Hoàng Thị Phương sinh ra đã không có đôi bàn chân lành lặn như bao người. Ông nội của em tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bị nhiễm chất độc màu da cam, đến em là đời thứ ba. Hai chân khuyết thiếu xương bánh chè, chính vì vậy không thể co gập được như những người bình thường. Trải qua nhiều ca phẫu thuật từ Trung ra Bắc, năm 4 tuổi, Phương mới bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên đầy khó khăn và vất vả.
Tuổi thơ của cô gái nhỏ luôn bị ám ảnh bởi những lời trêu chọc của bạn bè, khiến em cảm thấy tự ti, khép mình. Luôn bị bạn bè trêu chọc bởi những câu nói gây tổn thương như: “con què”, “con tật nguyền” hay “con lùn”, Hoàng Thị Phương đã quyết định không thi lên cấp ba mà học trường nghề cho người khuyết tật. Nguyên do là vì em không thể vượt qua được sự tự ti và mặc cảm của bản thân trong môi trường giáo dục hòa nhập.
Theo học ở đây, Phương có cơ hội được gặp gỡ và kết bạn với các bạn thanh thiếu niên khuyết tật tại trường nghề tỉnh Thanh Hoá. Chính những con người xa lạ đó đã cho em suy nghĩ rằng mình phải làm gì để có thể giúp đỡ được những bạn có hoàn cảnh khó khăn như mình. “Tại trường nghề dành cho người khuyết tật, em cảm thấy được hòa nhập với mọi người xung quanh hơn, không bị phán xét hay chỉ trỏ khi đi ra ngoài, được tự do thoải mái là chính mình...”, nữ sinh chia sẻ.
Để có thể làm được điều đó, Phương đã quyết định bỏ ngoài tai những lời nói bên ngoài quay về thi cấp 3 để nuôi dưỡng ước mơ trở thành một cô giáo đặc biệt. Nhận được sự động viên và khích lệ từ gia đình, trong kì thi THPT Quốc gia 2020, em thi đỗ ngành giáo dục đặc biệt - trường Đại học Thủ đô Hà Nội với số điểm 26,5 điểm. Ước mơ trở thành một cô giáo đặc biệt trong em ngày càng gần hơn.
Cứ thế, giờ Phương đã là sinh viên năm 3 chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Không chỉ vậy, nữ sinh còn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện, đặc biệt là hoạt động về người khuyết tật...
Bên cạnh việc học, Phương còn tích cực tham gia các dự án xã hội hướng tới nhóm đối tượng yếu thế trong lĩnh vực bình đẳng giới và quyền con người. Có thể kể tới báo cáo Cơ chế Rà soát Định kỳ phổ quát về quyền con người do Bộ Ngoại giao phối hợp với UNDP tổ chức; Tham gia làm phim về người khuyết tật trong khuôn khổ dự án Hansd Project; Tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ và tiềm năng cho tổ chức người khuyết tật, Diễn giả chương trình “Không khoảng cách” do UNDP tổ chức…
Em còn năng nổ tham gia các chương trình thiện nguyện trao quà cho trẻ em vùng sâu vùng xa mỗi dịp Tết đến: Chương trình “Góp nắng gửi xuân” tại Sơn La; tình nguyện viên chương trình “Tháng 3 biên giới” thực hiện cùng nhóm thiện nguyện Ước Mơ Cho Em mang yêu thương đến với các em nhỏ và bà con tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang; tình nguyện viên chương trình “Ban mai vùng cao” mang yêu thương đến với các em nhỏ và bà con tại tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.
Theo CTG
Xem thêm: Việc tốt quanh ta: CLB chụp ảnh cưới miễn phí cho cặp đôi khốn khó gần 10 năm qua