Ông ngoại như mẹ hiền – Câu chuyện nhân văn cảm động

Với chị em tôi, những năm tháng tuổi thơ được ông chăm sóc, dạy dỗ sẽ mãi là khoảng thời gian thật đặc biệt, là những phần ký ức đẹp đẽ nhất trong lòng tôi.

Ông ngoại như mẹ hiền – Câu chuyện nhân văn cảm động

Với chị em tôi, những năm tháng tuổi thơ được ông chăm sóc, dạy dỗ sẽ mãi là khoảng thời gian thật đặc biệt, là những phần ký ức đẹp đẽ nhất trong lòng tôi.

Ngày tôi học tiểu học, ba mẹ rất bận rộn. Yêu cầu công việc buộc ba phải xa nhà nhiều ngày, có khi mấy tháng mới về một lần. Mẹ thì làm cô giáo, ngoài 2 buổi dạy ở trường, tối về mẹ còn nhận đứng lớp cho một trung tâm giáo dục thường xuyên để có thêm thu nhập.

Vậy là chị em tôi chủ yếu nhờ ông bà trông nom. Lúc bà ngoại đang đảm nhận việc chăm cháu thì đùng một cái bà dì tôi phát bệnh nặng, phải ở viện điều trị dài ngày. Mà bà dì lại không có gia đình, chỉ có ngoại tôi là em nên lẽ đương nhiên bà ngoại phải vào viện chăm chị gái. Thế là mọi công việc trông cháu được chuyển nhượng sang cho người bảo mẫu mới là ông ngoại.

Ông ngoại tôi ngày trước là một người lính cụ hồ, những năm tháng trong quân ngũ đã cho ông sự năng động, tháo vát. Những chuyện như đi chợ, nấu cơm… với ông chỉ là chuyện vặt vãnh. Thế nhưng, để nấu được cho chị em tôi – những đứa trẻ nổi tiếng kén ăn, ông phải trải qua một khóa đào tạo cấp tốc của bà ngoại. Bọn nhỏ thích ăn rau củ gì, thịt gì, món nào cần nấu nhừ, món nào cần nêm lạt,… những lời bà nói đều được ông tỉ mẩn ghi chú vào một cuốn sổ. Vượt qua ải nấu ăn rồi ông ngoại còn lo cả chuyện tắm rửa, chọn váy, thậm chí là tết tóc cho chị em tôi nữa.

Em gái tôi khi ấy còn nhỏ nên hay khóc nhè, mè nheo. Tối nào em cũng thức chờ tới khi mẹ đi dạy về mới chịu đi ngủ. Lắm hôm em chơi mệt, buồn ngủ nhưng mẹ về trễ thế là em khóc nhè, ai dỗ cũng không nín. Thế là ông ngoại phải bày đủ mọi trò để dụ em. Hôm thì ông kể chuyện cho chị em tôi nghe, ông không kể chuyện cổ tích như bà và mẹ mà lại kể chuyện đánh giặc, chuyện chăn trâu đuổi gà của ông từ thuở nhỏ. Giọng ông không nhẹ nhàng, nhưng chuyện ông kể lại rất ly kỳ, thú vị nên chị em tôi nghe say sưa đến quên cả nỗi nhớ mẹ. Hôm nào không kể chuyện thì ông lại bày dụng  cụ ra làm đồ chơi, những chiếc đèn lồng từ lon sữa bò, những chiếc xe làm từ vỏ bao diêm,… đều khiến chị em tôi tròn mắt thích thú.

Chưa hết, ông ngoại tôi còn biết may vá. Mà không phải tay mơ đâu, ông may đẹp lắm. Chiếc quần bị lỏng thun của tôi, ông xỏ chỉ may túm hai bên lưng quần hay nút áo bị rơi, ông cũng tỉ mỉ đính lại như cũ. Tôi thấy vậy thì ngạc nhiên hỏi: “Ông ơi, những việc này của con gái sao ông cũng biết làm vậy ạ?”. Ông cười ha hả trả lời: “Ngày xưa ông đi đánh giặc, vào chiến trường cái gì cũng phải tự lo chứ có ai làm giúp mình đâu. Càng biết làm nhiều thứ thì có ở đâu mình cũng sống được cháu ạ”.

Giờ đây, khi chúng tôi lớn khôn thì ông ngoại đã già, sức khỏe cũng không còn được như xưa nữa. Nhưng với chị em tôi, những năm tháng tuổi thơ được ông chăm sóc, dạy dỗ sẽ mãi là khoảng thời gian thật đặc biệt. Tôi vẫn luôn tự hào kể với chúng bạn về người ông có một không hai của mình. 

Xem thêm: Quy tắc “giữ lương” của mẹ chồng – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm