Kinh Hoa Nghiêm là gì, ý nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm
Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh Đại thừa, nhấn mạnh tới tính "vô ngại" của mọi sự vật hiện tượng, rằng tâm con người là vũ trụ và đồng thể với tâm Phật.
Kinh Hoa Nghiêm là gì?
Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (hay còn gọi sa. buddhāvataṃsaka-mahāvaipulyasūtra) còn được biết đến là Kinh Hoa Nghiêm, là bộ kinh Đại thừa, là giáo lý căn bản của Hoa Nghiêm tông. Đây là bộ kinh nhất mạnh tới tính "vô ngại" của sự vật hiện tượng, với chủ trương rằng tâm con người là vũ trụ và đồng thể với tâm Phật.
Kinh Hoa Nghiêm trong tiếng Phạn là avataṃsakasūtra, có nghĩa rằng đây là đóa hoa thanh khiết đẹp nhất trần gian, tỏa hương ngát khắp mười phương cõi giới. Đây là bộ kinh có nội dung siêu việt, tuyệt luận, tráng lệ nguy nga, thể hiện được pháp thân, tư tưởng cũng như tâm nguyện Phật.
Kinh Hoa Nghiêm thuộc bộ kinh hệ Phương đẳng, là bộ kinh gồm 81 quyển trong đó phần dài nhất là Hoa nghiêm. Phẩm Hoa nghiêm (sa. gaṇḍavyūha) tương đương với bộ 40 quyển của Bát Nhã, do đó cũng được gọi là Tứ thập hoa nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm được tìm thấy dưới dạng chữ Hán và chữ Tây Tạng, là đại diện tiêu biểu cho tư tưởng Phật pháp Đại thừa về tính hữu hóa duyên sinh của vạn pháp. Tương truyền rằng giáo pháp trong kinh này là các phát biểu của dạng xuất hiện Pháp thân (Tam thân), rất khó hiểu, chỉ những vị Đại Bồ tát mới có thể lĩnh hội.
Kinh Hoa Nghiêm là phẩm dài nhất và quan trọng nhất của bộ kinh, Phật Thích Ca đã thuyết tại thành Xá Vệ (śrāvastī), tả cảnh đồng tử Thiện Tài (sudhana) đi tìm đạo dưới hướng dẫn của Văn thù sư lợi (mañjuśrī). Thiện Tài đồng tử tham vấn 53 vị Thánh nhân, bao gồm cả Di Lặc là vị Phật tương lai. Sau cùng, Thiện Tài gặp được Phổ Hiền (samantabhadra) - tức Phổ Hiền Bồ tát, vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân ở mười phương pháp giới, được vị này giáo hóa và đạt Bồ đề. Cuối phẩm là mười đại nguyện của Phổ Hiền, là cơ sở một đời sống Bồ Tát, sau đó đã trở thành giáo lý căn bản với Hoa Nghiêm tông.
Xuất xứ của Kinh Hoa Nghiêm
Tìm hiểu về xuất xứ của bộ kinh này, tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau nhưng chung quy chỉ có 3 giả thuyết là được lưu lại rõ ràng trong sử sách.
Giả thuyết thứ 1, theo quyển "Kinh Hoa Nghiêm" do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, Đức Thích Ca Mâu Ni khi thành đạo Vô thượng Chánh giác cũng pháp thân Tỳ Lô Giá Na và chư đại Bồ tát chứng đạo giải thoát, thuyết giảng bộ kinh này ở Bồ đề đạo tràng. Tuy nhiên do bộ kinh này khá khó hiểu, chúng sanh căn tu thấp kém, Đức Thế Tôn đã giảng kinh A hàm và các giáo lý khác để chúng sanh dễ hiểu hơn.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, khoảng 600 năm sau khi ngài Long Thụ Bồ tát (còn gọi Long Thọ - nāgārjuna) tác động tới tư tưởng Đại thừa thì bộ kinh này mới được lưu truyền. Khi đó, Kinh Hoa Nghiêm viết bằng chữ Phạn, có tới 100.000 bài kệ, chia làm 48 phẩm. Tuy nhiên, sau này chỉ được dịch sang tiếng Hán khoảng 39 phẩm, còn lại từ phẩm "Thế Chủ Diệu Nghiêm" tới "Nhập Pháp Giới" có 36.000 bài kệ chưa được dịch. Sau đó, sư Bát Nhã dịch thêm phẩm thứ 40 "Phổ Hiền Hạnh Nguyện" và tiếp tục lưu truyền.
Giả thuyết thứ 2 theo Từ điển Phật học của Đoàn Trung Còn, khoảng 600 năm sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Niết bàn, ngài Long Thọ tới Long Cung thì thấy 3 bộ Hoa Nghiêm. Bộ đầu tiên có vô số bài kệ, nhiều như nguyên tử trong mười phương giới, bộ thứ hai có 498.800 bài kệ, bộ sau cùng có 100.000 bài kệ, phân làm 48 chương. Do chỉ có bộ sau cùng là có thể vừa tầm hiểu biết của con người, có thể lưu truyền nên bộ thứ 3 vẫn còn được lưu giữ và truyền bá tới ngày nay.
Giả thuyết thứ ba cũng trong Từ điển Phật học, thì ngài Long Thọ là sơ tổ của Hoa Nghiêm tông ở Ấn Độ, ngài đã sáng tác 24 tác phẩm khác nhau, trong đó có nhiều bộ có một số điểm trùng hợp với nội dung kinh Hoa Nghiêm.
Ý nghĩa Kinh Hoa Nghiêm
Tương truyền rằng, trong kinh này, cáo giáo pháp không phải do Phật trực tiếp truyền dạy, mà Phật nói rất ít, các giáo pháp là phát biểu của dạng xuất hiện Pháp thân (Tam thân). Sự lặng im của Phật là biểu hiện cho tính Không, sự truyền dạy giáo pháp tựa Chân như, xuất hiện để con người hiểu được.
Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày rằng, vạn pháp là do tâm sinh, tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hiện sai biệt hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi. Tâm chân thì pháp giới với Tâm là một, vạn pháp đồng nhất. Tâm thanh tịnh thì thấu đạt chân lý, thông suốt pháp giới, thể nhập bất tử, giải thoát hạnh mông.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật chỉ cho chúng sinh thấu rõ cội nguồn của mọi sự vật hiện tượng, rằng là do mê muội vọng tưởng nghiệp duyên mà thành, các pháp hiện hành là huyễn hóa, tất cả vạn pháp pháp giới đều do tâm sinh.
Tâm trùm khắp pháp giới, vạn vật vũ trụ có thể nằm trong hạt cải, hạt cải có thể thâu tóm tất cả vạn pháp vũ trụ. Thể tính của Tâm là nhiếp thấu mọi sự, tất cả là một, một là tất cả, đó là tính vô ngại của Tâm. Chân tâm suốt thâu vạn pháp cả hữu tình và vô tình, lấy toàn thể pháp giới tính là lượng, xứng tính bất từ nghì vô ngại giải thoát là thể, đó chính là ý nghĩa căn cốt Kinh Hoa Nghiêm.
Kinh Hoa Nghiêm còn là một thông điệp, bài học phong phú, giúp cho hành giả có tâm hướng thượng đại thừa, biết rằng tu là phải học hành qua hình ảnh Thiện Tài đồng tử, tham bái học đạo với 53 vị thiện tri thức. Đó là bằng chứng rằng tu học đạo bồ đề là thứ tiên quyết, phải khắc phục tâm ngạo mạn, dục vọng mê muội; ngoài thân khiêm cung cầu tiến hành trì Hoa Nghiêm, tìm chân sư liễu ngộ thì mới có thể hiển lộ Phật tính chân tâm.
Kinh Hoa Nghiêm cũng có ý nghĩa là khai mở quang lộ bản tính chân tâm thanh tịnh, là biết được tự thế các pháp hiện hành trong vũ trụ, là thấu suốt cội nguồn sinh sinh - hóa hóa của chúng sinh hữu tình và vô tình; là quán chiếu bí mật nghĩa viên dung tương quan với tâm và cảnh, thống triệt lý viên dung vô ngại chủ và khách của vạn pháp, hiện hành sinh hóa, tương duyên, tương nhân quả, tương sinh, tương diệt. Vạn pháp toàn triệt hiện trên đài gương chân như thể tính, bởi vậy mới nói thọ trì Kinh Hoa Nghiêm là bước vào cửa cầu tu học đạo, là nhân tố đặc thù hoàn chân.
Cũng bởi công đức nhiệm màu, vi diệu của Kinh Hoa Nghiêm mà người có thiện duyên thấy Kinh Hoa Nghiêm, phát tâm thành kính tin tưởng thì như chính mình thấy Phật. Người thành tâm đọc kinh tựa trực tiếp nghe Phật khai thị, người chí thành phụng thờ kinh tựa chính mình phụng thờ Phật. Người phát tâm bồ đề Kinh Hoa Nghiêm có công đức tựa như được cùng dường Phật, được thỉnh Phật trụ thế, chuyển pháp.
Kinh Hoa Nghiêm cao sâu vời vợi, màu nhiệm đến thế nên ai thành kính phát tâm ấn tống, thọ trì kinh này thì là người nhiều kiếp gieo thiện duyên bồ đề, từng là sứ giả nhà Phật, từng ở trong ngôi nhà chánh pháp.
Kinh Hoa Nghiêm thuộc lãnh vực xứng tánh bất từ nghì giải thoát, mỗi lời đều lấy toàn thế pháp giới tính làm lượng. Cũng vì thế mà toàn bộ Giáo - Lý - Hạnh - Quả nơi đây đều dung thông vô ngại, nên cũng gọi là Vô ngại pháp giới.
Ý nghĩa thành đạo trong Kinh Hoa Nghiêm
Theo bộ kinh này, Đức Phật ngồi Bồ đề đạo tràng đi sâu vào đại Thiền định, chứng đắc Tam Minh. Ngài biết được toàn bộ kiếp mình trong quá khứ, thấy sự tiến hóa của pháp là bắt nguồn từ ngũ ấm, tiến tới quốc độ, tạo thành chúng sanh. Từ thân con người, Ngài từng trải qua nếp sống tu khổ hạnh Thanh Văn, rồi tới tu hành quán pháp nhân duyên theo Duyên Giác.
Sau cùng, Ngài hành Bồ tát đạo, cứu độ chúng sinh, chứng Như Lai thân viên mãn bừng sáng trí tuệ, tức là Trí thân. Phật sử dụng Trí thân để quan sát muôn pháp, thấy chúng sinh đều chung gốc ngũ uẩn mà sinh ra, trong đó có Ngài với trí tuệ thấu tỏ cội nguồn các pháp. Vậy nên, với Phật, pháp giới chính là mình, kinh là Pháp thân, là bao hàm muôn loài và điều khiển vạn vật theo trí giác viên mãn, thường gọi là Phổ Quang Minh Chiếu.
Đức Phật thành đạo, đạt đến quả Vô Thượng Đẳng Giác, trang nghiêm bằng Trí thân, Pháp thân, nên với ngoại giới Ngài không bị thiên nhiên xã hội chi phối, với nội giới thì Ngài cũng không bị lệ thuộc bởi tham vọng, tình cảm. Ngài hoàn toàn tự tại, giải thoát trước mọi sự.
Cũng theo kinh Hoa Nghiêm, mọi Bồ tát hành đạo từ phát tâm tu, đi theo lộ trình là thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, thập nhẫn, thập định, thập thông. Cụ thể hóa qua hình ảnh Thiện Tài đồng tử trải qua gian nan sóng gió, vượt qua 52 chặng đường cầu thiện tri thức. Đó cũng có thể hiểu là đường giáo hóa độ sanh của Đức Phật, Ngài đã vượt qua mọi chướng duyên, đã tiếp xúc với tất cả thành phần trong xã hội khi hành Bồ tát đạo.
Nhờ vậy, Ngài học hết mọi việc hay dở của chúng sinh, thấu hiểu mọi nguồn sự việc, thành bậc Toàn Giác. Với trí tuệ vô thượng, Ngài thấy biết mọi sự rõ ràng như trong lòng bàn tay, tùy người tùy chỗ tùy lúc mà dìu dắt người gieo nhân duyên căn lành với ngài. Những ai được Phật tiếp độ và tu tâm, dưỡng tính, sống theo lời chỉ dạy của Phật đều lần lượt an lạc, giải thoát.
Cách trì tụng Kinh Hoa Nghiêm
Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh dài, gồm 40 phẩm đã được dịch ra tiếng Việt, là đại diện cho tư tưởng Phật pháp đại thừa về lý hữu hóa duyên sinh của vạn pháp. Trước khi tụng Kinh, người tu tập cần thực hiện nghi thức sám hối trước khi tụng kinh, sau đó tiếp tục Nghi thức trì tụng Kinh Hoa Nghiêm. Xin giản lược phần Nghi thức trì tụng Kinh Hoa Nghiêm trước khi tụng kinh như sau:
BÀI TÁN LƯ HƯƠNG
Lư hương vừa ngún chiên đàn
Khói thơm ngào ngạt muôn ngàn cõi xa
Lòng con kính ngưỡng thiết tha
Ngửa mong chư Phật thương mà chứng minh.
Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)
CHƠN NGÔN TỊNH PHÁP GIỚI
Án Lam (7 lần)
CHƠN NGÔN TỊNH KHẨU NGHIỆP
Tu rị Tu rị ma ha tu rị tu tu rị ta bà ha (3 lần)
CHƠN NGÔN TỊNH BA NGHIỆP
Án ta phạ bà phạ thuật đà ta phạ, đạt mạ ta phạ bà phạ thuật độ ham (3 lần)
CHƠN, NGÔN PHỔ CÚNG DƯỜNG
Án nga nga nẳng tam bà phạ phiệt nhựt ra hồng (3 lần)
BÀI VĂN PHÁT NGUYỆN
Nam mô thập phương thường trụ Tam Bảo (3 lần)
Lậy đấng tam giới Tôn
Quy mạng mười phương Phật
Nay con phát nguyện lớn
Trì tụng Kinh Hoa Nghiêm
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe
Ðều phát bồ đề tâm
Khi mãn báo thân này
Sanh qua cõi Cực Lạc.
Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
BÀI KỆ KHAI KINH
Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu
Trăm nghìn muôn kiếp khó tìm cầu
Nay con nghe thấy chuyên trì tụng
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu
Nam mô Hoa Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)
Qua bài viết trên của Sống Đẹp, chúng tôi hi vọng các bạn đã hiểu Kinh hoa nghiêm là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm - một trong những kinh quan trọng của Phật Giáo.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận