn đến đón em". Lời đề nghị chân thành của người thầy giáo ấy đã khiến Vân cảm động, quyết định đi học trở lại.
Được sự ghi nhận và động viên của thầy giáo, chị Vân như được tiếp thêm cảm hứng. Hết lớp 12, dành dụm được một khoản tiền trong thời gian kinh doanh quán Internet, chị Vân quyết định đi “trải nghiệm cuộc đời”. Biết đó là chuyến đi đầy rủi ro, nhưng chị vẫn quyết tâm. Chị dừng chân ở Tiền Giang một thời gian, rồi cảm thấy không hợp và lên đường ra Hà Nội. Lúc này, trong tâm trí của cô gái khuyết tật đau đáu câu nói: "Đánh cược một chuyến xem mình làm đến đâu!".
Thay đổi cuộc đời của ngàn người khuyết tật
Năm 2003, chị đến Hà Nội, cùng 3 người bạn khuyết tật khác ở trong khu ký túc xá của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Họ cố gắng làm mọi việc để kiếm sống, từ gõ captcha, bóc băng ghi âm, đến gõ văn bản thuê…
Thời gian đó, quả thực bọn họ đã phải chắt bóp chi tiêu hết mực. Vân nhớ lại: "Rau muống xào tỏi, đậu phụ và lạc rang là những món mà đến bây giờ chúng tôi vẫn ám ảnh. Đó là những ngày tháng vô cùng khó khăn, nhưng tôi biết nếu mình không vượt qua thì sẽ không bao giờ thành công cả. Thậm chí, có lúc tôi bị ốm nặng, không dám đi khám vì sợ tốn tiền. Tới khi một người bác đến thăm, bác hứa sẽ không nói cho bố mẹ và trả tiền viện phí, tôi mới dám đi".
Cuối năm 2007, chị cùng anh trai thành lập Trung tâm Nghị lực sống. Bằng vốn Tiếng Anh và Tin học của mình, chị quyết tâm sẽ cùng anh trai hỗ trợ và tìm kiếm công việc cho người khuyết tật. Dù cho việc duy trì trung tâm rất khó khăn, họ vẫn kiên quyết không đi xin các quỹ từ thiện.
Chị giải thích: "Một trong những định kiến gắn liền với người khuyết tật là việc nhận từ thiện. Để phá bỏ định kiến đó, tôi và anh Hùng nhất quyết không đi xin bất cứ khoản nào từ các quỹ. Nếu có các đối tác, chúng tôi sẽ đồng ý". Ngay cả khi anh trai qua đời, chị vẫn quyết tâm duy trì Trung tâm này.
Nhờ có tấm lòng cao cả của hai anh em, vô vàn người khuyết tật có cơ hội được tiếp cận tri thức, tham gia vào quá trình xây dựng đất nước. Chị tâm sự: "Giúp người khuyết tật có được công ăn việc làm không phải là chuyện khó, nhưng vực dậy được con người phi thường trong họ mới là điều tôi hướng tới". 13 năm qua, hơn 1.000 học viên khuyết tật đã đổi đời nhờ những khóa học của Trung tâm Nghị lực sống.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, chị nói: "Anh biết không, những người mắc bệnh teo cơ tuỷ sống như hai anh em nhà em đều biết trước những cái mốc cuối cùng của cuộc đời mình. Tất cả những ai mắc bệnh này đều sẽ chết vào một trong 3 mốc sau đây: 18 tuổi - 31 tuổi - và 54 tuổi. Anh trai em mất vào đúng năm 31 tuổi. Em năm nay 32 tuổi, em vẫn hay nói với các bạn bè của mình rằng em biết trước giới hạn của mình, thế thì trong khoảng thời gian được sống, tại sao lại không dám sống hết mình? Tại sao không cố gắng làm tất cả những gì mình có thể làm, đúng không anh?".
Không dừng lại với những thành quả đạt được, cuối năm 2016, chị Nguyễn Thị Vân mở Công ty IMAGTOR chuyên về thiết kế đồ họa, hình ảnh, video cho các doanh nghiệp nước ngoài. Công ty có 70 nhân viên với hơn 50% là người khuyết tật. Vân Kể Chuyện hi vọng có thể tạo nên một môi trường để xóa bỏ mọi khoảng cách giữa người khuyết tật và người bình thường.
Vượt qua những khó khăn, chị Nguyễn Thị Vân đã lăn bánh xe đến 13 nước trên thế giới truyền đi động lực vượt khó, nói lên tiếng nói khát vọng của người khuyết tật Việt Nam. Với chị: “Sự khuyết tật về tâm hồn còn đáng sợ hơn sự khuyết tật về thân thể!”.
Tổng hợp
Xem thêm: Mẹ đơn thân ngồi xe lăn đi qua "bóng tối", nỗ lực vươn lên mỗi ngày vì con