Hạnh đang nấu cơm chợt nghe thấy tiếng la hét ầm ĩ ngoài đường. Linh cảm có chuyện chẳng lành, cô vội vàng tắt bếp gas, dặn con trai ngồi yên trong nhà rồi chạy ra đường xem. Đúng như linh cảm, Dũng – chồng Hạnh, đang đánh nhau với 2 thanh niên lạ mặt. Làng xóm thấy vậy xúm vào giải vây, người thì vội vàng gọi báo công an.
Lúc lôi được Dũng ra khỏi cuộc ẩu đả, trên người anh chằng chịt vết thương, chân phải cũng bị đau phải đi cà nhắc. Nguyên nhân trận đánh nhau này là vì 2 thanh niên kia lấy trộm con chim két của một nhà dân trong khu phố, đúng lúc đó Dũng đi ngang nhìn thấy nên liền ra tay bắt trộm.
Bọn trộm bị công an dẫn về phường, Dũng cũng phải đi theo để giải trình. Hạnh đi theo chồng, xong việc ở đồn công an, cô dẫn chồng đến trạm y tế để khâu vết thương. Trong lúc ngồi ngoài hành lang đợi Dũng khâu vết thương, Hạnh vẫn chưa hết run, cô tự hỏi tại sao Dũng lại không nghĩ tới gia đình, vợ con, suốt ngày mải miết làm “người hùng”. Năm nay anh cũng đã 38 tuổi rồi, còn trẻ trung gì nữa mà đụng chuyện là đánh nhau?
10 năm trước, Hạnh và Dũng yêu nhau cũng nhờ một lần đánh nhau như thế này. Bữa đó Hạnh đang đi trên đường thì bị kẻ gian giật túi xách. Cô té lăn ra đường, đầu gối trầy xước tóe cả máu. Hạnh còn chưa kịp hoàn hồn thì một thanh niên đâm thẳng xe mình vào 2 tên cướp, rồi nhanh nhảu đánh hai tên cướp nằm bẹp xuống đường như một vị anh hùng.
Sau khi cầm lại túi xách, Hạnh cúi người liên tục nói cảm ơn. Thấy xe của anh chàng bị bể kiếng, trầy trụa Hạnh ngỏ ý đền bù tiền sửa xe, nhưng anh chàng phẩy tay cười bảo: “Không có gì, tiện tay thì giúp thôi, cô đừng áy náy”. Người ta đi rồi, Hạnh còn xao xuyến trông theo.
Rồi không biết duyên nợ kiểu gì, một tháng sau Hạnh gặp lại Dũng khi anh đến mua hàng tại chỗ cô. Không bỏ lỡ cơ hội, Hạnh đã chủ động xin số làm quen. Bên Dũng, cô cảm nhận được sự tin cậy, an toàn. Thế là sau 1 năm yêu nhau, cả hai chính thức về chung một nhà.
Khi yêu, mọi ranh giới đều bị san bằng, những nét cá tính cũng trở nên lung linh và đặc sắc. Cưới nhau rồi, hiện thực cuộc sống khiến vầng hào quang lung linh kia dần lụi tắt. Từ ngày kết hôn, không biết bao lần Hạnh khổ sở vì Dũng hay lo chuyện bao đồng. Nửa đêm nghe lối xóm la trộm chó, anh liền phăng phăng cầm gậy chạy ra đường. Khi đang đi ngoài đường, thấy học trò đánh nhau anh cũng dựng xe lao vào can,… Bao lần Hạnh chết điếng khi thấy Dũng liều mình vào chỗ nguy hiểm. Cảm giác an toàn ngày trước đã nhường chỗ cho bất an và sợ hãi.
Lúc yêu nhau, Hạnh nhìn Dũng nghĩa hiệp bao nhiêu, giờ thì chỉ thấy toàn chồng xốc nổi bấy nhiêu. Bao lần Hạnh khổ sở, cằn nhằn, giận hờn vẫn không thay đổi được Dũng. Lúc nào anh cũng cười bảo: “Tính anh vậy rồi, thấy chuyện bất bình là không nhịn được. Chỉ có em là hay chê anh lo chuyện bao đồng, người được anh giúp họ cảm ơn còn không hết kia kìa”.
Vì con chim két của hàng xóm mà Dũng phải khâu mấy mũi trên mí mắt, chân phải thì bị rạn xương, phải bó bột mất mấy tháng. Lúc lập biên bản, anh công an nói với Dũng: “Anh có hành động nghĩa hiệp là rất đáng quý, nhưng cũng phải biết bảo vệ bản thân. Trong trường hợp đó, thay vì lao vào bọn trộm, anh nên hô hoán cho nhiều người đến giúp và báo ngay cho công an. Tài sản là quan trọng, nhưng tính mạng mới là trên hết”.
Nghe công an nói vậy, Hạn hiểu ra, bấy lâu nay cô lấy nước mắt để can chồng là không hiệu quả, bởi đàn ông như con ngựa bất kham, càng bị cấm đoán lại càng muốn làm bằng được để chứng tỏ bản thân. Chỉ có cách nhỏ nhẹ thuyết phục bằng tình và lý may ra mới thay đ
ổi được chồng.
Thế là lần này Hạnh thay đổi chiến thuật, không khóc lóc, cũng không cằn nhằn, cô nhỏ nhẹ nói với chồng: “Em ủng hộ anh làm việc nghĩa, nhưng trước khi ra tay, anh hãy nghĩ đến bản thân, đến gia đình, đến mẹ con em. Giúp người thì được, nhưng phải biết giữ an toàn cho bản thân, không nên liều mạng. Anh có chuyện gì, mẹ con em biết phải làm sao?”.
Dũng lặng im, không cãi lời vợ. Anh nhận ra, bây giờ anh còn có vợ và các con bên cạnh. Trước hết, anh phải làm chỗ dựa vững chắc, làm “người hùng” trong lòng vợ con - những người cần anh bảo vệ và luôn yêu thương anh.