Anh Nguyễn Ngô Dương (41 tuổi) chính là người nhận sửa giày miễn phí cho mọi người với tâm niệm trả ơn cuộc đời. Anh Dương sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bình Dương, bố mất sớm, gánh nặng mưu sinh cứ vậy đè lên đôi vai của người mẹ. Nhà đông con, mẹ làm thuê không đủ để sinh sống nên 9 anh em nhà Dương tứ tán khắp nơi để mưu sinh. Năm 12 tuổi, anh Dương nhỏ nhà đi bụi theo bạn bè trôi dạt đến TP. Hồ Chí Minh.
Ngày ấy, ban ngày Dương ngủ ở công viên, tối đến lại tới các bãi rác nhặt ve chai, thỉnh thoảng đi xách nước thuê cho người ta. Những ngày không có việc, không có tiền, Dương lại phải co ro chịu đói, chịu rét.
Năm Dương 15 tuổi, chị ruột anh thấy xót em trai, nhưng vì gia cảnh cũng khó khăn nên đành nhờ người quen cưu mang anh. Họ là gia đình có 5 người ở quận 4, làm nghề truyền thống sản xuất giày. “Họ thương tôi bơ vơ nên cho ăn ở và dạy nghề miễn phí. Đó là cột sốc để đời tôi sang trang mới”, anh Dương nhớ lại.
Mùa hè năm 1998, gói ghém vài bộ quần áo, Dương được chị dắt sang nhà mới. Bữa cơm đầu tiên, anh chần chừ mãi không gắp, bởi đứa trẻ đường phố chẳng biết nên cư xử trên bàn ăn thế nào cho phải phép. Thấy vậy gia đình chủ nhà đã nhẹ nhàng chỉ anh cách mời cơm người lớn. Từ đó Dương được dạy nề nếp, ăn nói, thưa gửi mỗi khi đi về. Mỗi dịp lễ tết, Dương cũng được gia đình chủ mua cho quần áo mới như những đứa trẻ trong nhà. "Tôi dần bị cảm hóa, xúc động, suy nghĩ và hành động cũng thay đổi từ đó", anh nói.
Tuần vài lần, Dương đạp xe đến xưởng may của gia đình ở quận 7 để học nghề. “Tôi biết mình không sáng dạ nên cố gắng chăm chỉ, cần cù nhất có thể để học được nghề”, Dương nói. Nửa đêm, khi mọi người đã đi ngủ, anh vẫn ở xưởng giày đục đẽo, tập may đến khi hài lòng mwois thôi. Người học nghề giày thường mất 5 năm nhưng Dương ở xưởng giày hơn chục năm. Bước sang tuổi 20, anh bắt đầu xin đi học văn hóa, tin học văn phòng để thiết kế mẫu giày trên vi tính.
Năm 2008, sau chục năm làm công, Dương gom tiền dành dụm mở xưởng giày ở quận Bình Tân, TP HCM. Ban đầu xưởng phát triển tốt nhưng do thiếu kinh nghiệm điều hành, quản lý nên sau 4 năm thì anh phá sản. Khi ấy Dương phải gánh nợ hơn hai tỷ đồng. Anh nhớ dịp đó là Tết 2012, anh lầm lũi trở về căn trọ 20m2, luộc chục trứng vịt cầm cự trong nhà và không dám gặp ai.
Sau nửa tháng chật vật Dương bất ngờ nhận được cuộc gọi từ chị ba, ân nhân đã cưu mang anh thơ bé. "Tôi như vỡ òa, trút hết cảm xúc", anh nhớ lại. "Chị nói rằng ngã ở đâu đứng lên ở đó". Rồi chị gửi cho Dương một số tiền để anh xoay xở tạm.
Sau đó, anh về Bình Dương làm thuê ở công ty giày của người bạn. Sau 4 năm chăm chỉ cày cuốc, số nợ vơi dần, anh quyết định đón xe về lại TP HCM để theo học quản trị kinh doanh, truyền thông doanh nghiệp. Trong đó bài học mà anh Dương tâm đắc nhất chính là trách nhiệm doanh nghiệp với xã hội. Điều đến khiến anh suy nghĩ về việc trả ơn cuộc đời. "Mỗi lần tôi gặp biến cố đều có ân nhân cưu mang giúp đỡ", Dương nói. "Tôi muốn làm gì đó, dù nhỏ, nhưng có ích với người khác".
Năm 2016, anh Dương quyết định khởi nghiệp lại với xưởng giày nhỏ ở TP Thủ Đức, nhân công hơn chục người. Vài ngày sau khai trương, anh dựng tủ trước tiệm treo biển sửa giày miễn phí cho tất cả mọi người.
Vì xưởng giày nằm trong hẻm, lại không truyền thông nên chỉ vài người bán vé số ngang qua thấy thông tin thì ghé vào nhờ Dương sửa giày giúp. Lâu dần, mọi người truyền tai nhau, số lượng người đến sửa giày càng đông hơn. Tuần anh nhận sửa từ 8-10 đôi, tập trung vào ngày chủ nhật. Khách chủ yếu là lao động nghèo, người giao hàng, bán hàng rong, người khuyết tật. Giá sửa mỗi đôi giày thường dao động 30.000-40.000 đồng. Dương nói số tiền này không lớn, nhưng nó sẽ đỡ đần được phần nào khó khăn của mọi người. "Tôi không phân biệt họ giàu hay nghèo, chỉ muốn giúp đỡ mọi người", người đàn ông 40 tuổi tâm niệm.
Xem thêm: Chân dung thầy giáo về hưu mở lớp học miễn phí giúp học trò nghèo