Trao giải cuộc thi “Sáng kiến thúc đẩy Bình đẳng giới 2024"

Ban tổ chức đã tiến hành vòng thi chung kết và trao giải cuộc thi “Sáng kiến thúc đẩy Bình đẳng giới 2024".

Trao giải cuộc thi “Sáng kiến thúc đẩy Bình đẳng giới 2024"

Ban tổ chức đã tiến hành vòng thi chung kết và trao giải cuộc thi “Sáng kiến thúc đẩy Bình đẳng giới 2024".

Cuộc thi “Sáng kiến thúc đẩy Bình đẳng giới 2024" do Hội LHPN tỉnh Lào Cai, Ban quản lý Phát triển cộng đồng thông qua Giáo dục huyện Đà Bắc (Hoà Bình), Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) và Tổ chức Aide et Action (sắp tới sẽ trở thành Action Education)  cùng phối hợp tổ chức. Đây là một trong số các hoạt động thuộc dự án “Thúc đẩy phát triển nghề nghiệp và kinh doanh cho thanh niên và phụ nữ”. 

Theo ban tổ chức, cuộc thi với sự chung tay của nhiều bên tham gia đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại các địa bàn dự án. Những ý tưởng và sáng kiến từ các thành viên Hội LHPN và Đoàn thanh niên thuộc thị xã Sapa, huyện Bắc Hà, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) và huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) đã góp phần tạo ra những thay đổi tích cực, thúc đẩy bình đẳng giới một cách bền vững tại địa phương.

Cuộc thi đã lựa chọn được 11 sáng kiến xuất sắc, mang nhiều ý tưởng sáng tạo và thực tiễn vào vòng chung kết. Các sáng kiến được lựa chọn đa dạng các chủ đề liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới như phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình, nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ, xóa bỏ các phân biệt đối xử về giới liên quan đến lao động việc làm. Các sáng kiến tại cuộc góp phần việc xóa bỏ các định kiến giới về phân công lao động trong gia đình, phòng chống bạo lực, lạm dụng trẻ em.

7 sáng kiến được trao giải tại chung kết cuộc thi "Sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới"

BTC đã lựa chọn và công bố 7 sáng kiến để trao giải, với tổng mức trao giải là 262 triệu đồng. Các sáng kiến đoạt giải tiêu biểu của Lào Cai là đề xuất từ xã Tả Phời về định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp; đề xuất từ phường Phan Xi Păng về xóa bỏ các định kiến giới về phân công lao động việc nhà; đề xuất của phường Sapa về phòng chống bạo lực gia đình góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại tổ dân phố số 6. Các sáng kiến được giải từ huyện Đà Bắc là đề xuất của xã Tú Lý về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; đề xuất của xã Cao Sơn về phòng chống bạo lực gia đình.

Bình đẳng giới vẫn là vấn đề bức thiết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Các sáng kiến từ cuộc thi sẽ được hỗ trợ thực hiện.

Các sáng kiến sẽ bước vào giai đoạn triển khai thực hiện từ tháng 8/2024 với sự đồng hành và hỗ trợ từ các chuyên gia về giới từ Hội LHPN Lào Cai và Hòa Bình, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường (CGFED) và Tổ chức Aide et Action.

Thông tin thêm:

Trung tâm Nghiên cứu về Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) được thành lập năm 1993, là một tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam, tập trung vào vấn đề Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển.

Hơn 30 năm làm việc, CGFED ưu tiên các hoạt động nghiên cứu khám phá và hành động, truyền thông vận động, cũng như thực hiện các chương trình đào tạo và các dự án phát triển tại cộng đồng với mong muốn thúc đẩy cá nhân và cộng đồng xây dựng hạnh phúc dựa trên nền tảng bình đẳng giới. Hiện nay CGFED đang hoạt động tại các lĩnh vực:

 - Bình đẳng giới trong các vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục

- Công lý giới trong môi trường phát triển bền vững

 - Nhạy cảm giới trong truyền thông, luật pháp và giáo dục.

Aide et Action (AEA – sẽ sớm đổi tên thành Action Education) là tổ chức hợp tác quốc tế với trụ sở chính tại Paris, Pháp. Tổ chức AEA quốc tế bắt đầu hoạt động vào năm 1981 và hiện đang làm dự án tại 19 quốc gia thuộc Châu Âu, Châu Phi và Châu Á.

Với tầm nhìn “Thay đổi thế giới thông qua giáo dục”, AEA sử dụng cách tiếp cận giáo dục lâu dài cho nhóm thanh niên và trẻ em dễ bị tổn thương.

AEA có mặt tại Việt Nam từ năm 2003, đã và đang triển khai các dự án tại 07 tỉnh gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai và An Giang. Các dự án của AEA tập trung vào 03 lĩnh vực:

  • Giáo dục và chăm sóc trẻ.
  • Tiếp cận và chất lượng giáo dục.
  • Giáo dục hướng nghiệp