Người trẻ không còn mặn mà nghỉ hưu sớm, chuyển hướng "tiết kiệm mềm"

Nghỉ hưu sớm đã không còn là mục tiêu tài chính hứa hẹn với người trẻ, thay vào đó họ lại chuyển sang tiết kiệm mềm.

Người trẻ không còn mặn mà nghỉ hưu sớm, chuyển hướng "tiết kiệm mềm"

Nghỉ hưu sớm đã không còn là mục tiêu tài chính hứa hẹn với người trẻ, thay vào đó họ lại chuyển sang tiết kiệm mềm.

Cách đây vài năm, xu thế nghỉ hưu sớm nở rộ, rất nhiều người đã theo đuổi nó, đặc biệt là người trẻ. Họ thường cố gắng làm việc, tiết kiệm tiền để tự do tài chính nhanh nhất có thể.

Thế nhưng, hiện nay người trẻ đã chuyển sang một xu thế mới. Họ dành ít tiền tiết kiệm hơn cho tương lai để chi tiêu cho hiện tại, hay còn gọi là “tiết kiệm mềm” (Soft Saving). Những người trẻ thuộc thế hệ gen Z đặc biệt hưởng ứng xu hướng này.

Báo cáo của Intuit mang tên “Prosperity Index Study” chỉ ra rằng xu thế tiết kiệm mềm của giới trẻ hiện nay được kích thích từ lối sống mềm (Soft Life). Đây là lối sống khá thoải mái, ít áp lực và ưu tiên phát triển tính cách lẫn sức khỏe tinh thần bản thân hơn là lo cho tương lai.

Lượng tiết kiệm và đầu tư cá nhân của gen Z đang ít hơn so với các thế hệ trước. Người trẻ có xu hướng tiêu tiền theo sở thích hơn là tính toán chi ly lợi nhuận đầu tư.

Khảo sát của Intuit cho thấy giới trẻ ngày nay có quan niệm rất khác so với trước đây về làm việc, tiết kiệm lẫn chi tiêu. Khoảng 3/4 số bạn trẻ Gen Z được hỏi cho biết họ thà có cuộc sống thoải mái ít áp lực hơn là cố kiếm thật nhiều tiền trong tài khoản. Các nghiên cứu khác cũng có kết quả tương tự, rằng mọi người đang tiết kiệm ít đi.

Một số chuyên gia cho rằng, nguyên do của việc tỷ lệ tiết kiệm giảm là vì tâm lý "tiêu dùng trả thù" hậu đại dịch COVID-19. Việc thị trường mở cửa đã khiến người tiêu dùng đua nhau mua sắm trở lại sau quãng thời gian dài bị cách ly.

Thế rồi khi lạm phát bùng nổ, người dân dù có hạn chế chi tiêu thì vẫn không muốn tiết kiệm tiền trong ngân hàng vì mất giá. Thay vào đó họ xoay xở để dồn tiền cho nhu yếu phẩm hoặc cắt giảm tiết kiệm cho chi tiêu hiện tại. Lạm phát cũng khiến chi phí sinh hoạt tăng, và người trẻ không có đủ thu nhập để sống chứ đừng nói tiết kiệm.

Nghiên cứu của Intuit cho thấy 47% lao động thuộc thế hệ Millennials (27-42 tuổi) và 40% Gen Z thừa nhận dùng tiền kiếm được để chi tiêu cho các sở thích hay thói quen cá nhân, cao hơn so với 32% của Gen X (43-58 tuổi) và 20% của thế hệ Boomers (59-68 tuổi). Phần lớn các sở thích của giới lao động trẻ liên quan đến du lịch, giải trí.

Tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nếu ở Mỹ là tiết kiệm mềm, thì Trung Quốc cũng có xu hướng “nằm thẳng” (Lying Flat). Người trẻ gặp khó trong cơ hội làm giàu lẫn xây dựng sự nghiệp cũng khiến xu thế nghỉ hưu sớm không còn được ưa chuộng như trước.

Báo cáo của Vanguard cho thấy lượng chi tiêu của Gen Z cho giải trí trong tổng chi đã tăng lên đến 4,4% trong năm 2022 so với 3,3% năm 2019. Tuy nhiên cũng theo Vanguard, lao động Gen Z không thật sự hoang phí mà chỉ điều chỉnh lại cán cân tiết kiệm, tự xoay sở để sống thoải mái hơn thay vì chỉ làm để nghỉ hưu.

Theo CNBC

Xem thêm: Cặp đôi sống tằn tiện triệt để, ôm mộng nghỉ hưu sớm nhưng thất bại: Tiết kiệm quá mức làm cuộc sống bí bách