Một ngày nọ, tôi nói với sếp rằng tôi muốn kiếm nhiều tiền hơn.
Tôi đã làm việc cho công ty truyền thông quảng cáo ở Chicago này được khoảng 2 năm. Trong suốt 2 năm ấy, từ một copywriter mới vào nghề, chuyên viết các bài quảng bá trên mạng xã hội cho các thương hiệu nhỏ tại địa phương, tôi đã trở thành người chuyên viết nội dung trên các biển quảng cáo ngoài trời cho các thương hiệu mang tầm quốc gia. Không chỉ là copywriter giỏi nhất ở công ty, tôi còn tham gia vào nhiều dự án quan trọng bậc nhất.
Vấn đề là: Số tiền tôi kiếm được còn chẳng bằng một nhân viên pha chế đồ uống.
"Tôi phải làm gì để kiếm được nhiều tiền hơn?" tôi hỏi.
Sếp và chủ tịch của công ty đang ngồi đối diện tôi trong văn phòng phía sau. Rất hiếm khi chủ tịch ở lại trong thành phố, bởi lẽ, với cương vị là nhà đầu tư cho hàng loạt các công ty khác nhau, ông phải đi rất nhiều. Ông chính là hình mẫu doanh nhân cực kỳ thành đạt ta vẫn hay thấy.
Suốt quãng thời gian qua, tôi đã làm việc hết sức chăm chỉ. Tôi nghĩ mình sức đáng được tăng lương.
Với một vẻ mặt hoàn toàn bình tĩnh, như thể đang nhớ về quãng thời gian từng là nhân viên quèn giống tôi 25 năm trước đây, chủ tịch chỉ hỏi một câu: "Anh muốn kiếm được bao nhiêu?".
Tôi không ngờ mình sẽ phải trả lời một câu hỏi như thế này. Tôi nghĩ cụm từ "nhiều tiền hơn" đã nói lên toàn bộ rồi.
Khi thấy tôi im lặng thay vì trả lời, ông tiếp tục nói: "Hãy nghĩ đơn giản như thế này: Dù anh muốn kiếm bao nhiêu tiền trên đời này, tất cả những gì anh cần làm là tìm một người sẵn sàng trả anh từng đó cho một kỹ năng nào đó, rồi đi học kỹ năng ấy."
Giây phút mà ông dứt lời cũng chính là lúc quan điểm của tôi về chuyện tăng lương thay đổi hoàn toàn.
Thay vì nghĩ rằng mình cần phải trở thành một copywriter giỏi hơn, tôi bắt đầu nghĩ xem kỹ năng gì sẽ đáng giá với công ty hơn.
Có một điều chắc chắn là, họ sẽ không bao giờ trả nhiều tiền hơn cho một copywriter.
Nhưng họ sẵn sàng làm điều đó cho một nhân viên bán hàng.
Ngày hôm đó, tôi bước ra khỏi văn phòng mà không được tăng lương như mong muốn. Tuy nhiên, thứ tôi học được còn quý giá hơn gấp nhiều lần. Trong vòng 2 năm tiếp theo, tôi cố gắng học hết mọi kiến thức về sale.
Thậm chí, tôi đã xem bộ phim The Wolf of Wall Street (Sói già phố Wall) 127 lần cả thảy trong căn hộ của mình.
Tôi hỏi mượn bạn mình băng video lậu về khóa học thuyết phục của Jordan Belfort.
Sau đó, tôi bắt đầu gửi email cho mọi người. Tôi sử dụng mạng lưới quan hệ cá nhân để giới thiệu các dịch vụ của công ty đến bất cứ ai mà tôi tiếp cận được - từ bạn bè cho đến những người tình cờ gặp tại phòng gym.
Phải mất đến 9 tháng tôi mới thực hiện được thương vụ đầu tiên.
3 tháng sau, tôi tiếp tục hoàn thành cuộc thương vụ thứ hai.
Dần dần, tôi trở thành người phụ trách các cuộc họp, cũng như đem về cho công ty dự án phát triển quan trọng nhất năm.
Số tiền hoa hồng tôi nhận được bằng đúng 2 tháng lương ngày xưa khi tôi còn là copywriter.
Ngay sau khi tôi nhận khoản tiền này, chủ tịch đã gọi điện thoại cho tôi. Tôi rất biết ơn vì ông ấy đã cất công chỉ bảo tôi, chứ không chỉ đơn thuần là dạy tôi một bài học nhớ đời.
"Trên đời này có 2 loại nhân viên. Người chỉ ảnh hưởng gián tiếp đến doanh thu thông qua sản phẩm họ làm và người ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu bằng cách sử dụng các sản phẩm đó.
"Copywriter là người tạo ra sản phẩm," tôi nói, tóm tắt lại bài học mình đã đúc kết được suốt 2 năm qua.
Nhân viên phát triển phần mềm là người tạo ra sản phẩm.
Nhưng những người bán hàng thì khác. Họ là một trong số ít những người có thể trực tiếp tác động tới mức doanh thu mà công ty đạt được - chứ không phải doanh thu ấy sẽ sẽ được sử dụng hiệu quả ra làm sao.
Cả 2 loại người này đều cần thiết để công ty kinh doanh hiệu quả và có lợi nhuận.
Nhưng chỉ 1 trong 2 mới "đáng giá hơn" với công ty.
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm: Chuyên gia khuyên nhủ: Muốn làm giàu, hãy đa dạng hóa thu nhập thay vì mong mỏi tăng lương