Mong ngóng cháu đích tôn – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Có 3 người con trai, gia đình hòa thuận êm ấm, các con có công việc ổn định, thành gia lập thất, con cháu đề huề nhưng vợ chồng ông Sơn chưa từng thấy hạnh phúc. Bởi điều mà ông bà cho là hạnh phúc ấy là một thằng cháu trai.

Mong ngóng cháu đích tôn – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Có 3 người con trai, gia đình hòa thuận êm ấm, các con có công việc ổn định, thành gia lập thất, con cháu đề huề nhưng vợ chồng ông Sơn chưa từng thấy hạnh phúc. Bởi điều mà ông bà cho là hạnh phúc ấy là một thằng cháu trai.

Vợ chồng 3 người con trai của ông bà, mỗi nhà đều sinh 2 cháu gái. Mỗi lần con dâu sinh nở là một lần vợ chồng ông Sơn, bà Xuân hy vọng mong mỏi sẽ có một đứa cháu để được ra oai với họ hàng. Nhưng 6 lần đón cháu đều là cháu gái. “Một mụn đích tôn cũng không có”, hai ông bà than thở với nhau.l

Nhiều lần bà Xuân đánh tiếng với các con về việc sinh tiếp: “Bây giờ ai cũng muốn đông con cho vui cửa vui nhà. Với khoa học cũng ngày càng hiện đại, ta có thể chọn được giới tính của con”.

Thậm chí bà Xuân còn trao thưởng mảnh đất ở nội thành đang lên giá vùn vụt cho nàng dâu nào hoàn thành nhiệm vụ sinh cháu đích tôn cho ông bà đầu tiên. Nhưng đáp lại sự mong mỏi của bố mẹ chồng, cả 3 nàng dâu đều khéo léo từ chối với lý do dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.

Chị dâu cả thì thâm lý do giờ đã nhiều tuổi, sinh nở vất vả, rồi còn ảnh hưởng cả mẹ lẫn con. Cô con dâu thứ hai thì bảo đang đà thăng tiến công việc, không thể vì sinh con mà trì hoãn được, quyết liệt từ chối: “Mẹ biết rồi đấy, hai đứa nhà ocn đều khó nuôi. Vất vả lắm vợ chồng con mới nuôi được lớn chừng ấy. Giờ rảnh rang đôi chút, vợ chồng con cũng cố cày cuối để nay mai lo cho chúng nó bằng bạn bằng bè. Giờ mà đẻ nữa ai cáng đáng với chồng con lo cho hai đứa”.

Thế là bao nhiêu mong mỏi, vợ chồng ông Sơn và Xuân đều dồn vào cô con dâu út vẫn trong diện tuổi ăn được đẻ được. Nhưng cô con dâu út lại có nhận thức rất sâu sắc và triệu để về vấn đề bình đẳng giới. Ban đầu, vợ chồng con trai út chỉ muốn sinh một đứa để nuôi dạy cho tốt, có đứa thứ hai là do vỡ kế hoạch. Nghe mẹ chồng ỉ ôi năn nỉ sinh thêm cháu đích tôn, cô từ chối khéo: “Con trai con gái thì cũng là con mình cả mà mẹ, miễn các con ngoan là được. Với cả thế hệ chúng nó sau này khác mình lắm, chắc gì chúng đã chịu ở với mình, có khi lại sang tây sang tàu định cư cũng nên”.

Nàng dâu nào cũng có cái lý của mình, chẳng kéo ai về phe được bà Xuân buồn lắm. Nỗi khổ tâm không có cháu đích tôn cứ dày vò hai ông bà, khiến cho hai người già dù ở trong nhà cao cửa rộng, con cháu ngoan ngoãn vẫn cứ thấy mình bất hạnh.

Biết bố mẹ còn đau đáu thằng cháu đích tôn, nên gia đình các anh con trai luôn cố hết sức quan tâm bố mẹ, tuần nào cũng tụ tập đông đủ về thăm bố mẹ. Mỗi lần như thế, ngôi nhà lại nhộn nhịp, rộn ràng tiếng cười nói. Nhất là mấy cô cháu ngoại, đứa nào đứa ấy cũng tíu tít thăm hỏi ông bà. Các con cố làm bố mẹ vui thì cứ làm, còn với ông Sơn bà Xuân thì nỗi buồn vẫn cứ thăm thẳm, khó mà vơi được.

Thời gian cứ thế trôi qua, ông Sơn bà Xuân đã bước vào tuổi 70, 80. Sự minh mẫn, nhanh nhẹn cũng vơi dần. Lo lắng cho bố mẹ, ba anh em bàn nhau về nhà thường xuyên hơn, thậm chí cắt cử các con thay phiên nhau đến ở với ông bà, hỏi han trò chuyện rồi thi thoảng chở ông bà đi chơi, đi dạo cho khuây khỏa… Và cũng chính từ đây, khoảng cách giữa ông bà nội và các cháu gái mới dần xích lại.

Lũ trẻ mỗi lần tụ tập là lại rủ ông bà đi ăn rồi đi cà phê cà pháo. Các cháu gái thường thân với bà hơn, nên bà Xuân rất hay được các cô cháu gen Z đưa đi gội đầu, làm đẹp, rồi lượn lờ dạo phố mua quần áo. Không muốn đi thì các cháu cũng bắt đi bằng được, đi vài lần là từ chán thành thích ngay. Còn ông Sơn, hôm rồi cũng dày đặc lịch: Nào là ra phường lấy lương hưu, rồi đi lấy thuốc định kỳ ở bệnh viện, đi thăm ông bạn đồng nghiệp năm xưa mới ra viện… Nhưng chuyện khổ tâm là ông không thạo đi xe ôm, mà đi taxi thì lại say xe. Thế là cô cháu nội lớn nhất, đang học đại học, biết chuyện xung phong làm tài xế cho ông nội. Nguyên mấy ngày, hai ông cháu lòng vòng khắp ngõ ngách của thành phố, đi chỗ này chỗ kia. Xong việc về tới nhà, khi cô cháu gái còn mải cất xe thì bà Xuân đã thấy ông Sơn vào nhà, đôi mắt đỏ hoe. Bà tưởng ông đi gặp bạn cũ về nên xúc động, nhưng không phải. “Tôi hạnh phúc quá bà ạ. Các con mình dạy dỗ các cháu ngoan quá. Chúng nó không nề hà ông bà già lạc hậu, chơi với mình, giúp đỡ mình là thế, mà mình vẫn cứ  ngoan cố đòi hỏi một đứa cháu trai”, ông Sơn xúc động nói với vợ.

Lời ông Sơn khiến bà Xuân nhận ra, bao lâu nay, hai ông bà hạnh phúc biết bao. Một hạnh phúc không giống như hai ông bà ao ước, một hạnh phúc ngoài dự tính, nhưng đã có hạnh phúc, thì còn gì mong mỏi hơn nữa?

Xem thêm: Ông bố “thích” nằm viện – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm